► Dưới góc độ nhà khoa học, xin Tiến sĩ cho biết đâu là cơ hội để TP Cần Thơ (mới) phát triển nhanh, mạnh mẽ sau khi hợp nhất?
- Việc TP Cần Thơ hợp nhất với các địa phương trên không chỉ là một sự kiện, mà còn là dấu mốc quan trọng mở ra những cơ hội phát triển đột phá trong tương lai. Dưới góc độ nhà khoa học, quản trị trường đại học, tôi có thể nhìn nhận các cơ hội lớn, như: TP Cần Thơ vốn đã là trung tâm của vùng ÐBSCL, nay việc mở rộng địa giới hành chính càng củng cố vai trò này, giúp thành phố kết nối mạnh mẽ hơn với các địa phương lân cận, từ đó thúc đẩy giao thương, logistics, du lịch và chia sẻ hạ tầng công cộng. Việc gia tăng diện tích và dân số giúp Cần Thơ mở rộng thêm không gian phát triển kinh tế - đô thị. Ðây là điều kiện thuận lợi để thành phố định hình lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo hướng đa trung tâm, bền vững hơn.
Ðồng thời việc hợp nhất giúp Cần Thơ tăng tính đa dạng văn hóa, nguồn lao động dồi dào khi tiếp nhận thêm lực lượng lao động trẻ, năng động từ Sóc Trăng, Hậu Giang. Ðây là nền tảng quan trọng để xây dựng một thành phố mới năng động, sáng tạo, cởi mở và thích ứng nhanh với xu thế phát triển mới. Hợp nhất mở rộng địa giới hành chính là cơ hội “vàng” để TP Cần Thơ thiết lập vị thế mới - không chỉ là trung tâm của vùng ÐBSCL, mà còn là cực tăng trưởng quan trọng trong tam giác phát triển kinh tế phía Nam.
► Theo Tiến sĩ, những tiềm năng, lợi thế nào TP Cần Thơ (mới) cần phát huy và tập trung phát triển?
- Với việc mở rộng địa giới hành chính, TP Cần Thơ không chỉ gia tăng về quy mô mà còn kế thừa nhiều tiềm năng và lợi thế chiến lược mà thành phố cần tập trung phát huy trong thời gian tới. Cụ thể, TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ÐBSCL, là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường thủy và hàng không. Sự kết nối thuận lợi với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh ven biển và khu vực tiểu vùng Mekong là lợi thế lớn để phát triển logistics, thương mại - dịch vụ và xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc mở rộng địa giới mang lại nguồn tài nguyên đất nông nghiệp dồi dào, phù hợp để Cần Thơ phát triển thành trung tâm chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, hướng đến xuất khẩu.
Cần Thơ còn là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của vùng với các cơ sở giáo dục đại học lớn như Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, Trường Ðại học Tây Ðô, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ... Việc hợp nhất các địa phương lân cận giúp tăng thêm nguồn lao động trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành lực lượng lao động có tay nghề, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, với sự đa dạng sinh thái của sông nước miền Tây, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề và bản sắc cộng đồng, TP Cần Thơ sau hợp nhất có cơ hội trở thành trung tâm du lịch đặc trưng gồm du lịch sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, ẩm thực, văn hóa địa phương đặc biệt là văn hóa Khmer, Hoa, Việt. Sự mở rộng, hợp nhất 3 địa phương cũng giúp Cần Thơ có khả năng quy hoạch lại các khu sản xuất, vùng nguyên liệu, từ đó thu hút dòng vốn FDI cũng như đầu tư nội địa vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ chất lượng cao. Vị thế này cần được phát huy để dẫn dắt toàn vùng phát triển đồng bộ và bền vững…
Cảng Tân cảng Thốt Nốt (TP Cần Thơ) nhiều cơ hội phát triển hoạt động, bốc dỡ hàng hóa sau khi TP Cần Thơ hợp nhất.
►Các yếu tố cần thiết để vực dậy, khai thác tốt nhất những lợi thế này, thưa Tiến sĩ?
- Ðể TP Cần Thơ phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sau khi mở rộng địa giới hành chính, hiện thực hóa các cơ hội, thành phố cần có chiến lược quy hoạch tổng thể, chính sách điều phối hiệu quả, và đặc biệt là huy động được sự tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là nâng tầm quy hoạch phát triển đô thị - vùng liên kết, bởi Cần Thơ được xác định là trung tâm động lực vùng ÐBSCL. Vì vậy, thành phố cần xây dựng quy hoạch tích hợp mới theo Luật Quy hoạch, trong đó mở rộng không gian đô thị gắn với định hướng “phát triển đa trung tâm”, kết nối vùng, liên kết hạ tầng và phân bố dân cư hợp lý. Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược - đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics, trong đó phải tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông liên vùng, như cao tốc, đường thủy, cảng biển và sân bay Cần Thơ. Ðồng thời, hình thành các trung tâm logistics lớn để kết nối vùng nguyên liệu - khu chế biến - thị trường xuất khẩu, đúng với vai trò trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng.
