Ngày 19/4, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy ở các khu rừng bị thiệt hại sau bão số 3 tại địa bàn TP Hạ Long và TP Uông Bí. Cùng đi có đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương liên quan.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến tháng 8/2024, Quảng Ninh có 380.168 ha rừng, trong đó có 119.766 ha rừng tự nhiên còn lại là rừng trồng, tỷ lệ che phủ đạt 55,1%. Tháng 9/2024, bão Yagi đổ bộ vào tỉnh đã gây thiệt hại khoảng 128.873 ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích rừng của tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng sau bão còn 45,5%, giảm 9,6%. Đến nay, nhiều diện tích rừng bị đổ gãy đã khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.
Trong khi đó, để bắt đầu cho vụ cây mới, nhiều chủ rừng đang tranh thủ thời tiết để xử lý thực bì, phần lớn được thực hiện bằng phương pháp đốt, trong khi chưa thực sự tuân thủ đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về PCCCR, dẫn đến tình trạng gây cháy lan, không kiểm soát được. Theo thống kê, từ thời điểm sau bão Yagi đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã để xảy ra 59 điểm cháy, chủ yếu tại các khu vực rừng bị gãy đổ sau bão, hoặc cháy thực bì trên diện tích sau khai thác gỗ rừng trồng, với tổng diện tích cháy khoảng 600 ha.
Mặc dù để ngăn ngừa, khống chế các vụ cháy; các địa phương, lực lượng chức năng đã vận hành theo quy định về PCCCR, huy động trên 7.000 lượt người tham gia chữa cháy, chủ yếu là lực lượng Quân đội, Công an, Kiểm lâm, tổ đội PCCCR cấp xã… Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng vẫn còn rất lớn; mà lực lượng tuần tra, canh trực rất mỏng, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCCR đã được đầu tư nhưng còn rất hạn chế... vì thế công tác xử lý, khắc phục rất khó khăn.
Theo rà soát, do diện tích rừng bị thiệt hại chưa thu hồi được cây cối gãy đổ còn rất lớn, vì thế nguy cơ cháy rừng vẫn có thể sẽ xảy ra, đặc biệt là cháy trên diện rộng, có thể cháy lan đến các khu rừng có khu dân cư liền kề. Do vậy, các địa phương, đơn vị đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường hơn nữa về thực hiện trách nhiệm đối với công tác PCCCR; có các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ cháy rừng…
Đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao tinh thần nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong triển khai công tác PCCCR. Tuy nhiên, với số lượng cây gãy đổ rất lớn sau bão Yagi, nếu không giải quyết dứt điểm việc thu dọn cây gãy đổ, thực bì thì nguy cơ cháy rừng sẽ luôn tiềm ẩn, nhất là mùa nắng nóng.
Do đó, cùng với việc tiếp tục báo cáo Trung ương để có hướng giải quyết kịp thời đối với các nội dung vượt thẩm quyền khi thu dọn cây gãy đổ; đề xuất các cơ chế, chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tham mưu cho tỉnh phương án đảm bảo tính bền vững khi trồng rừng, trong đó chú trọng trồng cây gỗ lớn, cây lâu năm.
Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR theo Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13/4/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh. Sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về PCCC để đảm bảo tuyệt đối an toàn khi chữa cháy.
Trong trường hợp nếu thực hiện đốt thực bì, để cháy lan đến các khu rừng, khu dân cư liền kề, chủ rừng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm, thực hiện thông báo, yêu cầu chủ rừng ký cam kết không đốt vật liệu, thực bì tại khu vực rừng bị thiệt hại và xử lý thực bì sau khai thác vào những ngày nắng, hanh khô; chỉ tiến hành thu gom vào nơi an toàn và xử lý vào ngày mát, đồng thời phải canh trực kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện.
Tiếp tục thực hiện rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao bố trí lực lượng trực và canh phòng. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các nguy cơ cháy và diễn biến cháy để báo cáo người có thẩm quyền huy động lực lượng ứng cứu chữa cháy ngay từ ban đầu để hạn chế cháy lan. Đồng thời, cần tiếp tục bổ sung, tăng cường trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác PCCCR; triển khai hiệu quả các phong trào trồng rừng bổ sung, trong đó cần lưu ý nghiên cứu chủng loại cây trồng để phát triển bền vững, mở rộng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, rừng có vai trò rất quan trọng đối với hệ môi trường, sinh thái và giúp phát triển kinh tế, do đó cùng với nỗ lực của các ngành, địa phương, cũng cần có sự tham gia với trách nhiệm cao từ người dân. Đồng thời phải triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, phát triển bền vững diện tích rừng.
Đỗ Phương
Nguồn
Bình luận (0)