Khi chương trình hạt nhân Iran lùi vào “bóng tối”
Gần đây, Trung Đông tiếp tục trở thành “chảo lửa” của thế giới. Từ quan điểm cho rằng ngoại giao với Iran đã thất bại, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển sang hành động quân sự, tấn công các cơ sở hạt nhân chủ chốt. Dù chưa gây leo thang xung đột nghiêm trọng, hiệu quả dài hạn của chiến lược này vẫn còn nhiều nghi vấn.
Việc đánh giá hậu quả kỹ thuật tức thời từ các cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân Iran hiện vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, ngay cả với Mỹ. Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ và Israel đã gây tổn thất lớn cho hạ tầng hạt nhân của Iran, và các đánh giá chi tiết vẫn còn gây tranh cãi. Đặc biệt, số phận của các kho dự trữ uranium làm giàu - mục tiêu trọng yếu của chiến dịch - hiện chưa được xác định rõ.
Có thông tin cho biết, ngay cả tình báo Mỹ cũng thừa nhận không thể xác định chính xác vị trí cũng như mức độ thiệt hại của các kho phóng xạ Iran. Tổng Giám đốc IAEA ước tính Iran có thể khôi phục hoạt động làm giàu uranium trong vòng hai tháng, nhưng đây chỉ là con số sơ bộ do thiếu dữ liệu chính xác về tình trạng chương trình hạt nhân.
Mặc dù phá hủy một phần hạ tầng hạt nhân của Iran, chiến dịch quân sự của Washington lại làm suy giảm khả năng tiếp cận thông tin minh bạch, khiến việc giải quyết khủng hoảng qua con đường ngoại giao trở nên phức tạp hơn. Tình trạng thiếu hụt thông tin này có thể kéo dài, đặc biệt khi Tehran có xu hướng đưa chương trình hạt nhân vào hoạt động ngầm để tránh bị tấn công - điều vốn đã phần nào xảy ra trước đây.
Giới quan sát nhận định, việc Iran chuyển hoạt động vào “bóng tối” không chỉ làm giảm hiệu quả của chiến lược cưỡng ép của Mỹ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng đàm phán. Nếu trước đây các bên có thể thảo luận cụ thể về số lượng máy ly tâm hay mức độ làm giàu uranium, thì nay trong bối cảnh bất ổn và thiếu minh bạch, việc xây dựng một thỏa thuận mới trở nên khó khăn hơn.
Từ răn đe đến đối đầu: Một chu kỳ chưa có hồi kết
Chính quyền Trump dường như không còn coi việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới là điều kiện tiên quyết để giải quyết khủng hoảng Iran. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây, Tổng thống Trump tuyên bố rằng một thỏa thuận mới là không cần thiết, cho thấy Washington tin rằng các cuộc tấn công tên lửa, dù không phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân Iran, cũng đủ để đẩy lùi mối đe dọa trong thời gian dài. Và nếu Iran tái khởi động chương trình, Mỹ có thể lặp lại hành động quân sự.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ nghi vấn đối với chiến lược này của Mỹ. Thứ nhất, các cơ quan tình báo Mỹ không đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Trump; họ cho rằng chương trình hạt nhân Iran chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Thứ hai, việc lặp lại các cuộc tấn công không chỉ thiếu hiệu quả kỹ thuật do chương trình ngày càng thiếu minh bạch, mà còn tiềm ẩn nguy cơ leo thang xung đột. Mỗi lần Mỹ can thiệp quân sự, nguy cơ một cuộc chiến tranh khu vực ngày càng tăng. Việc hiện tại chưa xảy ra leo thang không đảm bảo điều đó sẽ tiếp tục trong tương lai.
Thực tế, các cuộc tấn công có thể khiến Iran càng quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân - công khai hay ngầm - như một biện pháp đảm bảo an ninh. Điều này buộc Mỹ phải quay lại sử dụng các biện pháp cưỡng ép quân sự lặp đi lặp lại, trong khi không có chiến lược rõ ràng để loại bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân tiềm tàng của Iran. Đồng thời, sự thiếu minh bạch ngày càng tăng sẽ cản trở mọi nỗ lực đàm phán trong tương lai.
