Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 91 về quy chế đặt tên đường, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn (hôm 10.7), đại diện Sở VH-TT TP.HCM nêu rõ, sau khi sáp nhập, thành phố có nhiều tên đường trùng nhau như Phan Văn Trị, Nguyễn Thị Nhỏ, Khổng Tử… Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và sinh hoạt.
Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM chủ trì hội nghị
Ảnh: T.A
Giải pháp khắc phục tình trạng trùng tên đường
PGS-TS Hà Minh Hồng cho biết trước đó, có nhiều quan điểm liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng đường trùng tên. Theo ông, lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM từng chia sẻ rằng trước mắt chưa đổi tên đường, chấp nhận tình trạng trùng tên đường ở các quận khác nhau hay nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng cho rằng bảo lưu tên đường trước kia đã lỡ trùng ở giữa các quận, huyện để tránh xáo trộn và phiền hà cho người dân…
Từ cơ sở đó, PGS-TS Hà Minh Hồng đưa ra các đề xuất để giải quyết vụ trùng tên đường trên địa bàn thành phố. Ông cho rằng có thể giữ tên tường, đồng thời ghi thêm địa chỉ, điển hình như đường Phan Văn Trị phường Chợ Quán - đường Phan Văn Trị phường An Đông hay đường Chu Văn An phường Thủ Đức - đường Chu Văn An phường Tăng Nhơn Phú…
Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, tên đường gắn với địa chỉ không trùng nhau nên khi đặt tên theo hướng này cũng sẽ không bị trùng, đồng thời vẫn gắn bó với thực tế cuộc sống dân cư, tránh được trường hợp đảo lộn phức tạp. Chưa kể, việc chỉ dẫn, tra cứu có thêm địa chỉ cụ thể gắn với tên đường sẽ có thể nhanh chóng, dễ dàng hơn trước.
PGS-TS Hà Minh Hồng nêu các giải pháp giải quyết trường hợp trùng tên đường trên địa bàn TP.HCM
Ảnh: T.A
Với đề xuất thứ 2, PGS-TS Hà Minh Hồng nêu rõ cần giảm bớt một số tên đường, phố mang tên nhân vật không nổi tiếng - sử dụng nhiều hơn tên nhân vật nổi tiếng, có nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa lớn (ưu tiên tên sự kiện, địa danh) và thêm địa chỉ, có thể thêm số. Theo ông, đây là cách nhằm giảm bớt tình trạng địa phương và cục bộ hóa tên đường, giảm bớt tình trạng sử dụng tên dân gian hóa. Đồng thời, PGS-TS Hà Minh Hồng cho rằng đây cũng là cách giảm bớt áp lực cho ngân hàng tên đường và tăng thêm tính thống nhất giá trị ý nghĩa các danh nhân, sự kiện tiêu biểu.
Trong khi đó, bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM nhận định vẫn còn nhiều phương án để đặt tên mới cho các tuyến đường trên địa bàn. "Chúng ta thiên về nhân vật lịch sử nhiều, trong khi những khía cạnh khác như địa danh, sự kiện lịch sử... lại quá ít", bà Tú Cẩm nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM, "nếu chúng ta chỉ tìm tên nhân vật thôi thì sẽ bí, trong khi chúng ta còn nhiều dư địa để đặt tên đường, bằng việc khai thác những địa danh, di tích lịch sử".
Từ năm 2005 đến nay, cơ quan có thẩm quyền của thành phố đã ban hành văn bản đặt tên cho 643 tuyến đường; đổi tên 03 tuyến đường và điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường.
Ngân hàng tên đường và công trình công cộng (từ năm 2006 đến nay) có 1.375 tên, đã sử dụng để đặt tên đường 620 tên, còn 755 tên chưa sử dụng. Các loại hình trong ngân hàng tên đường và công trình công cộng khá phong phú như danh nhân (gồm nhân vật trong nước và nhân vật người nước ngoài), địa danh, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-ten-duong-o-tphcm-giai-phap-ra-sao-185250711092207266.htm
Bình luận (0)