Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dinh dưỡng là nhân tố quyết định đến năng suất của mỗi quốc gia

Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị có bữa ăn đủ dưỡng chất, đa dạng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, duy trì vận động thể lực thường xuyên.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ11/05/2025

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dinh dưỡng là nhân tố quyết định đến năng suất của mỗi quốc gia - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ 2 từ phải qua) ấn nút trên màn hình khai mạc Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam sáng 11-5 tại TP.HCM - Ảnh: N.H.

Sáng 11-5, tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 4 do báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, ông Trần Văn Thuấn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho hay dinh dưỡng không chỉ là nền tảng của sức khỏe cá nhân mà còn là trụ cột của chất lượng dân số, là nhân tố quyết định đến tầm vóc, thể lực, trí tuệ và năng suất lao động của mỗi quốc gia.

Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn của bạn

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, trong buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế ngày 24-2-2025, và qua bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định rõ vai trò then chốt của công tác dinh dưỡng trong cải thiện chất lượng dân số, trong phòng bệnh và nâng cao thể chất, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định: "Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố cốt lõi để giảm gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống, và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững". 

Tương tự nhà khoa học nổi tiếng Hippocrates đã nói "Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn của bạn". 

"Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng, dinh dưỡng khoa học không chỉ phòng bệnh mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Hay như cổ nhân thường nói "bệnh từ miệng mà ra". Dinh dưỡng phù hợp không chỉ phòng bệnh mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững", thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Theo ông Thuấn, công tác dinh dưỡng thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm còn 19,6% vào năm 2020 - mức trung bình theo phân loại của WHO. Tiêu thụ rau quả bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt.

Thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng

"Tuy nhiên chúng ta cũng đang đối mặt với thách thức mới rất đáng lo ngại như tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng. 

Chỉ trong 10 năm, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em từ 5-19 tuổi đã tăng hơn gấp đôi trong một thập kỷ, từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020, và khoảng 25% người trưởng thành Việt Nam đang bị thừa cân, béo phì.

Đây là những con số rất đáng báo động vì thừa cân, béo phì không những suy giảm sức khỏe, sức vận động, lao động mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh trong nhóm bệnh không lây nhiễm như rối loạn chuyển hóa, tim mạch…", thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo. 

Ông Thuấn còn nhấn mạnh dinh dưỡng không hợp lý và dinh dưỡng không an toàn cũng gây ra nhiều loại bệnh ung thư.

"Sức khỏe của nhân dân là tài sản vô giá và là nền tảng cho sự phồn vinh quốc gia. Do đó tôi kêu gọi từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị hãy bắt đầu từ những việc làm thiết thực và giản dị, như bữa ăn đủ dưỡng chất, đa dạng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; duy trì vận động thể lực thường xuyên để cùng chung tay tạo nên một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển và trường tồn", ông kêu gọi.

Bộ Y tế đã ban hành "10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030"

Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực và đồng bộ. Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 đặt trọng tâm vào cải thiện chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường hoạt động thể lực cho mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, và các nhóm dễ tổn thương tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Chương trình "Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời" giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.

Bộ cũng đã ban hành "10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030", kêu gọi người dân hạn chế thức ăn nhanh, nước ngọt có đường, tăng tiêu thụ rau quả, cá, và duy trì vận động thể lực tối thiểu 30 phút mỗi ngày.

Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ trên trường quốc tế thông qua việc tham gia Phong trào mở rộng dinh dưỡng từ năm 2014 và Tuyên bố chung ASEAN về chấm dứt suy dinh dưỡng năm 2017.

Những nỗ lực này khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu số 2: "Xóa đói và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030".

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
THÙY DƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-y-te-dinh-duong-la-nhan-to-quyet-dinh-den-nang-suat-cua-moi-quoc-gia-20250511092845654.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm