Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đã có cuộc trao đổi về những thay đổi lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
ẢNH: NGUYỄN MẠNH
THÀNH LẬP CÁC ĐOÀN KIỂM TRA CÔNG TÁC THI TỐT NGHIỆP
Thưa ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra đúng giai đoạn nước rút sắp xếp bộ máy chính quyền ở các địa phương. Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo ban đầu như thế nào của các địa phương sau khi có các công điện chỉ đạo của Chính phủ?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có rất nhiều điểm mới. Kỳ thi vừa tổ chức cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, và khoảng 25.000 thí sinh (TS) dự thi theo chương trình GDPT 2006. Đặc biệt, kỳ thi năm nay tổ chức trong bối cảnh sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, thanh tra bộ, ngành, sở được sắp xếp về Thanh tra Chính phủ, công an huyện về công an xã.
Trước tình hình đó, vừa qua, Chính phủ liên tiếp có 2 công điện chỉ đạo Bộ GD-ĐT, bộ, ngành, đặc biệt UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp chu đáo, kỹ lưỡng, không vì sắp xếp mà ảnh hưởng tới kỳ thi.
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đánh giá các địa phương đã có phương án chủ động sắp xếp và Bộ GD-ĐT chưa nhận được phản ánh khó khăn vướng mắc của địa phương.
Vai trò của địa phương trong khâu tổ chức kỳ thi này ra sao, và Bộ GD-ĐT sẽ có giám sát thế nào để kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế?
Về phía Bộ GD-ĐT, Đảng ủy Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi bí thư tỉnh ủy về chỉ đạo UBND tỉnh tăng cường thực hiện trách nhiệm của mình theo chỉ thị và công điện của Thủ tướng, cũng như nội dung yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó là đồng loạt các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM tham dự kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm nay trong 2 ngày 27 và 28.5
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra về địa phương kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT từ ngày 1 - 16.6 và từ 18 - 20.6 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến ban chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo tỉnh, thành phố.
Trong công điện, chỉ thị của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đều khẳng định chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn với phương châm toàn diện, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, không để bất cứ nội dung nào mà không được kiểm tra giám sát với một yêu cầu: tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho TS tham gia dự thi.
Thanh tra Bộ GD-ĐT chuyển chức năng nhiệm vụ về Thanh tra Chính phủ, và ông từng chỉ đạo không để điều đó tạo ra khoảng trống trong thanh tra thi tốt nghiệp THPT. Vậy Bộ có chỉ đạo cụ thể gì để thực hiện điều này?
Quan điểm chỉ đạo của Bộ là không có khoảng trống trong công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT dù thanh tra Bộ GD-ĐT được bàn giao về Thanh tra Chính phủ hay thanh tra sở GD-ĐT về thanh tra tỉnh thì vẫn phải thực hiện chức năng của mình. Cụ thể, Công điện 58 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ UBND tỉnh chỉ đạo kế hoạch thanh tra kiểm tra kỳ thi.
Việc thanh tra Bộ GD-ĐT sáp nhập với Thanh tra Chính phủ đã được tiến hành theo lộ trình nhưng công tác thi cử vẫn được thực hiện theo chức năng. Theo đó, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra. Bộ GD-ĐT vẫn sử dụng đội ngũ thanh tra đến hết thời điểm có hiệu lực, theo đúng nội dung quy định.
ĐÃ THỬ NGHIỆM NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG THI MÔN TỰ CHỌN
Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi, đặc biệt là buổi thi 2 môn tự chọn. Kết quả thử nghiệm của Bộ GD-ĐT ở các địa phương có điều gì cần lưu ý trong buổi thi này không, thưa ông?
Kỳ thi năm nay tổ chức thi theo chương trình GDPT 2018 với phương án 2 + 2 (2 môn thi bắt buộc toán và ngữ văn; 2 môn thi tự chọn). Buổi thi thứ 3, TS sẽ làm bài thi 2 môn tự chọn. Mỗi môn thi 1 khung giờ (ca) khác nhau, 2 ca cách nhau 15 phút. Năm nay 1 môn làm 48 mã đề (gấp đôi năm trước), 24 mã đề cho ca 1, 24 mã đề cho ca 2. Giữa 2 ca TS nghỉ 15 phút.
Bộ đã thực nghiệm khảo sát ở các tỉnh, thành, tập huấn, rút kinh nghiệm về chuyên môn. Kết quả cho thấy các địa phương tổ chức tốt, giảm áp lực cho TS, đảm bảo kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH.
Gian lận thi cử được đánh giá là ngày càng tinh vi nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao. Năm nay, Ban chỉ đạo thi quốc gia sẽ làm gì để phòng ngừa, thưa ông?
Việc đảm bảo an toàn an ninh cho kỳ thi đặt lên hàng đầu. Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp các cục nghiệp vụ của Bộ Công an tập huấn các nội dung này, đặc biệt sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để gian lận. Phương châm của chúng tôi lấy phòng ngừa là chính, những nơi dễ xảy ra gian lận, địa điểm phòng thi đều được rà soát kiểm tra kỹ lưỡng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường chỉ đạo tại các địa phương.
Không chủ quan về tâm lý cán bộ làm công tác thi khi sắp xếp bộ máy
Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT đầu tháng 5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long lưu ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số điểm khác, cần nhận thức, xác định rõ trong các văn bản chỉ đạo để có giải pháp sát hơn.
Cụ thể, kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính như: không tổ chức cấp huyện, sáp nhập các tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống thanh tra… Đây là những cấp, cơ quan có nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hằng năm. Năm nay, số lượng TS nhiều hơn, công nghệ gian lận ngày càng tinh vi.
Phó thủ tướng Lê Thành Long cũng yêu cầu cần phải tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức kỳ thi này theo hướng "cầm tay chỉ việc", bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ, không nêu chung chung. Không được chủ quan về vấn đề tâm lý cán bộ khi bộ máy được tinh gọn, cần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, phân định công việc rõ ràng.
Những thay đổi cần đặc biệt lưu ý
Tại hội nghị tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT ngày 27.5, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), lưu ý về những điểm khác biệt trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho TS thi theo chương trình GDPT 2006 và 2018.
Về số lượng đề thi trắc nghiệm cần đóng trong mỗi túi, với phòng thi cho TS thi theo chương trình GDPT 2006, in đủ 24 mã đề thi. Với phòng thi cho TS thi theo chương trình GDPT 2018, chỉ in đủ số lượng TS trong phòng thi.
Về công tác coi thi, ông Chương nêu: TS thi theo chương trình GDPT 2006 chỉ dự thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn, tổ hợp phải có mặt trước thời gian thi môn thi 10 phút; TS thi theo chương trình GDPT 2018 phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng chờ vào.
Thời gian giữa 2 môn thi trong bài thi tự chọn, tổ hợp cũng có những điểm riêng. Với TS dự thi theo chương trình GDPT 2006 là 10 phút; TS dự thi theo chương trình GDPT 2018 là 15 phút.
Về thu bài thi tự chọn, bài thi tổ hợp: Tại phòng thi dành cho TS thi theo chương trình GDPT 2006, mỗi môn 1 túi bài thi. Tại phòng thi dành cho TS thi theo chương trình GDPT 2018, mỗi ca thi 1 túi bài thi. Buổi thi bài thi tự chọn có 2 túi bài thi.
Với môn địa lý, ông Chương lưu ý, TS thi theo chương trình GDPT 2006 được mang Atlat vào phòng thi, còn TS thi theo chương trình GDPT 2018 thì không.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sap-nhap-tinh-doi-thanh-tra-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-nay-ra-sao-185250527215054432.htm
Bình luận (0)