Bên cạnh đó, Cần Thơ sau hợp nhất cần phát huy vai trò trở thành Trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của ÐBSCL. Muốn vậy, thành phố phải đầu tư mạnh vào các khu công nghệ cao, khu nghiên cứu ứng dụng và thúc đẩy liên kết 3 nhà, gồm: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Ðặc biệt, cần chú trọng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh và nâng cao năng lực số cho người dân. Song song đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực quản lý và kỹ thuật, vì tiềm năng không thể khai thác nếu thiếu nguồn nhân lực phù hợp. Cần Thơ cần tập trung vào đào tạo nghề, giáo dục đại học gắn với nhu cầu thực tiễn; mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo lớn trong và ngoài nước, tạo ra hệ sinh thái học tập - làm việc hiện đại.
Một vấn đề nữa cần quan tâm là cải thiện thể chế, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện. Nhất là Cần Thơ cần phát huy vai trò “dẫn dắt vùng”, đổi mới tư duy quản trị, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là hướng đi tất yếu. Chính quyền địa phương đóng vai trò hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các trường đại học và viện nghiên cứu. Tăng cường liên kết vùng và hợp tác quốc tế cũng là vấn đề quan trọng, cần chủ động giữ vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng ÐBSCL, đồng thời mở rộng hợp tác với các thành phố lớn trong nước, quốc tế, tận dụng các hiệp định thương mại (FTA) và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu...
► Là trường đại học cung cấp nguồn nhân lực cho TP Cần Thơ, vùng ÐBSCL và cả nước, Tiến sĩ cho biết kế hoạch đào tạo của nhà trường như thế nào để đáp ứng nguồn nhân lực cho các địa phương trong tình hình mới, thưa Tiến sĩ?
- Trường Ðại học Nam Cần Thơ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho khu vực và cả nước. Qua đó, ngày 14-5-2025 Nhà trường đã tiến hành ký kết bản Ghi nhớ số 05/BGN-UBND-ÐHNCT về việc hợp tác phát triển giữa UBND TP Cần Thơ và Trường Ðại học Nam Cần Thơ nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Nhà trường đã và đang tiến hành cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tinh gọn, thực tiễn, tăng cường kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, đặc biệt là ở các ngành trọng điểm, như khối ngành sức khỏe, logistics, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, du lịch, xây dựng, môi trường… đưa học phần chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo, nhằm giúp sinh viên học linh hoạt, tiếp cận công nghệ sớm và có khả năng làm việc trong môi trường số hóa. Trường Ðại học Nam Cần Thơ tự hào là một trong những trường đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên, đầu tư hạ tầng học tập hiện đại, đa dạng hình thức đào tạo, giúp sinh viên tăng khả năng thích ứng và sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Với định hướng phát triển trở thành trung tâm đào tạo ứng dụng, hội nhập và chất lượng cao của vùng ÐBSCL, nhà trường chú trọng kết hợp đào tạo theo chuẩn quốc tế, nhằm mở rộng cơ hội học tập, nghiên cứu và việc làm cho sinh viên trong môi trường toàn cầu hóa. Qua đó đã triển khai chương trình đào tạo Y khoa quốc tế, liên kết với Trường Ðại học Khoa học và công nghệ Malaysia đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh. Năm học 2025-2026 Trường Ðại học Nam Cần Thơ bắt đầu tuyển sinh 10 ngành đào tạo bằng 100% tiếng Anh. Với 45 ngành đào tạo đa dạng, nhà trường đáp ứng nhu cầu học tập hiện đại, đặc biệt ở các lĩnh vực tiềm năng, chương trình đạt chuẩn quốc tế và Bộ Giáo dục và Ðào tạo, giúp sinh viên phát triển toàn diện trí tuệ và kỹ năng, góp phần tạo ra tri thức mới, công nghệ mới phục vụ phát triển bền vững TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL.
► Xin cảm ơn Tiến sĩ!
HÀ VĂN (thực hiện)
Nguồn: https://baocantho.com.vn/sau-hop-nhat-tp-can-tho-can-phat-huy-loi-the-tiem-nang-de-dan-dat-toan-vung-phat-trien-dong-bo-va--a188038.html
Bình luận (0)