Ngân sách tỉnh Thanh Hóa thu hàng trăm tỷ đồng từ những chuyến dầu thô cung cấp cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Bến cảng sơ khai đến đầu mối logistics miền Trung
Sáng ngày 1/4/2002, tại bến số 1 - Cảng Tổng hợp Nghi Sơn, lễ đón chuyến tàu và tấn hàng đầu tiên đã được tổ chức trang trọng, đánh dấu sự kiện khởi đầu cho hành trình phát triển của một trong những cảng biển chiến lược của khu vực Bắc Trung bộ(*).
Tại buổi lễ này, Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) công bố quyết định cho phép cầu tàu số 1 được tiếp nhận tàu biển Việt Nam và quốc tế có tải trọng đến 3.000 tấn. Thời điểm đưa vào khai thác, cầu tàu số 1 có hệ thống sàn bến dài 165m, rộng gần 8m, kèm theo khu quay tàu và luồng hàng hải bảo đảm an toàn vận hành. Đúng 9 giờ sáng, chiếc tàu vận tải Tây Đô (Hải Phòng) đã cập cảng, nhận hàng xi măng từ Nhà máy Xi măng Nghi Sơn. Lệnh đón chuyến tàu và xếp dỡ tấn hàng đầu tiên chính thức được phát đi, đã mở đầu cho hành trình phát triển công nghiệp- logistics tại Nghi Sơn, từng bước đưa nơi đây trở thành một trung tâm cảng biển quy mô của cả nước.
Theo thông tin từ Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, tính đến năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng biển Thanh Hóa đã đạt tới 56,27 triệu tấn, trong đó riêng Cảng Nghi Sơn chiếm tới 99,8% với 56,14 triệu tấn, vượt xa các kịch bản dự báo trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ (giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030); trong đó, công suất khai thác tại khu bến Nam Nghi Sơn đạt 32,05 triệu tấn, vượt 94,9%; khu bến Bắc Nghi Sơn (gồm cả bến phao SPM) đạt 24,08 triệu tấn, vượt 12%.
Hệ thống Cảng Nghi Sơn hiện có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn tại cầu bến và 320.000 tấn tại bến phao nổi SPM. Tổng cộng có 28 cầu cảng cứng với chiều dài hơn 5.343m, tăng gần 6 lần về số lượng và 5 lần về chiều dài so với năm 2010. Cảng tập trung chủ yếu tại khu Nam và Bắc Nghi Sơn, phục vụ cả các cảng tổng hợp, xi măng, lọc hóa dầu, nhiệt điện... Các doanh nghiệp (DN) đã không ngừng đầu tư, hiện đại hóa hệ thống bến cảng để đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa.
Điển hình như Cảng quốc tế Nghi Sơn được quy hoạch với tổng diện tích 72ha, trong đó có 16ha mặt nước. Trong số 9 bến cảng đã được quy hoạch, Công ty TNHH Cảng quốc tế Nghi Sơn đã đầu tư hoàn thiện 6 bến; đồng thời nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác bốc dỡ hàng hóa bao gồm 11 cẩu chân đế, xe nâng hàng, xe cuốc... đối với hàng rời. Với hàng container, công ty cũng đã cài đặt thành công phần mềm 3 hệ thống trục container tự động, bảo đảm giải phóng hàng hóa trong 24 giờ.
Hàng loạt DN logistics trong và ngoài nước đã tìm đến, thiết lập văn phòng đại diện. Tuyến container quốc tế được mở, những tên tuổi lớn như CMA-CGM, SITC đã đặt lịch khai thác đều đặn qua cảng. Bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng của Cảng Nghi Sơn, bà Esra Bora, Tổng Giám đốc Công ty CP CMA-CGM Việt Nam đã từng khẳng định mong muốn đồng hành lâu dài cùng tỉnh Thanh Hóa trong việc thúc đẩy hoạt động vận tải
container: “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa để khai thác đều đặn và hiệu quả tuyến container qua Cảng Nghi Sơn, đồng thời mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, hướng tới cân bằng giữa hàng đi và hàng đến, đáp ứng tốt hơn nhu cầu logistics trong khu vực”.
Cũng theo bà Esra Bora, hiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu qua cảng chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng hạt nhựa và đá. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn ở các ngành xuất nhập khẩu như dệt may, giày da, thủy hải sản, thép... Nếu các sở, ngành và DN địa phương cùng phối hợp chặt chẽ, đa dạng hóa được mặt hàng, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics đi kèm, thì Cảng Nghi Sơn hoàn toàn có thể trở thành điểm trung chuyển chiến lược của khu vực miền Trung.
Không chỉ giữ vai trò là trung tâm logistics chiến lược khu vực Bắc Trung bộ, Cảng Nghi Sơn còn là “trụ cột” tài chính của ngành xuất nhập khẩu tỉnh Thanh Hóa. Theo số liệu từ ngành hải quan, trong giai đoạn 2019-2023, tổng thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu của Thanh Hóa liên tục tăng, từ hơn 9.300 tỷ đồng năm 2019 lên gần 16.600 tỷ đồng năm 2023, đỉnh cao là hơn 19.400 tỷ đồng vào năm 2022. Riêng năm 2024, số thu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó Cảng Nghi Sơn đóng góp tới 98% tổng thu của toàn Cục Hải quan tỉnh. Đáng chú ý, trong quý I/2025, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng 12,28% so với cùng kỳ - cho thấy tín hiệu phục hồi và tăng trưởng bền vững. Sự đóng góp này không chỉ đến từ các mặt hàng truyền thống như xi măng, hạt nhựa, đá vôi, mà còn mở rộng sang hàng hóa có giá trị gia tăng như hàng hóa container, thép, thủy sản, dệt may...
"Mở khóa" tiềm năng tỷ đô: Cần cơ chế đặc biệt và hạ tầng đồng bộ
Dù đã bứt tốc mạnh mẽ, nhưng Cảng Nghi Sơn vẫn được đánh giá là chưa đạt đỉnh tiềm năng vì nhiều “điểm nghẽn” về hạ tầng và cơ chế. Đánh giá của các DN cho thấy, hiện nay, hậu cảng và logistics sau cảng còn manh mún, chưa xứng tầm với quy mô đóng góp và tiềm năng của khu cảng. Hệ thống đường kết nối từ cảng đến cao tốc, Quốc lộ 1A, đường sắt chưa được đầu tư tương xứng. Cùng với đó, việc thiếu thiết bị bốc dỡ hàng hóa, kho bãi khiến chi phí logistics tăng cao, làm mất lợi thế cạnh tranh với các địa phương có cảng biển quy mô lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh hay Đà Nẵng.
Tàu cập Cảng Long Sơn Bãi Ngọc nhập hàng.
Theo định hướng phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn đã được quy hoạch là cảng đặc biệt, với chức năng đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.
Để hiện thực hóa định hướng này, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần nhấn mạnh cần “cơ chế đặc biệt” để khai phá tiềm năng to lớn của Cảng Nghi Sơn. Theo đó, ngoài việc ban hành các chính sách hỗ trợ hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container (Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh), Thanh Hóa đang xây dựng đề án quy hoạch vùng hậu cảng, trung tâm logistics quy mô vùng. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch và ban hành cơ chế đột phá để đầu tư một cảng container trung chuyển quốc tế tại Cảng Nghi Sơn. Định hướng này sẽ gắn với việc hình thành hệ thống Depot (cảng cạn) tại TP Thanh Hóa, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trọng điểm. Nếu được triển khai, đây sẽ là “cú hích” chiến lược giúp Nghi Sơn trở thành trung tâm logistics khu vực và điểm đến của các hãng tàu lớn toàn cầu, tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư quốc tế.
Để đưa Cảng Nghi Sơn sớm đạt chuẩn cảng biển loại I và trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch hiện đại. Các nhà đầu tư khai thác cảng được yêu cầu tăng tốc triển khai các bến container chuyên dụng; đồng thời nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị bốc xếp, vận chuyển hàng hóa đồng bộ. Tỉnh cũng chỉ đạo tập trung nạo vét luồng cảng đạt chuẩn, đủ điều kiện đón tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT - yếu tố then chốt để gia tăng năng lực thông quan, giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đang giao các sở, ngành nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư vào kho bãi và trung tâm logistics, bao gồm hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất, đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước... Những nỗ lực này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu, mà còn khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc kiến tạo một hành lang logistics hiện đại, bền vững - nền tảng cho bước bứt phá mạnh mẽ của kinh tế Thanh Hóa trong giai đoạn mới.
Bài và ảnh: Minh Hằng
(*) Tư liệu Báo Thanh Hóa, số 4454, xuất bản ngày 2/4/2002.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tu-chuyen-hang-dau-tien-den-cang-bien-ty-do-248685.htm
Bình luận (0)