Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Thời điểm vàng” lựa chọn được cán bộ, công chức có năng lực

Tiếp tục kỳ họp thứ chín, chiều 14-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Hà Nội MớiHà Nội Mới14/05/2025

14-5.jpg
Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 14-5. Ảnh quochoi.vn

Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật, các đại biểu cho rằng, đây là “thời điểm vàng” để lựa chọn được cán bộ, công chức có năng lực và loại ra khỏi hệ thống chính trị người yếu kém.

Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá công chức

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh giá cán bộ, công chức, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, để đánh giá công chức được công khai, minh bạch, khách quan, chính xác, đề nghị nội dung đánh giá cần được cụ thể hóa bằng tiêu chuẩn nhằm bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, có tính định lượng cao; tránh tình trạng tiêu chuẩn, quy định đánh giá chung chung, mang định tính và việc đánh giá công việc không gắn với các hình thức kỷ luật.

van-tien.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre), trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính, làm việc từ xa sẽ giúp giảm thời gian đi lại, chi phí hành chính, góp phần giữ chân được người có năng lực. Đây là yêu cầu mới, phù hợp với quản trị hiện đại. Vì vậy, đại biểu Yến Nhi kiến nghị cần có quy định về vấn đề cán bộ, công chức làm việc từ xa; có quy chế đánh giá khách quan, khoa học và dựa trên hiệu quả đầu ra của công việc.

“Tôi kiến nghị cần xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ gắn với tiến độ, chất lượng công việc, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến... Cùng với đó, cần phân cấp rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc cho phép làm việc từ xa, bảo đảm hiệu quả, kỷ luật và kiểm soát được tiến độ, chất lượng công việc. Việc làm việc từ xa sẽ tăng tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức có hoàn cảnh đặc biệt mà vẫn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu Yến Nhi bày tỏ.

202505141444069869_7080cf49172ca272fb3d.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Phân tích chủ trương xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” là định hướng đúng, để có chỗ cho nhân tố mới tốt hơn, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần thể chế hóa phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, phẩm chất trong hệ thống chính trị.

“Ngoài ra, cần có chính sách động viên, khích lệ cán bộ gắn bó với bộ máy hệ thống chính trị nếu họ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu. Vấn đề này trong dự thảo Luật hiện chưa được coi trọng đúng mức, đề nghị cân nhắc bổ sung phù hợp”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề xuất.

Đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã bổ sung tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc của cán bộ thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm theo vị trí việc làm. Để điểm mới này đi vào cuộc sống nhằm lựa chọn được cán bộ, công chức có năng lực thực sự và cho ra khỏi hệ thống những người yếu kém thì cần thiết bổ sung quy định giao cho Chính phủ làm rõ các tiêu chí về đạo đức công vụ, kết quả công việc với định lượng rõ ràng...

Cần quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng

Vấn đề sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ, nhất là trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận. Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nêu rõ khái niệm, tiêu chí “người tài năng” để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước áp dụng thống nhất.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, tại Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện được thuận tiện, thống nhất, đề nghị dự thảo Luật nên quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng trong luật, tạo điều kiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện.

ngoc-xuan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị dự thảo Luật lần này cần có cơ chế đột phá, lâu dài, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công, do đó, khái niệm người có tài năng cần được bổ sung vào phần giải thích từ ngữ đối với từng ngành, từng lĩnh vực; có quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, không chỉ dựa trên bằng cấp mà dựa trên sản phẩm cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét có chính sách, chế độ lương và ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của tổ chức Đảng, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở Trung ương và địa phương tương đương, không thấp hơn khu vực tư để giữ chân nhân tài và là động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Quan tâm đến “giữ chân” người có tài năng làm trong khu vực công, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần ban hành chính sách thiết thực, có ưu tiên đột phá hơn, không chỉ lương, thưởng, bảo hiểm, chính sách về nhà ở, chế độ nghỉ ngơi..., mà cần quan tâm đến môi trường làm việc thuận lợi và các điều kiện bảo đảm để họ phát huy được tài năng.

Về vấn đề trọng dụng nhân tài trong khu vực công, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trước hết cần thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ chứ không chỉ dựa vào hình thức hay quy trình. Thứ hai là cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt là những vị trí cần sáng tạo, đổi mới. Thứ ba là trao quyền cho người đứng đầu phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài nhưng đồng thời phải đi kèm với giám sát, đánh giá khách quan.

“Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng, đãi ngộ thì chính sách ưu đãi người tài ghi trong luật cũng chỉ dừng ở khẩu hiệu hoặc việc đãi ngộ không đúng đối tượng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng khẳng định, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức nhằm sửa đổi toàn diện nền công vụ của nước ta để tiếp cận được nền công vụ tiên tiến trên thế giới.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/thoi-diem-vang-lua-chon-duoc-can-bo-cong-chuc-co-nang-luc-702239.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm