Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Triệu Phong -Ảnh: T.L
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Triệu Phong đã linh hoạt áp dụng các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Cùng với đó, các mô hình kinh tế dịch vụ nông thôn, làng nghề truyền thống... cũng đang được khai thác hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, địa phương đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được hình thành và nhân rộng.
Có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, các mô hình chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao...
Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả, ổn định, có những đóng góp quan trọng về phát triển KT-XH, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên được triển khai tại 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn (cũ), Triệu Tài, Triệu Trạch với diện tích 61 ha do Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Triệu Phong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các nhóm hộ sản xuất trên địa bàn 4 xã, trong đó có 11 ha của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia.
Trong quá trình hình thành và phát triển, HTX Nông sản sạch Triệu Phong đã dần xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho hệ thống siêu thị Coop.mart, hệ thống cửa hàng và các kênh phân phối khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Đặc biệt, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Nông sản sạch Triệu Phong đã đoạt giải Nhất tại Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp canh tác tự nhiên thân thiện với môi trường tại Seoul - Hàn Quốc năm 2017.
Cùng với sản xuất lúa, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần quan trọng cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn Triệu Phong. Tiêu biểu như mô hình trồng cam hữu cơ với quy mô 3 ha của hộ Bùi Quang Huyên, xã Triệu Thượng có sản lượng đạt 45 tấn/năm, doanh thu 900 triệu đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi gà công nghệ cao, trồng nấm và cây dược liệu của ông Phạm Hoá, thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận với quy mô 2,7 ha, có liên kết với Công ty Japfa Việt Nam, lợi nhuận đạt 1 tỉ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức tiền công 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Hay mô hình chăn nuôi gà thịt liên kết sản xuất với Công ty CP của ông Phan Ngọc Tâm, thôn Phương An, xã Triệu Sơn (cũ) với quy mô 60.000 con/lứa, 3 lứa/năm, lợi nhuận bình quân 1,2 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên, thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình chăn nuôi gà hướng hữu cơ của bà Phan Thị Kim Chi, xã Triệu Thượng với quy mô 700 con/lứa, lợi nhuận 80-100 triệu đồng/năm. Đây là mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học và các chế phẩm vi sinh, thức ăn hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt công nghệ cao của ông Trần Công Vũ, xã Triệu Sơn (cũ), quy mô 30 lợn nái, từ 150-200 lợn thịt/lứa, lợi nhuận đạt 420 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình ốc hương lót bạt vùng bãi ngang của ông Trần Xuân Quý, Thôn 6, xã Triệu Lăng với quy mô 6 ha, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm. Mô hình nuôi tôm thẻ vùng cửa lạch theo quy trình tuần hoàn nước của ông Trần Quang Dung, thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước với quy mô 1,2 ha. Với công nghệ hiện đại lấy nước từ mương cấp qua ống lọc có gắn túi lọc 2 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp, thu hoạch trung bình 4,5 tấn/năm, lãi 500 triệu đồng/năm...
Từ những mô hình kinh tế đa dạng, nhiều vùng quê trên địa bàn huyện Triệu Phong đã khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn liên tục tăng qua các năm. Đến nay, huyện Triệu Phong đã về đích huyện NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 thôn đạt NTM kiểu mẫu, 16 vườn được công nhận vườn mẫu. Huyện Triệu Phong đã có kế hoạch cụ thể nhằm tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM.
Thực tế cho thấy, nơi nào mô hình kinh tế nông thôn được tổ chức tốt, đa dạng và linh hoạt thì nơi đó nông dân gắn bó với đồng ruộng, đời sống ổn định, cộng đồng phát triển. Việc đa dạng hóa các mô hình kinh tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Sự đa dạng và hiệu quả của các mô hình kinh tế gắn với xây dựng NTM tại huyện Triệu Phong đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống người dân, phát triển KT-XH và xây dựng NTM bền vững. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Phong trong công cuộc đổi mới và phát triển nông thôn.
Lệ Như
Nguồn: https://baoquangtri.vn/trieu-phong-da-dang-cac-mo-hinh-kinh-te-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-193786.htm
Bình luận (0)