Theo số liệu tổng hợp, từ ngày 1/1/2025-29/4/2025, trên địa bàn Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng mức đầu tư 2.600,6 tỷ đồng, điều chỉnh cho 54 lượt dự án.
Trong đó, điều chỉnh vốn cho 16 lượt dự án, tổng mức đầu tư tăng 4.854,9 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 7.455,5 tỷ đồng, bằng 48,37% so với cùng kỳ năm trước...

Riêng tháng 4/2025, chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư 377,2 tỷ đồng. Dự án cấp mới lớn phải kể đến dự án Prussia tại KCN WHA của Hong Kong Thai Ray Investment Limited; Zengreat Industrial Limited tổng mức đầu tư 7 triệu USD (tương đương 177,45 tỷ đồng).
Khu Công nghiệp- Đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An 1 là một dự án trọng điểm của Tập đoàn VSIP tại Nghệ An. Sau 10 năm đi vào hoạt động, dự án này tạo ra một diện mạo khác biệt với tỷ lệ lấp đầy 97%, là điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới, trở thành hình mẫu của các khu công nghiệp trong khu vực và trong cả nước.

Đại diện Ban quản lý KCN VSIP Nghệ An cho biết, tính đến ngày 12/05/2025, KCN VSIP Nghệ An 1 đã thu hút 57 dự án đầu tư (54 nhà đầu tư), diện tích đất cho thuê là 248,74 ha đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 87%, tổng vốn đầu tư khoảng 50.249 tỷ đồng (tương đương khoảng 2.110 triệu USD). Trong đó, 44 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho gần 29.000 lao động, 5 dự án khác đang xây dựng nhà máy và 8 dự án còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.
Có 36 dự án FDI (33 nhà đầu tư), tổng vốn đầu tư khoảng 47.958 tỷ đồng (tương đương khoảng 2.013 triệu USD) từ các quốc gia như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thụy Điển. Một số dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử/cơ khí chính xác, may mặc như Luxshare-ICT, Everwin Precision Việt Nam, Innovation Precision Việt Nam, May An Nam Matsuoka, trang phục Quốc tế Gaiwach Việt Nam, Sangwoo Việt Nam.
Đối với KCN VSIP Nghệ An 2 (KCN Thọ Lộc giai đoạn 1), tới nay, có 1 nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích 51,2ha, tổng vốn đầu tư 590 triệu Đô la Mỹ và hiện có khoảng 10 nhà đầu tư thứ cấp tiềm năng (nhu cầu quỹ đất khoảng 100ha) đã và đang làm việc để tìm hiểu và thực hiện đầu tư, trong đó 3 nhà đầu tư đã ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư với diện tích khoảng 30ha, dự kiến trước mắt tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương.

Có thể nói, nguồn vốn FDI là yếu tố rất quan trọng, có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp. Ba năm liên tiếp (2022-2024), Nghệ An lọt tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI cao nhất cả nước; nhờ làm tốt công tác “5 sẵn sàng”, sẵn sàng về mặt bằng sạch; hạ tầng thiết yếu; nguồn nhân lực; đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ đồng hành, đã giúp Nghệ An thành công trong thu hút đầu tư. Tỉnh phấn đấu đến năm 2028, thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI.
Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tốt, là quả ngọt - yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Hiện ngành Công nghiệp Nghệ An tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh. Một số nhà máy mới sau thời gian chạy thử đã có sản phẩm thương mại ổn định, nhiều dự án mới được triển khai đi vào hoạt động đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh: linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, module pin năng lượng mặt trời; giày da; tấm bán dẫn bằng silic; vỏ camera…

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2025 trên địa bàn Nghệ An ước tăng 19,6% so với cùng kỳ. Cụ thể: Công nghiệp khai khoáng tăng 51,22%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21,08%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,48% và ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,29%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,31% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 17,58%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 13,17%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 12,08% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,89%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng do các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài nên đơn hàng tăng. Nhiều dự án mới đi vào hoạt động ổn định đã góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một số sản phẩm tăng như: micro, dock sạc, tai nghe không nối với micro, Clinker xi măng, điện sản xuất, đường, sữa tươi, vỏ hộp lon bia...
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 130.600 tỷ đồng, tăng 15,55% so với năm 2024.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An
Nguồn: https://baonghean.vn/thu-hut-dau-tu-cua-nghe-an-tiep-da-tang-truong-tich-cuc-10297349.html
Bình luận (0)