“Khi còn nhỏ, mỗi lần nhìn tấm ảnh thờ cũ kỹ của ông nội - liệt sĩ Lỷ A Coỏng, tôi luôn cố tưởng tượng khuôn mặt thật của ông. Ảnh mờ lắm, chỉ còn vài nét phác, mắt thì gần như không rõ. Vậy mà hôm nay tôi được nhìn thấy ông rõ ràng như thể ông đang ở trước mặt. Tôi thật sự xúc động. Đối với gia đình tôi, đây là một món quà vô giá” - Anh Lỷ Chủ Huy nghẹn ngào chia sẻ trong chương trình “Tô màu ký ức”, nơi anh là một trong hàng trăm thân nhân liệt sĩ lần đầu được thấy lại khuôn mặt người thân sau hàng chục năm.
Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Lỷ A Coỏng từng tuyên thệ “Vàng không mua nổi lòng người Dao theo Đảng”, đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tấm ảnh thờ của ông từ lâu chỉ còn là hình bóng nhạt nhòa trong trí nhớ gia đình. Nhưng giờ đây, bằng công nghệ phục dựng và tình cảm tri ân sâu sắc, hình ảnh của ông đã được phục dựng rõ nét, chân thực.
Câu chuyện của gia đình anh Lỷ Chủ Huy không phải là duy nhất. Trên sân khấu chương trình hôm ấy, ông Nguyễn Đắc Nam, em trai liệt sĩ Nguyễn Đắc Đông cũng đã rơi nước mắt khi thấy bức ảnh được phục dựng của người anh đã hy sinh tại chiến trường miền Trung năm 1968. Ông Nam xúc động: Tấm ảnh thờ của anh tôi đã cũ lắm rồi, mờ đến mức chẳng còn nhận ra gương mặt nữa. Gia đình luôn đau đáu một ước nguyện là chỉ mong một lần được nhìn thấy lại gương mặt anh, để nhớ, để kể cho con cháu rằng ông của chúng đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào. Nhờ chương trình, điều đó giờ đã thành hiện thực!
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức và nỗi đau thì vẫn còn đó. Với mong muốn kết nối quá khứ và hiện tại, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” trong thế hệ trẻ, Tỉnh Đoàn đã phối hợp cùng nhóm phục dựng ảnh Skyline triển khai dự án “Tô màu ký ức”. Theo đó các cấp bộ đoàn đã tích cực tuyên truyền, rà soát, kết nối với gia đình liệt sĩ trong toàn tỉnh để thu thập tư liệu. Nhiều bức ảnh chỉ là tranh phác thảo, mất nét, ố mờ... đã được phục dựng một cách chân thực và rõ nét.
“Chúng tôi phải nhờ gia đình mô tả từng chi tiết, đối chiếu với ảnh người thân, sưu tầm quân phục, mũ, thậm chí chụp lại mẫu để ghép chính xác hình ảnh theo từng thời kỳ. Đôi mắt - phần “linh hồn” của mỗi khuôn mặt là chi tiết khó nhất, cũng là khâu được nhóm trau chuốt kỹ lưỡng nhất. Chúng tôi không coi đây là công việc, mà là sứ mệnh. Mỗi bức ảnh là một lần tri ân. Chúng tôi muốn giúp gia đình liệt sĩ "đoàn tụ" theo cách đặc biệt nhất - bằng ký ức sống dậy" - anh Phùng Quang Trung, Trưởng nhóm Skyline, chia sẻ.
Mục tiêu ban đầu của dự án là phục dựng tối thiểu 100 bức ảnh chân dung liệt sĩ và trao tặng miễn phí cho thân nhân trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Tỉnh Đoàn đã triển khai phục dựng và trao tặng gần 120 tấm ảnh cho thân nhân gia đình các liệt sĩ. Dự án với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã thu hút được sự quan tâm hưởng ứng, chung tay thực hiện của nhiều bạn trẻ, nhiều doanh nghiệp trẻ trong tỉnh. Bởi vậy, từ nay đến hết năm 2025, sẽ có gần 1.000 bức ảnh tiếp tục được phục dựng và trao tặng miễn phí cho gia đình liệt sĩ.
Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thế Minh chia sẻ: “Tô màu ký ức” là một lát cắt đẹp trong hành trình tri ân, giúp thanh thiếu nhi sống có trách nhiệm, sống biết ơn và tự hào. Chúng tôi sẽ tiếp tục số hóa dữ liệu liệt sĩ, phát triển podcast, video kể chuyện lịch sử và hỗ trợ khởi nghiệp cho con, em liệt sĩ, để việc tri ân không dừng lại ở một chương trình, mà trở thành hành động thường xuyên. Hành trình ấy sẽ không dừng lại ở những bức ảnh, mà sẽ tiếp tục trong từng câu chuyện, từng hành động và trong trái tim biết ơn của mỗi người trẻ Vùng mỏ hôm nay.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/to-mau-ky-uc-hanh-trinh-tri-an-cua-mot-the-he-biet-on-3359611.html
Bình luận (0)