Thị trường sôi động
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người có thói quen mua các sản phẩm chế biến sẵn được rao bán trên mạng. Chị Vũ Thị Nụ, xã Vũ Thư, chia sẻ: Đi làm về muộn, không kịp nấu nướng nên tôi thường đặt các món như chả nem, nem chua rán, cá kho… trên mạng xã hội cho tiện. Người bán đều khẳng định đó là đồ nhà làm, nguyên liệu bảo đảm, không sử dụng chất bảo quản. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng vì không rõ những món này được chế biến từ bao giờ, nguyên liệu và quy trình có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Tin vào người bán và mua ở chỗ quen khi thấy quảng cáo “nhà làm”, không ít người đã lựa chọn thực phẩm trên mạng. Nhà có con nhỏ nên chị Nguyễn Phương Anh, xã Quỳnh Phụ cũng thường xuyên đặt mua một số loại bánh, đồ ăn nhanh như bánh bao, nem chua rán, xúc xích… Tuy nhiên, khi nhận sản phẩm được đóng gói sơ sài, không nhãn mác, không ngày sử dụng, không tem kiểm định cũng khiến chị Phương Anh băn khoăn về chất lượng.
Trong thời đại công nghệ số, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và sàn thương mại điện tử giúp hoạt động buôn bán trở nên sôi động, thực phẩm “nhà làm” vì thế cũng lên ngôi. Dạo quanh các trang facebook, zalo… không khó để bắt gặp những món ăn được rao bán với lời quảng cáo hấp dẫn. Để tăng thu nhập, nhiều người chọn mua nguyên liệu về tự chế biến rồi bán online. Có người lựa chọn nguyên liệu rõ nguồn gốc, tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn, nhưng cũng không ít người vì lợi nhuận mà bất chấp, nhập nhèm quảng cáo, gắn mác “nhà làm” để tạo lòng tin cho khách. Một số người chỉ bán nhỏ lẻ, không ghi địa chỉ rõ ràng khiến công tác kiểm tra, giám sát gặp khó khăn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Nhanh, gọn, tiện lợi, không mất thời gian chế biến, đi lại, chỉ vài thao tác đặt mua là có thể nhận hàng tận nơi, đó là ưu điểm khiến đồ ăn bán online được nhiều người lựa chọn. Thế nhưng, chính điều đó lại tiềm ẩn rủi ro về an toàn thực phẩm do khó kiểm soát, thiếu giám sát. Khoảng trống này đang tạo ra kẽ hở cho việc mua bán thực phẩm không bảo đảm diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, việc gắn mác “nhà làm” dễ đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Họ mua hàng phần lớn bằng “niềm tin”, nhưng khi không may bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ là rối loạn tiêu hóa, nặng hơn ảnh hưởng đến sức khỏe, lúc đó mới nhận ra niềm tin của mình đã đặt nhầm chỗ, tiền mất tật mang.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở y tế Hưng Yên) cho biết: Các thực phẩm rao bán trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, địa chỉ, xuất xứ, chưa được kiểm định; thay vào đó nên lựa chọn mua ở các cơ sở uy tín, đã được cấp phép, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thời tiết oi nóng, thay đổi thất thường nên thực phẩm rất dễ ôi thiu. Vì vậy, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần nghiêm túc tuân thủ các quy định từ khâu nhập hàng, lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến vận chuyển. Đó không chỉ là trách nhiệm với người tiêu dùng mà còn là cách tự bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình.
Nguồn: https://baohungyen.vn/thuc-pham-nha-lam-tien-loi-nhung-day-noi-lo-3183041.html
Bình luận (0)