Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sáng kiến hay cho nguồn nước sạch

(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 3 năm đưa vào quản lý, vận hành, sáng kiến cải tạo, lắp đặt hệ thống vớt rác tự động tại thượng lưu xi-phông Mật Sơn trên hệ thống kênh Bắc do Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Chu Lê Văn Thủy thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả. Sáng kiến đã góp phần lớn vào việc giảm chi phí chi hằng năm cho công tác trục vớt, nạo vét kênh mương do rác thải lắng đọng; giảm bớt áp lực, độc hại, nguy hiểm tiềm ẩn trong quá trình làm việc của công nhân thủy nông; đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, vệ sinh môi trường, nguồn nước...

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa16/07/2025

Sáng kiến hay cho nguồn nước sạch

Rác được vớt lên tại thượng lưu xi-phông Mật Sơn - một trong những “điểm nóng” rác thải trên kênh Bắc. Ảnh: H.T

Nỗi buồn... kênh Bắc

Hệ thống kênh Bắc và kênh Chính hệ thống tưới Bái Thượng có chiều dài hơn 70km, lấy nước từ đập thủy lợi Bái Thượng trên sông Chu, chảy qua địa bàn khu dân cư rộng lớn, trải dài qua các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa (tên gọi trước khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp) do Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý, vận hành. Đây là hệ thống dẫn nước quan trọng, không chỉ phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho hơn 50 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp của các địa phương mà còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sạch, từ đó cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực dân cư rộng lớn sinh sống trong vùng tưới của hệ thống, đặc biệt là hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhiều phường, xã trọng điểm hiện nay.

Tuy nhiên, hệ thống kênh Bắc cũng là một trong những trọng điểm về rác thải. Hằng năm, trên kênh Chính, đoạn từ đập Bái Thượng đến đập Bàn Thạch tại K17+200 (có chiều dài khoảng 17,2 km) có hàng trăm tấn rác do một bộ phận người dân thiếu ý thức, trách nhiệm xả xuống lòng kênh khiến bồi lắng lòng kênh gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước, mất mỹ quan, an toàn công trình thủy lợi.

Trước thực trạng đó, công ty đã nghiên cứu nhiều hình thức để hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi xuống các lòng sông, kênh mương thủy lợi như: Phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường; phát tờ rơi tại các khu dân cư dọc các tuyến kênh, hợp đồng xã hội hóa với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, ngăn chặn,... Tình trạng rác thải có cải thiện nhưng vẫn là nỗi băn khoăn thường trực. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân, để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ chất lượng nguồn nước, cảnh quan môi trường sống xung quanh dòng sông, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ năm 2012, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã chủ động đấu mối, làm việc với Thủy điện Bàn Thạch tại K17+200 trên kênh Chính để giữ lại lượng rác thải ở phía trên trôi xuống và tổ chức trục vớt tại chỗ. Công ty lập kế hoạch nạo, vét các đoạn kênh bị bồi lắng do rác thải, đất phù sa để thông dòng đảm bảo phục vụ sản xuất. Hiện nay, việc trực tiếp vớt, xử lý rác trên các tuyến kênh, mương thuộc địa bàn công ty quản lý chủ yếu do các tổ, cụm công nhân thủy nông đảm nhiệm.

"Việc trục vớt thủ công khiến công nhân rất vất vả khi tiếp xúc trực tiếp với chất thải độc hại ô nhiễm... song chỉ làm giảm đi lượng rác thải mà không xử lý được triệt để, tận gốc rễ vấn đề. Phần rác thải không được trục vớt sẽ lắng đọng xuống lòng kênh, mương gây bồi lắng, cản trở dòng chảy. Mặt khác, chi phí dành cho việc vớt, xử lý, vận chuyển rác thải hằng năm rất lớn. Cứ tiếp tục như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn kinh phí để thực hiện các hạng mục duy tu, bảo dưỡng khác. Đó là điều mà ban lãnh đạo công ty qua các thời kỳ rất băn khoăn, trăn trở” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Chu Lê Văn Thủy chia sẻ.

“Nở hoa” sáng kiến từ “người thuyền trưởng”

Vấn nạn rác thải đặt ra yêu cầu ngày càng bức thiết, nhận thức thúc giục hành động cũng chính là “thời cơ” cho những sáng kiến nảy nở. Bằng tâm huyết, trách nhiệm, kiến thức chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm dày dạn đúc kết qua hàng chục năm gắn bó với ngành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Chu Lê Văn Thủy đã nghiên cứu, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống vớt rác tự động thượng lưu xi-phông Mật Sơn - một trong những “điểm nóng” rác thải trên kênh Bắc. “Việc lắp đặt hệ thống rác thải là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, việc thiết kế lắp đặt hệ thống mới hoàn toàn, chi phí sẽ rất tốn kém, công ty không có nguồn kinh phí để thực hiện” - ông Thủy cho biết.

Không để khó khăn cản bước sáng tạo, không thể làm mới thì nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp cải tạo, tận dụng nguồn nguyên vật liệu hiện có để tiết kiệm chi phí. Ông Thủy cho biết: “Thực tế lúc bấy giờ, qua rà soát, theo dõi, chúng tôi nhận thấy, trạm bơm Xóm Mới (thuộc Dự án Tiêu úng vùng III Nông Cống) được đầu tư khá tốt, có hệ thống vớt rác vận hành bằng điện. Tuy nhiên, do vị trí trạm bơm tiêu được đặt giữa cánh đồng, không có khu dân cư đi qua, lượng rác dồn về mỗi đợt bơm là rất ít, không đáng kể và là trạm bơm tiêu nên hệ thống này cũng rất ít khi phải vận hành, thậm chí có năm không phải vận hành”.

