Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền thông văn hóa thời đại số

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, truyền thông văn hóa bước vào một thời kỳ mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Tại Thái Nguyên - một trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các cơ quan báo chí đang đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, quảng bá và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống lẫn hiện đại của địa phương.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên18/07/2025

Bước vào thời đại số, đòi hỏi mỗi phóng viên phải tự học, tự rèn, nâng cao năng lực làm báo. Ảnh T.L
Thời đại số đòi hỏi mỗi phóng viên phải tự học, tự rèn, nâng cao năng lực làm báo. Ảnh T.L

Cơ hội chuyển đổi số, truyền thông đa nền tảng

Một trong những lợi thế lớn nhất của thời đại số là khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng, rộng khắp và tương tác hai chiều với người đọc. Nhờ vào Internet và mạng xã hội, các giá trị văn hóa đặc trưng của Thái Nguyên từ chè Tân Cương, hát Then, đàn Tính, múa Tắc Xình, lễ hội Lồng Tồng, cho đến những "địa chỉ đỏ" như ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn… được giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước một cách sống động, trực quan hơn.

Các cơ quan báo chí, truyền thông, như: Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên, Trung tâm thông tin tỉnh Thái Nguyên… đều có những bước đi tích cực trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truyền thông. Nhiều nội dung được số hóa, xây dựng dưới dạng video, đồ họa thông tin (infographic), podcast, livestream trên các nền tảng số như Facebook, YouTube, Zalo, TikTok… góp phần gia tăng khả năng tiếp cận với giới trẻ, nhóm công chúng vốn ít quan tâm đến báo in truyền thống.

Sự phát triển của công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big Data), và báo chí dữ liệu (data journalism) cũng mở ra cơ hội mới cho việc phân tích xu hướng, điều chỉnh nội dung truyền thông phù hợp với thị hiếu từng nhóm độc giả, từ đó lan tỏa các giá trị văn hóa theo cách hiệu quả hơn.

Các cơ quan báo chí tại Thái Nguyên từng bước đưa 4D vào sản xuất các bản tin, phóng sự và tài liệu, đặc biệt trong các chủ đề du lịch, văn hóa và giáo dục. Điều này không chỉ thu hút sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là giới trẻ, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương hiệu quả.

Thách thức từ thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin

Tuy nhiên, thời đại số cũng đặt ra không ít thách thức với truyền thông văn hóa, đặc biệt là với báo chí địa phương. Trước hết, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng đã thay đổi mạnh mẽ. Người dân, nhất là giới trẻ, có xu hướng tiếp cận văn hóa qua các nền tảng ngắn hạn, giải trí như: TikTok, YouTube Shorts… trong khi các nội dung văn hóa thường đòi hỏi chiều sâu, tính hệ thống và sự dẫn dắt.

Phóng viên phỏng vấn PGS.TS Đỗ Hồng Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh T.L
Phóng viên phỏng vấn PGS.TS Đỗ Hồng Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh T.L

Sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội cũng khiến các thông tin sai lệch, "nội dung rác" hay những xu hướng văn hóa lệch chuẩn dễ dàng lan truyền hơn. Trong môi trường đó, vai trò “gạn đục khơi trong” của báo chí càng trở nên quan trọng, nhưng đồng thời cũng áp lực hơn, đòi hỏi sự tỉnh táo và chuyên nghiệp trong lựa chọn đề tài, xử lý nội dung và cách thức truyền tải.

Báo chí cần đổi mới phương thức truyền tải, kết hợp công nghệ hiện đại, đồng thời đảm bảo tính xác thực và định hướng thông tin đúng đắn cho công chúng.

Để truyền thông văn hóa hiệu quả

Trong bối cảnh đó, để phát huy hiệu quả vai trò truyền thông văn hóa, theo đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, các cơ quan báo chí của tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số một cách bài bản, không chỉ dừng ở hình thức mà cần đi vào chiều sâu nội dung.

Việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa số hóa; tổ chức các chuyên đề truyền thông về di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống… là rất cần thiết, gắn với việc ứng dụng công nghệ 4D, thực tế ảo (VR), video tương tác để tăng tính hấp dẫn. Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa báo chí chính thống và mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí cần xem mạng xã hội như một “cánh tay nối dài” để lan tỏa nội dung chứ không chỉ là công cụ phụ. Việc sản xuất nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận, bắt nhịp với xu hướng người dùng mà vẫn giữ được “chất văn hóa” là điều cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo. Ngoài nghiệp vụ báo chí, phóng viên cần được trang bị kiến thức về văn hóa, kỹ năng làm báo đa phương tiện và khả năng sử dụng công cụ số hiệu quả. 

Thúc đẩy sự phối hợp giữa báo chí và các đơn vị văn hóa, giáo dục, du lịch trong tỉnh, các cơ quan báo chí không thể đơn độc trong công cuộc truyền thông văn hóa. Sự đồng hành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường đại học, tổ chức bảo tồn di sản văn hóa… sẽ góp phần xây dựng nội dung có chiều sâu và giá trị thực tiễn.

Truyền thông văn hóa thời đại số là "cơ hội vàng" để các cơ quan báo chí Thái Nguyên khẳng định vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc giữa dòng chảy hội nhập và công nghệ, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm văn hóa - truyền thông hiện đại, giàu bản sắc trong khu vực và cả nước.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/truyen-thong-van-hoa-thoi-dai-so-d330610/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm