Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé ở xã Tam Anh, TP. Đà Nẵng, bà Huỳnh Thị Mai, vợ của Anh hùng LLVTND, Đại tá công an Hà Lân, năm nay đã tròn 100 tuổi, sống một mình, lặng lẽ cùng những kỷ vật xưa. Không con cháu, không người thân bên cạnh, bà gìn giữ căn nhà như gìn giữ một miền ký ức – nơi từng chứng kiến cuộc đời của người chồng đã cống hiến cả tuổi xuân cho cách mạng, cho đất nước.
Đại tá Hà Lân sinh năm 1926, tham gia cách mạng từ năm 1945, giữ nhiều vị trí chủ chốt trong lực lượng công an nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một trong những cán bộ tiên phong xây dựng cơ sở cách mạng ở Trà My, vùng chiến lược quan trọng thuộc Khu ủy Khu V. Cống hiến ấy được Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1985, một niềm tự hào không chỉ của ngành công an, mà còn của quê hương Tam Hòa, của lực lượng vũ trang miền Trung – Tây Nguyên.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh cải tạo nhà, chỉnh trang khu phòng thờ - Ảnh: VGP/MT
Đại tá Hà Lân từ trần năm 2013, từ đó đến nay, vợ ông là bà Huỳnh Thị Mai sống một mình trong căn nhà nhỏ. Những bức ảnh cũ, bàn thờ cũ, huân chương nhuốm màu thời gian vẫn được gìn giữ trang trọng – như chứng tích của một cuộc đời vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", dịp 27/7 này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh (Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng) đã có một việc làm chan chứa yêu thương: Họ đến nhà của ông bà Lân-Mai, sơn sửa lại gian phòng thờ tưởng niệm, chỉnh trang từng tấm bằng khen, từng khung huân, huy chương. 15 danh hiệu được lồng lại trong khung kính mới, sáng bóng, thể hiện sự trân trọng và biết ơn của thế hệ hôm nay với người đã khuất.
"Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh chúng tôi còn phục dựng ảnh liệt sĩ, trao tận tay thân nhân tại phường Quảng Phú. Trong năm nay, Đồn đã tổ chức 2 đợt phục dựng gần 50 ảnh liệt sĩ. Chúng tôi cũng hỗ trợ một thương binh ở xã Tam Xuân cải tạo khu sinh hoạt. Tất cả đều từ sự đóng góp của tập thể và vận động từ những người hảo tâm", Trung tá Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh chia sẻ.
Gia đình thân nhân liệt sĩ đón nhận những tấm ảnh được phục dựng từ các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh - Ảnh: VGP/MT
Lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Nhân dịp này, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với tuổi trẻ lực lượng công an, bộ đội biên phòng tổ chức chuỗi hoạt động tri ân sâu sắc, lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đến từng đoàn viên, thanh thiếu nhi trên toàn Thành phố.
Trong đó, chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” được tổ chức đồng loạt tại 27 nghĩa trang trên địa bàn Đà Nẵng. Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên đã có mặt từ sáng sớm ngày 18/7, thắp hương tưởng niệm và thay mới gần 24.000 lọ hoa tại các phần mộ liệt sĩ.
Thành đoàn Đà Nẵng cùng tuổi trẻ Công an Thành phố lau dọn, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ - Ảnh: VGP/MT
Không chỉ có thế, trong khuôn khổ chương trình cao điểm từ ngày 20/7 đến 27/7, Thành đoàn Đà Nẵng còn phối hợp với các đơn vị tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, 9 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã được sửa chữa và xây mới, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng, góp phần giúp các gia đình người có công ổn định cuộc sống, an tâm tuổi già.
Khắp các địa phương tại miền Trung những ngày này đều diễn ra các hoạt động tri ân - Ảnh: VGP/MT
Chia sẻ về chuỗi hoạt động ý nghĩa này, ông Lê Kim Thường, Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, khẳng định: “Ban Thường vụ Thành đoàn mong muốn mỗi đoàn viên, thanh niên không chỉ tri ân bằng lời nói mà là bằng chính hành động cụ thể. Việc tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm, cũng là niềm tự hào của tuổi trẻ Thành phố – thế hệ được sống trong hòa bình nhờ sự hy sinh của các thế hệ đi trước”.
Minh Trang
Nguồn: https://baochinhphu.vn/tri-an-nguoi-co-cong-bang-viec-lam-thiet-thuc-102250718132750177.htm
Bình luận (0)