.jpg)
Các đại biểu đã được phổ biến về chuyên môn, nghiệp vụ Hiệp định rào cản kỹ thuật về thương mại (gọi tắt là TBT); Tình hình thực thi Hiệp định TBT, các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam tại TWO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Chia sẻ những quy định ghi nhãn nông sản tại một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản…; Hướng dẫn khai thác hệ thống ePing xử lý thông báo và cảnh báo xuất khẩu của WTO.
Theo đó, trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã thực hiện được 456 thông báo về các biện pháp rào cản kỹ thuật về thương mại; 12 cảnh báo xuất khẩu cho các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp; tham dự các cuộc họp của Ủy ban TBT quốc tế về các chuyên đề: Tiêu chuẩn giảm phát thải cacbon, về thủ tục đánh giá sự phù hợp, khả năng truy xuất nguồn gốc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững với hàng nông nghiệp số lượng lớn; hợp tác trong quy định về thiết bị y tế; các tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thích ứng giữa các thị trường; phổ biến tính năng ePing của WTO…

Cụ thể, Hệ thống cảnh báo ePing về TBT/SPS là kết quả hợp tác giữa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên Hợp Quốc (UN) và Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), đã được sử dụng phổ biến rộng rãi tại mọi quốc gia thành viên WTO, trong đó có Việt Nam. Nền tảng cung cấp thông tin về quá trình xây dựng các biện pháp Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và Vệ sinh, kiểm dịch động thực vật (SPS) của các thành viên WTO. Hệ thống ePing đã trở thành công cụ đối thoại xuyên quốc gia giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề thương mại tiềm năng ngay từ giai đoạn sớm, hiện nay đã có hơn 27.000 người dùng ở 135/166 quốc gia thành viên. Mục tiêu của ePing là tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy thương mại toàn cầu với các tính năng: thông báo và quan ngại thương mại, góp ý dự thảo biện pháp, cung cấp bản dịch các ngôn ngữ, xử lý thông báo, cảnh báo xuất khẩu…
.jpg)
Hội nghị còn cung cấp những quy định ghi nhãn nông sản của một số thị trường xuất khẩu trọng điểm như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc sẽ có những quy định về: Tên của thực phẩm, nông sản phải hợp pháp, danh mục thành phần, khối lượng thực, tên và địa chỉ của nhà cung cấp thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, tuyên bố về dinh dưỡng, số lô, nước xuất xứ, tên và địa chỉ của công ty đóng gói phân phối… phải rõ ràng.
.jpg)
Cùng với những thông tin, kiến thức, phần mềm ứng dụng số được cập nhật tại hội nghị, các đại biểu còn được Công ty Cổ phần Viên Sơn (Lâm Đồng) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản cùng những nỗ lực vượt qua những hàng rào kỹ thuật về thương mại rất khắt khe với những yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm. Trong đó có những quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, kiểm tra ngẫu nhiên tại cảng nhập…
.jpg)
Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật về thương mại vừa là thách thức, vừa là động lực, vừa là cơ hội để Công ty Viên Sơn không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, đạt được những chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Kết quả 89% hàng hóa nông sản của Công ty được xuất sang Nhật, 4% Thái Lan, 3% Hàn Quốc, 2% Đài Loan và 2% EU.
.jpg)
Hội nghị nhằm tạo động lực mới đẩy mạnh hoạt động mạng lưới TBT Việt Nam đến các địa phương trong nước, đưa hoạt động TBT ở các địa phương vào thực chất, gắn với những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải. Tăng cường phổ biến Hiệp định rào cản kỹ thuật về thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa nông sản, mở rộng thị trường, phục vụ xuất khẩu.
Nguồn: https://baolamdong.vn/tang-cuong-hoat-dong-pho-bien-hiep-dinh-rao-can-ky-thuat-ve-thuong-mai-381080.html
Bình luận (0)