Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Tây Ninh hiện vẫn gặp không ít khó khăn
Tỉnh Tây Ninh hiện có nhiều dự án đầu tư thuộc danh mục 6 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gồm dệt - may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử, sản xuất - lắp ráp ôtô và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh tại cuộc làm việc mới đây, Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết, sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh phần lớn còn mang tính đơn giản, chưa đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, mẫu mã và chưa có được tính cạnh tranh cao.
Nguyên nhân do các cơ sở sản xuất có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, chưa được đầu tư phát triển theo hệ thống, chuỗi liên kết ngành, tỷ trọng đóng góp trong ngành công nghiệp còn thấp.
Thông tin từ Sở Công Thương, Chương trình phát triển CNHT, ngân sách tỉnh dành cho phát triển CNHT từ năm 2021 đến năm 2025 khoảng 41,15 tỉ đồng, tuy nhiên, tỷ lệ phân bổ thực hiện hàng năm cho Sở Công Thương để thực hiện chương trình còn rất hạn chế.
Tỉnh chỉ thực hiện được 2 đề án thuộc Chương trình phát triển CNHT với tổng kinh phí 114,6 triệu đồng. Đến nay, tỉnh mới có 2 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.
Một trong những vướng mắc lớn hiện nay là tỉnh chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp và sản phẩm CNHT đang hoạt động trên địa bàn. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, đến nay tỉnh chưa cấp được Giấy xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm thuộc thẩm quyền địa phương. Nguyên nhân một phần do yêu cầu, điều kiện và thành phần hồ sơ quy định để được xác nhận hưởng ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, doanh nghiệp cần có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương, điều mà nhiều cơ sở nhỏ khó đáp ứng.
Ngoài ra, kinh phí bố trí hằng năm không đảm bảo cho phát triển CNHT; bố trí không theo chương trình được duyệt, ảnh hưởng đến việc tham mưu thực hiện theo kế hoạch.
Để tháo gỡ các khó khăn, Sở Công Thương kiến nghị, UBND tỉnh cho chủ trương giao cho sở chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở phát triển của ngành CNHT, đóng góp vào sự phát triển chung ngành Công nghiệp của tỉnh.
Đồng thời, Sở Công Thương cũng đề xuất quan tâm cân đối ngân sách để dành cho phát triển CNHT để thực hiện chương trình, kế hoạch được đảm bảo, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với vị trí chiến lược, lợi thế kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tây Ninh được kỳ vọng sẽ vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp CNHT trong tương lai.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có những chính sách quyết liệt và đồng bộ hơn trong việc tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển ngành CNHT trên địa bàn tỉnh./.
Lê Đức
Nguồn: https://baolongan.vn/tay-ninh-van-con-nhung-kho-khan-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-a199024.html
Bình luận (0)