►Thượng tọa Lý Hùng, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ, Trụ trì Chùa Pitu Khôsa Răngsây: Phát huy vai trò, gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer
Việc hợp nhất Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang thành TP Cần Thơ mở rộng là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước, phù hợp nguyện vọng của Nhân dân và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trong vùng. Ðây là bước đi chiến lược để hình thành một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội hiện đại, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của Tây Nam Bộ.
Sau hợp nhất, thành phố mới có 120 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 38 Sala Tene và trên 2.000 vị sư sãi; đồng bào dân tộc Khmer hơn 400.000 người, chiếm khoảng 15,5% dân số, tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ðồng bào Khmer không chỉ gìn giữ bản sắc riêng mà còn tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp. Vai trò của các vị sư sãi, Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước và Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục là trụ cột gắn kết cộng đồng, củng cố niềm tin vào Ðảng và Nhà nước.
Ðua nghe Ngo, một nét văn hóa độc đáo của người Khmer. Ảnh: Lý Then
Khẳng định văn hóa Khmer chính là khẳng định một phần cội nguồn, đóng góp vào sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng TP Cần Thơ mở rộng trở thành trung tâm phát triển bền vững, đậm đà bản sắc, giàu bản lĩnh hội nhập. Vì vậy, TP Cần Thơ mới cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng văn hóa, giáo dục ở các phum, sóc; bồi dưỡng thế hệ kế thừa, tôn vinh nghệ nhân, phát triển du lịch cộng đồng gắn với di sản Khmer; phát huy hơn nữa vai trò của chùa và các vị sư sãi trong gìn giữ bản sắc, củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.
►Thầy Danh Mến, Phó trưởng Khoa xã hội-Khmer-Pali, trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ Sóc Trăng: Kỳ vọng TP Cần Thơ mới sẽ hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh trên nhiềU lĩnh vực
Không chỉ người dân, mà cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên và tăng sinh của Trường rất đồng tình ủng hộ và bày tỏ sự tin tưởng vào tầm nhìn và quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc hợp nhất Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ lấy tên TP Cần Thơ.
Chúng tôi kỳ vọng TP Cần Thơ mới sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tinh gọn bộ máy quản lý và nâng cao hiệu quả phục vụ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân. Khi thực hiện chính quyền 2 cấp thì những cán bộ còn lại đều có đầy đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, theo kịp thời đại công nghệ số. Tôi luôn kỳ vọng, TP Cần Thơ mới sẽ hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh trên các lĩnh vực và có nhiều chính sách mới đầu tư phát triển vùng bào dân tộc Khmer. Ðặc biệt, đầu tư nhiều hơn cho Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ Sóc Trăng - nơi tăng sinh đều là sư sãi tu học ở các chùa Khmer Nam Bộ theo học, như: tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi cho giáo viên, tăng sinh của trường; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cho giáo viên giảng dạy tiếng Khmer, Pali; xây dựng và phát hành sách tiếng Khmer, Pali dành dạy riêng cho cấp THCS, THPT…
` Ông Sơn Tài, nguyên Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang (cũ): Sau hợp nhất, TP Cần Thơ sẽ lớn mạnh, xứng đáng là trung tâm vùng
Tôi luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước, thường xuyên theo dõi chủ trương của Ðảng để tuyên truyền trong đồng bào DTTS. Qua theo dõi, tôi thấy phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đối với 3 tỉnh, thành: TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang thành 1 thành phố trực thuộc trung ương mới có tên gọi là TP Cần Thơ, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Cần Thơ hiện nay rất phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Trở thành đơn vị trực thuộc Trung ương, vùng sâu, vùng xa sẽ có nhiều điều kiện để phát triển hơn. Ðặc biệt là vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống ở 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng (cũ). Mặt khác, về ý nghĩa lịch sử, TP Cần Thơ cũng là tỉnh Hậu Giang (cũ) trước khi chia tách. Là dân tộc Khmer, tôi kỳ vọng sau hợp nhất, TP Cần Thơ mới sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa, nhất là ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Khi vùng sâu, vùng khó khăn phát triển, TP Cần Thơ mới sẽ khởi sắc, lớn mạnh hơn, xứng đáng là trung tâm vùng châu thổ Cửu Long.
` Ông Lý Ðô, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (cũ): Rất vui mừng với chủ trương hợp nhất
Khi 3 địa phương Sóc Trăng, Hậu Giang, TP Cần Thơ hợp nhất thành TP Cần Thơ mới, tôi và bà con ai cũng vui mừng, đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này. Bởi vì, việc hợp nhất sẽ thuận tiện cho người dân, bỏ cấp huyện thì cấp xã càng gần gũi với dân, sát với dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nếu người dân có việc gì liên quan đến chính quyền, chỉ cần đi ra xã. Tôi nghĩ, việc giải quyết thủ tục hành chính dễ dàng, thuận lợi, không mất nhiều thời gian như trước. Với chính quyền địa phương 2 cấp, những cán bộ ở lại đều có chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức tốt và hết lòng phục vụ nhân dân.
Vì vậy, khi TP Cần Thơ mới đi vào hoạt động, tôi hy vọng lãnh đạo tiếp tục quan tâm triển khai nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, như: ưu tiên đầu tư đường giao thông nông thôn, hệ thống cống thoát nước ở khu dân cư, đèn đường chiếu sáng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho người già neo đơn, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư trạm y tế, cung cấp trang thiết bị y tế và bổ sung số lượng bác sĩ, cán bộ y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
` Ông Mã Lương Thiện, người có uy tín trong đồng bào người Hoa ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (cũ): Quan tâm thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào DTTS
TP Cần Thơ mới trực thuộc Trung ương, chắc chắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ quan tâm trong đầu tư phát triển kinh tế, xã hội đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, cần ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đảm bảo cho các địa phương cùng phát triển, cùng hưởng lợi.
Tôi kỳ vọng, TP Cần Thơ không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính mà còn thay đổi về quản lý, điều hành; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cơ sở phải đủ tâm, đủ tầm, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người dân, nhất là đồng bào DTTS tốt hơn trước khi sáp nhập. Song song đó, lãnh đạo TP Cần Thơ cần quan tâm tiếp tục đầu tư các công trình, dự án về giao thông; đầu tư lĩnh vực y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân; quan tâm thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào DTTS. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển tương xứng là thành phố trực thuộc Trung ương để cùng với cả nước hiện thực hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer
Nguồn: https://baocantho.com.vn/tp-can-tho-moi-ong-luc-va-giau-ban-sac--a188041.html
Bình luận (0)