Học sinh Trường THPT Ngô Quyền, đặc khu Phú Quý trong một lần tham gia văn nghệ ở trường - Ảnh: LÊ QUANG TRỌNG
Trường THPT Ngô Quyền ở đặc khu Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng (trước là đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cũ).
Dùng điện thoại tại trường sẽ trừ KPI
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thầy Lê Quang Trọng - phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - cho biết tập thể giáo viên và đội ngũ ban giám hiệu đã ấp ủ việc học sinh nói không với điện thoại tại trường cách đây khoảng 5 năm.
Lúc ấy, ban giám hiệu thấy các em dành thời gian cho việc dùng điện thoại quá nhiều, phân tâm trong giờ học. Giờ giải lao các em không còn vận động, vui chơi như trước mà vẫn dán mắt vào điện thoại. Cứ như vậy, kết quả học tập của học sinh sẽ sa sút, có thể bị lún sâu vào các tiêu cực trên nền tảng mạng xã hội.
Kể từ năm học 2021 - 2022, nhà trường chưa cấm mà chỉ khuyến khích, hạn chế các em mang điện thoại đến trường. Hình thức này cũng đưa vào quy chế thi đua, nếu phát hiện em nào dùng điện thoại mà chưa được giáo viên cho phép thì trừ điểm. Tuy nhiên vẫn còn vài em lén lút dùng, kể cả trong giờ học.
Đến đầu năm học 2024, nhà trường quyết liệt hơn, áp dụng trừ điểm trong KPI rất cao nên các em học sinh dè chừng, không mang điện thoại đến trường nữa.
Để thay đổi được một thói quen, nhất là các em học sinh đang độ tuổi trưởng thành, việc làm như vậy gặp nhiều khó khăn và các ý kiến trái chiều.
"Trước khi ra quyết định trên, chúng tôi làm bước khảo sát thăm dò dư luận. Rất may là hầu hết phụ huynh tại đảo đồng tình việc này, ủng hộ cao. Mặc dù một vài em sốc khi hay tin này nhưng không cách nào khác, buộc phải tuân theo nội quy", thầy Nguyễn Hải Thọ - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ.
Thầy trò đồng lòng sẽ giải quyết mọi trở ngại
Theo thầy Thọ, thêm một may mắn nữa là các em học sinh trên đảo biết tự lập từ sớm. Từ khi học cấp 1, cấp 2 là các em tự đến trường, không cần phụ huynh đưa đón.
Hơn nữa, tại đảo yên bình, ai cũng biết nhau nên không lo ngại việc học sinh đi lạc hay xảy ra chuyện bất trắc khác. Phụ huynh dễ quản lý con mình, không nhất thiết phải trang bị điện thoại.
"Nhưng mấu chốt vẫn ở chỗ con người thực hiện. Nếu cả giáo viên, phụ huynh, học sinh đồng lòng thì khó khăn nào cũng giải quyết được", thầy Thọ phân tích.
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền, đặc khu Phú Quý, Lâm Đồng - Ảnh: LÊ QUANG TRỌNG
Một số tiết học cần có tương tác từ điện thoại, phải làm sao? Theo các thầy, để khắc phục một số tình huống đặc biệt, nhà trường đưa ra thêm nhiều giải pháp dự phòng.
Đó là một số tiết học có nội dung hướng dẫn sử dụng/tương tác qua điện thoại (mỗi năm học không quá 5 tiết) thì giáo viên bộ môn là người chịu trách nhiệm với ban giám hiệu.
Nếu có dùng điện thoại thì ghi rõ khung giờ và làm việc gì. Ngoài tiết học đó, nếu phát hiện học sinh sử dụng thì coi như vi phạm quy chế.
Ngoài ra mỗi lớp sẽ có hai học sinh trong ban truyền thông. Một trong hai bạn này được mang điện thoại đến trường và chỉ sử dụng khi giáo viên cho phép.
Lý giải tình huống này, thầy Lê Quang Trọng cho biết sẽ không làm gián đoạn khâu truyền thông của lớp và trường. Các em cũng có thể nghe được thông tin nhắn nhủ khẩn của giáo viên trong một số tình huống.
"Mọi việc làm như vậy đều được nhà trường phân tích kỹ với phụ huynh từ đầu năm học, thậm chí lâu lâu phải khảo sát ý kiến các em. Nếu các bạn có đề nghị, nhà trường sẽ bố trí mỗi phòng một tủ bảo vệ điện thoại. Tủ này đóng lại đầu giờ học và chỉ được mở khi kết thúc các hoạt động giáo dục trên trường", thầy Trọng chia sẻ.
Các thầy phấn khởi nói thêm thành công ở chỗ là sau khi khảo sát chính các bạn học sinh lớp 12, phần lớn đều đánh giá cao mức độ hiệu quả của giải pháp trên.
"Kết quả là đến cả các bạn học sinh cũng không ngờ sau thời gian cai điện thoại lại hay đến vậy. Chúng tôi làm bước khảo sát toàn khối 12, tất cả đều giơ tay đồng lòng nên tiếp tục quy chế này để chú tâm hơn vào việc học", thầy Thọ phấn khởi nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thay-tro-cung-noi-khong-voi-dien-thoai-trong-ngoi-truong-o-dao-phu-quy-20250711142039406.htm
Bình luận (0)