Ngoài ra, sự bất định về chương trình hạt nhân Iran tiếp tục là một yếu tố gây bất ổn khu vực. Càng ít minh bạch, càng có nguy cơ các quốc gia vùng Vịnh tìm cách phát triển năng lực hạt nhân của riêng mình, cho dù chỉ là tiềm năng, như một biện pháp phòng ngừa. Điều này có thể không dẫn đến sự xuất hiện ngay lập tức của một cường quốc hạt nhân mới, nhưng vẫn đủ để thúc đẩy sự lan rộng của năng lực hạt nhân trong khu vực, làm gia tăng bất ổn chiến lược.
Washington, vốn không thể đứng ngoài mọi khủng hoảng lớn ở Trung Đông, sẽ phải liên tục đầu tư nguồn lực quân sự, ngoại giao và chính trị để kiểm soát tình hình - điều mà Tổng thống Trump từng muốn tránh. Một phương án được cân nhắc là thay đổi chế độ tại Tehran. Nếu một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền, họ có thể chấm dứt chương trình hạt nhân và ngừng hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực. Tuy nhiên, viễn cảnh thay đổi chế độ bằng bạo lực rõ ràng là không khả thi. Thay vì suy yếu, các cuộc tấn công khiến người dân Iran đoàn kết trước mối đe dọa bên ngoài. Dù hệ thống chính trị Iran không hoàn toàn ổn định, đặc biệt nếu Lãnh tụ Tối cao Khamenei qua đời, nhưng không ai có thể dự đoán chính xác lực lượng nào sẽ kế nhiệm, và liệu chính sách của họ có thay đổi hay không. Hơn nữa, các cuộc tấn công vào Mỹ và Israel đã làm suy yếu ảnh hưởng của các lực lượng ủng hộ hợp tác với phương Tây, khiến khả năng chuyển hướng chính sách trở nên mong manh.
Triển vọng giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran bằng con đường ngoại giao trong tương lai gần vẫn rất mờ mịt. Bất chấp các cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran, lập trường hai bên gần như không thay đổi: Washington tiếp tục yêu cầu Iran từ bỏ quyền làm giàu uranium, trong khi Tehran xem đây là ranh giới đỏ không thể vượt qua.
Thậm chí, sau các cuộc tấn công tên lửa của Mỹ, tiềm năng làm giàu uranium càng trở nên quan trọng hơn đối với Iran, như một công cụ răn đe thay thế cho năng lực quân sự thông thường - vốn đã chứng tỏ là không đủ để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Ngay cả khi Tehran không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân, thì một cơ sở hạ tầng làm giàu uranium mạnh mẽ vẫn được coi là cách duy nhất để răn đe hành động quân sự lặp lại từ Mỹ.
Từ bỏ quyền làm giàu uranium độc lập không chỉ bị Iran coi là nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ và Israel, mà còn đồng nghĩa với việc chấp nhận vị thế thấp kém trong trật tự quốc tế - điều mà giới lãnh đạo Tehran luôn cố tránh, từ trước và sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Việc ký một thỏa thuận như vậy, đặc biệt sau các cuộc tấn công gần đây, sẽ bị xem là thất bại chính trị nặng nề trong nước.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump dường như cũng không có ý định nhượng bộ hay tái khởi động đàm phán. Ông Trump tin rằng hành động quân sự đã làm suy yếu nghiêm trọng chương trình hạt nhân Iran, và vì thế, Tehran nên nhượng bộ. Rõ ràng, chính sách hiện nay của Tổng thống Trump tập trung vào áp lực và cưỡng ép hơn là ngoại giao. Washington không còn chủ động tìm kiếm đàm phán, và càng không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào - điều khiến triển vọng một giải pháp ngoại giao càng thêm xa vời.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/van-de-hat-nhan-iran-khi-suc-manh-khong-khuat-phuc-duoc-y-chi-254704.htm
Bình luận (0)