Từng là địa phương thuộc diện khó khăn, với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Đạo Trù (Tam Đảo) hôm nay đã “thay da đổi thịt”. Các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại; người dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cây, con giống mới vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh doanh, dịch vụ.
Có mặt tại trang trại rộng gần 2 ha của gia đình anh Lương Văn Man hiện đang trồng 300 gốc bưởi diễn, gần 100 cây cam đường, 120 gốc nhãn và 300 gốc mít cùng dãy chuồng nuôi 100 con lợn sinh sản và thương phẩm, chúng tôi hiểu hơn tư duy đổi mới của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Anh Man chia sẻ: Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt sự hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình tôi mạnh dạn hơn trong đầu tư, phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: Công tác dân tộc và các chính sách dân tộc của Nhà nước đã tạo sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.
Toàn tỉnh có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 40 dân tộc thiểu số, gồm 59 nghìn người đang sinh sống tại 5 huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và Phúc Yên.
Cụ thể hóa đường lối của Đảng, nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với các chương trình, đề án như Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, đề án “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh cấp miễn phí hơn 30 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo sinh sống ở vùng khó khăn và miền núi của tỉnh; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100 nghìn lượt người, giúp người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Cùng với đó, kết cấu kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hoá…
Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 48 triệu đồng, đến năm 2023 tăng lên gần 54 triệu đồng; đến hết năm 2024 đạt hơn 61 triệu đồng, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 0,98%; 11/11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế địa lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Đặc biệt, nâng cao ý thức tự vươn lên, giảm nghèo, phát triển KT-XH; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để đồng bào tích cực tham gia xây dựng, thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Tính
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128025/Thuc-day-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui
Bình luận (0)