"Tiệm mì nụ cười" ở 17 Thái Thị Bôi (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) không có biển hiệu, tên gọi của quán được thực khách đặt cho bởi giá của mỗi tô mì chỉ 1.000 đồng hoặc có thể "trả" bằng nụ cười.
Chị Huệ chuẩn bị các loại mì khác nhau theo khẩu vị của mọi người. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Tiệm chuẩn bị đầy đủ từ mì gói, trứng, xúc xích, rau sống, chanh, ớt…
Đây là mặt bằng do chị Trần Thị Bích Huệ (36 tuổi) thuê để mở dịch vụ spa. Phía mặt tiền, chị và vài người bạn mở thêm "tiệm mì nụ cười" để phục vụ người lao động nghèo, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Từ 4 giờ, nhân viên của chị đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu để kịp đón người lao động ghé ăn. Chị chọn mì gói, xúc xích, trứng nhằm đảm bảo món mì luôn nóng và tuân thủ an toàn thực phẩm.
Tiệm mì 1.000 đồng của chị Huệ trở thành điểm đến quen thuộc của những người bán vé số, xe ôm, ve chai, thợ hồ hay học sinh, sinh viên… Thực khách liên tục vào ra từ sáng sớm đến tối muộn. Thấy chị làm không ngơi tay, nhiều khách muốn tự phục vụ; nhiều người dân trong khu vực và hàng xóm cũng chung tay phụ giúp.
Chị Huệ chia sẻ bên cạnh việc thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện như tặng gạo, suất ăn miễn phí giúp bệnh nhân tại các bệnh viện, chị nhận thấy ngoài xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn khi vật giá leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ giữa trung tâm thành phố nên nghĩ cách hỗ trợ người lỡ đường tiết kiệm tiền dù chỉ một bữa ăn.
Với "tiệm mì nụ cười", chị không kinh doanh, không nhận tiền trực tiếp từ thực khách. Việc ghi bảng giá 1.000 đồng/tô mì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng; thực khách nếu muốn vẫn có thể trả tiền bằng cách bỏ 1.000 đồng vào hộp giấy treo sẵn để họ không ngại sau khi dùng bữa. "Tôi để bảng giá 1.000 đồng/tô mì với mong muốn người đến ăn có tâm thế thoải mái "có ăn có trả", không ai nợ ai, tạo cảm giác mọi người đều được trân trọng. Thực tế, chỉ mong họ ăn xong cảm thấy vui vẻ, nở nụ cười là tôi đã mãn nguyện. Tâm niệm của tôi là duy trì tiệm mì này đến khi không có khả năng lao động, cố gắng hết sức có thể. 1.000 đồng/tô mì thu về, tôi sẽ dành cuối năm tiếp tục chương trình thiện nguyện cho trẻ em miền núi", chị Huệ chia sẻ.
Tô mì 1.000 đồng gồm 1 gói mì ăn liền, xúc xích, trứng gà, rau sống, nước sôi... tùy khẩu vị người ăn. Tô, đũa, muỗng inox, kệ inox được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và vệ sinh thường xuyên. Dù thực khách ngày càng đông, chi phí bỏ ra tăng thêm nhưng chị Huệ không kêu gọi, không nhận ủng hộ của nhà hảo tâm, kể cả tiền mặt hay thực phẩm.
Cũng tại trung tâm TP.Đà Nẵng, trên đường Trần Tống (P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê) có một xe bánh mì thiện nguyện với mô hình "bánh mì treo". Mô hình do chị Võ Thị Thanh Thảo (30 tuổi) khởi xướng từ tháng 10.2024 để giúp đỡ những người lao động nghèo. Bên cạnh việc bán bánh mì, mỗi ngày chị dành vài chục ổ kèm đầy đủ nhân bên trong để tặng người có nhu cầu. Vài người bạn thấy mô hình hay nên cũng ủng hộ thêm bánh mì.
Ông Lê Hồng Nam, Chủ tịch UBND P.Chính Gián (Q.Thanh Khê), cho biết địa phương rất trân trọng những tấm lòng vì cộng đồng của các tổ chức, cá nhân, nhất là cơ sở kinh doanh, dành cho người yếu thế. Địa phương thường xuyên chỉ đạo bộ phận chuyên môn, hội đoàn thể quan tâm, thăm hỏi các chủ cơ sở, biểu dương và hướng dẫn mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, hoạt động tốt hơn và kịp thời hỗ trợ để các mô hình nhân văn này ngày càng lan tỏa.
Nguồn:https://thanhnien.vn/tiem-mi-nu-cuoi-18525041818414083.htm
Bình luận (0)