Nghiên cứu bản vẽ, phương thức hoạt động của hệ thống vớt rác của trạm bơm Xóm Mới, ông Thủy đã nảy ra sáng kiến vận dụng, cải tạo thành hệ thống vớt rác tự động lắp đặt tại thượng lưu xi-phông Mật Sơn trên hệ thống kênh Bắc. Ông Thủy chia sẻ thêm: “Vị trí lắp đặt hệ thống phải đảm bảo mức độ an toàn cho kênh, ít người qua lại cũng như thuận tiện cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải và gắn liền với công trình điều tiết. Mặt khác, khi lắp đặt, đi vào vận hành hệ thống phải đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh bởi lượng rác thải được vớt lên phải tập kết, chờ xử lý”. Kết hợp các điều kiện, ông Thủy đã chọn vị trí lắp đặt hệ thống tại thượng lưu xi-phông Mật Sơn (phường Hạc Thành).

Để tiết kiệm chi phí lắp đặt, ông Thủy đã có ý tưởng tận dụng các thanh thép ray đường tàu (để làm cột điện trước đây nay được thay thế bằng cột bê tông), thép tấm và thép hình có sẵn tại kho của công ty và một số vị trí khe phai, giàn công tác thượng lưu các cống lấy nước không còn sử dụng để làm hệ khung, giàn vận hành. Cùng với đó, huy động một phần nhân lực là công nhân lành nghề của công ty đề thực hiện một số hạng mục đơn giản như: cắt hàn hệ thống khung dàn, lắp hệ thống cầu trục, lưới chắn rác... Theo ước tính, nếu hệ thống vớt rác tự động này được làm mới hoàn toàn thì chi phí sẽ dao động ở mức từ 2 đến 2,5 tỷ đồng. Nhưng do ý tưởng tận dụng cải tạo, vận dụng tình hình thực tế, tận dụng những yếu tố sẵn có nên tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm đưa vào quản lý, vận hành, hệ thống vớt rác tự động tại thượng lưu xi-phông Mật Sơn trên hệ thống kênh Bắc do ông Thủy cải tạo, chỉ đạo lắp đặt đã và đang vận hành tốt, phát huy hiệu quả rõ rệt. Từ chỗ các công nhân thủy nông luôn phải căng mình, gắng sức “chiến đấu” với lượng rác đổ về xi-phông Mật Sơn mỗi ngày, thì nay, với sự “trợ giúp” đắc lực của hệ thống vớt rác tự động, công nhân chỉ việc bấm nút vận hành hệ thống sẽ trục vớt rác đổ vào xe gom rác; công việc ấy vơi bớt đi nhọc nhằn, vất vả, độc hại. Lượng rác thải từ thượng nguồn dồn về một điểm, thuận lợi cho công tác trục vớt triệt để. Rác vớt lên sẽ gom vào các xe rác và được công ty môi trường vận chuyển, đưa đến điểm xử lý rác theo đúng quy định. Lượng rác được trục vớt khá triệt để nên ít gây hiện tượng bồi lắng lòng kênh, ít phải nạo vét thường xuyên, tiết kiệm cho công ty hàng tỷ đồng.

Chị Ngô Thị Minh Hòa (34 tuổi, cụm Lộc Giang, Chi nhánh Thủy lợi TP Thanh Hóa) bộc bạch: “Cụm Lộc Giang có 2 “điểm nóng” về rác thải mà nhiều năm nay lãnh đạo công ty, chi nhánh luôn quan tâm, tăng cường bố trí lực lượng giám sát, “tuần kênh” liên tục, đó là: xi-phông Mật Sơn, xi-phông đường sắt. Trung bình mỗi ngày, các công nhân thủy nông cụm Lộc Giang vớt khoảng 16 xe rác, mỗi xe ước khoảng 0,7 khối rác. Lượng rác trôi về đây rất nhiều, vừa vớt rác đằng trước đã thấy rác đằng sau, sức người làm không xuể. Chưa kể những hôm phải xử lý xác động vật chết trôi về, hôi thối khủng khiếp, làm xong phát ốm. Kể từ ngày hệ thống vớt rác tự động được đưa vào vận hành, công nhân thủy nông chúng tôi được “đỡ đần” nhiều lắm. Anh chị em ai cũng vui mừng, phấn khởi”.

Sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Chu Lê Văn Thủy không chỉ góp phần giảm bớt “gánh nặng” chi phí hằng năm cho việc trục vớt rác thải, nạo vét lòng kênh, nâng cao hiệu quả làm việc, góp phần khơi thông nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng nguồn nước, vệ sinh môi trường, an toàn cho người lao động và công trình thủy lợi. Hơn hết, hiệu quả sáng kiến và tâm thế sẵn sàng đổi mới, không ngại khó, quan tâm và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, khởi xướng cho một phương pháp tư duy mới trong công tác quản lý, điều hành tại Công ty TNHH MTV Sông Chu. “Đến nay, hiệu quả của hệ thống vớt rác tự động tại thượng lưu xi-phông Mật Sơn là điều rõ ràng. Điều đáng tiếc nhất là đến nay, chúng tôi chưa thể nhân rộng mô hình này do hạn chế về nguồn kinh phí. Chúng tôi vẫn đang cố gắng, nỗ lực tìm kiếm “nguồn” để có thể khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty” - ông Thủy bộc bạch.

Thùy Dương - Hương Thảo

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/sang-kien-hay-cho-nguon-nuoc-sach-254949.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm