Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn và phát huy văn hóa Cần Thơ “thống nhất trong đa dạng”

TP Cần Thơ mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, tạo nên một không gian văn hóa rộng lớn, đa dạng và nhiều tiềm năng. Nhận diện và phát huy văn hóa Cần Thơ sau hợp nhất để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, định hình bản sắc địa phương, hướng đến xây dựng TP Cần Thơ trở thành trung tâm văn hóa vùng ÐBSCL, là vấn đề được nhiều người quan tâm. Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với nhà báo Vũ Thống Nhất, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ01/07/2025

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về văn hóa Cần Thơ sau hợp nhất 3 địa phương?

- Việc hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, về tình cảm tôi cho là chúng ta “về mái nhà xưa”, “châu về hiệp phố” như tỉnh Hậu Giang thời điểm sau ngày đất nước thống nhất. Tuy nhiên, địa bàn cũ nhưng nội hàm rất mới. Ðó không chỉ là “phiên bản mở rộng” của Hậu Giang xưa, mà là “mô hình phát triển tích hợp” - nơi kinh tế, văn hóa và quản trị được tái cấu trúc để thích ứng với bối cảnh ÐBSCL thế kỷ XXI.

Sau khi sắp xếp, TP Cần Thơ có diện tích tự nhiên là 6.360,83km2, quy mô dân số gần 4,2 triệu người, nghĩa là tăng đến khoảng 2,5 lần so với thời điểm năm 1976. Quy mô nền kinh tế, tính đô thị hóa, sự vận động của đời sống xã hội cũng tăng hơn rất nhiều. Hậu Giang xưa có nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo nay đa dạng lĩnh vực, ngành nghề: công nghiệp, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, điện gió, du lịch đô thị, du lịch sinh thái… TP Cần Thơ mới có nền tảng là rất nhiều đô thị mới đã được hình thành, từ Sóc Trăng, Vĩnh Châu, Vị Thanh, Long Mỹ, Ngã Bảy, đến Thốt Nốt, Ô Môn… Bên cạnh đó là những vùng sinh thái đậm tính bản địa được bảo tồn rất cơ bản, dù quá trình đô thị hóa nhanh.

Sở dĩ tôi nói những điều này là, bối cảnh thành phố mới đặt ra như vậy, tất cả đều tác động đến văn hóa. Ðời sống dân trí, hạ tầng văn hóa, sản phẩm văn hóa và cao hơn nữa là hội nhập văn hóa, công nghiệp văn hóa làm sao đáp ứng được với sự phát triển và quy mô của thành phố mới. Ðó là vấn đề đặt ra.

Chùa Dơi ở phường Phú Lợi, TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Vậy theo ông, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào, trong bối cảnh hiện nay?

- Ðây là vấn đề không dễ. Không gian văn hóa định hình không phải một sớm một chiều mà từ đời này qua đời khác, là sự vun đắp, dựng xây của biết bao thế hệ cư dân bản địa. Theo tôi, đầu tiên phải xác định quan điểm là, phát triển văn hóa Cần Thơ đảm bảo tính liên vùng, thông thoáng, không cắt rời, manh mún mà phải phủ trùm, liên kết chặt chẽ với nhau.

Ðặc trưng nổi bật của không gian văn hóa sau hợp nhất là tổng hòa các tiểu vùng (tạm gọi) văn hóa “sông nước - miệt vườn - biển”. Vùng Cần Thơ trước hợp nhất định hình rõ văn hóa đô thị sông nước. Vùng Hậu Giang nổi bật với văn hóa nông nghiệp, văn minh kinh xáng. Nhắc đến Sóc Trăng, lại nghĩ đến văn hóa biển, văn hóa giao thoa các dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa) rất đặc sắc. Văn hóa Cần Thơ có tính phân vùng rất rõ, nên cần khai thác đặc trưng đó một cách khéo léo, giữ bản sắc riêng. Nhà quản lý có vai trò điều phối nhịp nhàng để khai thác văn hóa, tạo nên một chỉnh thể có tính tương tác cao. Ðó là vấn đề mấu chốt của việc bảo tồn và phát huy văn hóa Cần Thơ “thống nhất trong đa dạng”.

Ngẫm lại, văn hóa Cần Thơ sau hợp nhất phải gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Ðồng bào Khmer Sóc Trăng mang trong mình đầy ắp di sản quý báu của dân tộc, trong đó nhiều di sản đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nông nghiệp Hậu Giang nổi tiếng, mà hễ nhắc đến con cá thác lác cườm, trái khóm Cầu Ðúc là nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất này. Cần Thơ lại nức tiếng với đô thị sông nước, miệt vườn. TP Cần Thơ mới đã gắn kết 3 địa phương nên 1 thì văn hóa Cần Thơ mới cũng phải gắn kết. Chính liên kết tạo ra sức sống mới cho văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và sinh kế của người dân.

Nông dân trồng khóm Cầu Ðúc ở xã Hỏa Lựu, TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Khái niệm liên kết địa phương thật ra không phải mới nhưng quá trình triển khai xem ra không dễ. Ông có những đề xuất nào để việc phát huy văn hóa TP Cần Thơ mới được tốt hơn?

- Ðúng, quả là không mới và cũng không dễ. Liên kết vùng trong phát triển du lịch ÐBSCL thời gian qua là minh chứng. Nhưng, chúng ta nhìn nhận văn hóa TP Cần Thơ mới theo hướng mở rằng, nếu “1 cây làm chẳng nên non” thì “3 cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Ðịnh vị tiềm năng, khai thác văn hóa trên tinh thần bảo tồn, phát triển, nhưng phải am hiểu, tôn trọng văn hóa, tôn trọng sự khác biệt. Cần tránh cách làm văn hóa kiểu “hớt bọt”, bề nổi, thiếu chiều sâu văn hóa. Theo tôi, xuất khẩu văn hóa, công nghiệp văn hóa, chính là chìa khóa cho vấn đề này.

Sáng tạo, đột phá, liên kết sản phẩm mới như tour “Tam giác văn hóa” (đô thị - sông nước - biển); các tuyến du lịch xuyên vùng như tour “Con đường lúa gạo”, hành trình văn hóa lịch sử - tâm linh; kết hợp hệ thống cồn, cù lao (Tân Lộc, Mỹ Phước) và rừng ngập mặn ven biển tạo nên “bảo tàng sống” về văn hóa sinh thái… Tôi từng xem các chương trình thực cảnh phục vụ du lịch ở nhiều nước, họ khai thác vốn văn hóa bản địa rất triệt để và hiệu quả. Cần Thơ hoàn toàn có thể xây dựng những chương trình thực cảnh, nghệ thuật tầm vóc, quy mô như thế.

Vấn đề nữa là công nghiệp văn hóa phải đi liền với công nghệ số. Việc số hóa di sản, di tích, các loại hình nghệ thuật, điểm đến du lịch nổi tiếng… thời gian qua vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, thì bây giờ, phải bắt tay làm với nỗ lực mới, khí thế mới và dĩ nhiên cũng phải công nghệ mới.

Một vấn đề nữa là nhân lực văn hóa. Ðội ngũ này phải có tâm huyết, tầm nhìn và tư duy làm văn hóa mới mẻ, hiện đại và sâu sắc hơn. Tôi có thể khẳng định, văn hóa “đẻ ra tiền” nếu chúng ta quan tâm, làm văn hóa một cách chuyên nghiệp thì công nghiệp văn hóa ở TP Cần Thơ rất phát triển, phục vụ đắc lực các ngành kinh tế khác. Thành công phụ thuộc vào việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, đảm bảo không gian văn hóa mới vừa thống nhất vừa tôn vinh những nét riêng độc đáo.

Ðô thị sông nước Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Một vấn đề mà nhiều người quan tâm nữa là sau hợp nhất, TP Cần Thơ sẽ thực sự là “thủ phủ chợ nổi miền Tây”. Ông suy nghĩ gì về câu chuyện này?

- Ðiều này là quá đúng. TP Cần Thơ ngoài có chợ nổi Cái Răng thì sẽ có chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Ngã Bảy, toàn là những chợ nổi nổi tiếng, lâu đời.

Dĩ nhiên, hiện nay, ngoài chợ nổi Cái Răng thì chợ nổi Ngã Năm và chợ nổi Ngã Bảy đã dần mai một. Nhưng chúng ta có thể nói với nhau rằng, thương hiệu văn hóa của những chợ nổi ấy vẫn còn, còn rất đậm sâu trong ký ức của nhiều người và vẫn sẽ còn giá trị nếu chúng ta biết cách khai thác. Chợ nổi Ngã Năm với sự cộng hưởng của cư dân hai bên sông, với cách buôn bán, treo bẹo khác biệt. Chợ nổi Ngã Bảy với “Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai”.

Việc khai thác các thương hiệu văn hóa chợ nổi này cũng phải đảm bảo tính liên kết, khai thác nét riêng biệt, với sợi chỉ đỏ là văn hóa sông nước, văn hóa thương hồ. Hạt nhân là chợ nổi Cái Răng, lấy các chợ nổi khác làm vệ tinh, để làm nên hành trình văn hóa sông nước. Ngoài bảo tồn tính nguyên bản văn hóa thì kết hợp các dịch vụ thiết yếu du lịch, như cách Thái Lan làm rất thành công. Nếu làm tốt, tôi tin rằng, TP Cần Thơ sẽ có sản phẩm du lịch mà không có địa phương nào, thậm chí đất nước nào có được.

Xin cảm ơn ông!

ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Nguồn: https://baocantho.com.vn/bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-can-tho-thong-nhat-trong-da-dang--a188040.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm