Nhà văn Dương Hướng (giữa) có tác phẩm mới nhận giải thưởng cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật 'Sống mãi với thời gian' do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2024 - Ảnh: T.ĐIỂU
Thủ tướng Phạm Minh chính vừa có phát biểu chỉ đạo cần phải có phong trào thi đua khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về những điển hình tiên tiến, những "nhân chứng" của lịch sử cách mạng…
Trong bối cảnh mà nền văn học nghệ thuật gần đây vắng bóng những nhân vật "người tốt việc tốt", vắng bóng những nhân vật là "điển hình tiên tiến" để cổ vũ những điều tốt đẹp trong xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng nhận được sự tán đồng của đông đảo văn nghệ sĩ.
Tuổi Trẻ Online ghi lại những trăn trở, suy nghĩ của hai nhạc sĩ, nhà văn đồng thời là lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật về câu chuyện văn học nghệ thuật này.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân: Viết về điển hình tiên tiến là mảng sáng trong đời sống văn nghệ
Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về đề tài con người mới là công dân, nông dân, doanh nhân, trí thức, lực lượng vũ trang mà lâu nay ta quen gọi chung là những gương mặt người tốt việc tốt.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định viết về những điển hình tiên tiến là một mảng sáng của văn học nghệ thuật - Ảnh: T.ĐIỂU
Thời đại mới có rất nhiều gương người tốt, những điển hình tiên tiến cần phải được biểu dương bằng các hình thức nghệ thuật mới. Đây là đề tài luôn luôn cho văn nghệ sĩ nguồn cảm hứng sáng tác mạnh mẽ, một mảng sáng trong đời sống văn nghệ.
Mảng đề tài thứ 2 là về những nhân chứng lịch sử thời kỳ cách mạng đã qua, cũng rất quan trọng ngay cả khi chúng ta đã bước sang thời kỳ mới. Đó là những tấm gương hy sinh thầm lặng vượt qua chiến tranh, hay những con người vượt qua cảnh ngộ khó khăn, thương tật, di chứng chất độc da cam để vươn lên…
Họ là những chiến sĩ làm nên chiến công thầm lặng của ngày hôm nay.
Đi sâu vào cuộc đời, tâm tư của những nhân chứng lịch sử cũng là nhiệm vụ của văn học nghệ thuật.
Lâu nay, dù sáng tác về đề tài lịch sử, phần nhiều vẫn là những đại tự sự, những câu chuyện hoành tráng chứ ít đi vào những phút sâu lắng của những con người thầm lặng, như những người đi tìm mộ liệt sĩ, những thân phận phụ nữ sau chiến tranh…
Đây là mảng đề tài rất có đất cho văn học nghệ thuật phát triển. Bởi nó chạm đến cảm xúc, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Có thể nói phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã cho văn nghệ sĩ niềm hứng khởi mới, cảm xúc mới để bước vào chặng đường mới trong sự nghiệp sáng tạo của mình.
Việc sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật là sản phẩm của cá nhân, trên nền tảng tư duy, sự tích cóp và tài năng cá nhân của văn nghệ sĩ. Để có tác phẩm hay, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào lao động, tài năng, sự cởi mở trong tư duy, sự đào sâu trong suy nghĩ của chính các văn nghệ sĩ.
Nhưng bên cạnh đó văn nghệ sĩ cũng cần niềm hào hứng, một không khí thi đua, một cảm xúc lớn cộng hưởng từ tập thể mới có điều kiện ra đời những tác phẩm lớn. Thực tế cho thấy những tác phẩm để đời thường ra đời vào những thời kỳ mà có hào khí của dân tộc, truyền lửa cảm hứng từ nhân dân.
Vì vậy, theo tôi từ chủ trương khuyến khích sáng tác này của Thủ tướng nên được phát triển thành một phong trào rộng khắp, liên tục trong giới văn học nghệ thuật Việt Nam, trở thành phong trào thi đua để có thể sáng tác nhiều tác phẩm lớn.
Việc phát động phong trào này chính là vai trò của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành trung ương cùng các hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong cả nước.
Đi cùng với việc phát động phong trào sáng tác thì cần có đầu tư thích đáng và có chiến lược lâu dài từ phía nhà nước lẫn nguồn lực tư nhân, thì các tác phẩm mới này có điều kiện để lan tỏa, thu hút được sự chú ý của công chúng.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) khẳng định người tốt là xương sống của xã hội nhưng lâu nay vắng bóng trong văn học nghệ thuật, đến lúc cần dắt tay người tốt về lại văn học nghệ thuật - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà văn Nguyễn Bình Phương: viết về người tốt là chăm bón cho cánh đồng nhân tính tốt tươi
Viết về người tốt, đưa người tốt trở lại với văn học nghệ thuật là điều tôi suy nghĩ, trăn trở lâu nay. Đông Ki Sốt là nhân vật văn học "người tốt" nổi tiếng khắp thế giới qua nhiều năm tháng.
Nhưng bây giờ, trong văn học Việt Nam hiếm có Đông Ki Sốt, nghĩa là hiếm nhân vật người tốt thuần tuý. Như thể người tốt đã bị đẩy ra khỏi đời sống hiện thực. Nhưng không phải thế. Hàng ngày ta vẫn gặp nhiều người tốt. Càng lúc khó khăn, hoạn nạn càng hay gặp họ.
Đại dịch COVID-19 vừa qua là dịp cho xã hội thấy có quá nhiều người tốt trong xã hội mình, người tốt đầy rẫy khắp mọi nơi. Họ đã vực dậy tinh thần chống chọi kiên cường của chúng ta, họ cho chúng ta sức đề kháng để chống lại sự thoái chí, họ cho chúng ta sức mạnh và niềm tin...
Thời nào thì người tốt cũng đóng vai trò giữ hơi ấm cho tình đồng loại, và họ thường khiêm tốn, thầm lặng. Trên thực tế, cái thiện vẫn đang chiến thắng cái ác trong xã hội mình. Nhưng chẳng hiểu sao người tốt ngày một trở nên lẻ loi, xa vắng trong văn học nghệ thuật.
Cái gì đẩy người tốt ra khỏi các tác phẩm văn học nghệ thuật? Phải chăng văn học đang tập trung quá mức vào việc mổ xẻ cái xấu và kẻ ác, mà vô tình đẩy cái thiện và người tốt ra ngoài lề?
Trong cuộc sống đầy gai góc, lòng tốt là thuốc giảm đau cho mỗi chúng ta, nó giữ không làm cho chúng ta hoảng sợ ngất lịm đi trước cái xấu.
Thế nên lòng tốt, người tốt, những nhân vật lí tưởng rất cần trở lại trong văn học nghệ thuật để cổ vũ, nâng đỡ con người.
Văn học nghệ thuật phải ghi nhớ một vai trò quan trọng của mình: là chỗ nương tựa của lòng tốt. Văn học nếu không đứng cạnh người tốt, không sát cánh bên họ, e rằng đến một ngày nhân tính đổ sập xuống.
Đến lúc các nhà văn cần phải dắt tay đưa người tốt trở lại văn học nghệ thuật. Phải trả cho họ vị trí xứng đáng mà họ phải có trong văn học nghệ thuật, bởi họ chính là xương sống của xã hội.
Người ta nói nhiều đến lòng can đảm của nhà văn khi đưa ngòi bút sắc lẹm của mình vào những góc khuất của xã hội.
Nhưng lòng can đảm của nhà văn còn thể hiện trong tình thế khác. Có khi chỉ đơn giản là viết về cái tốt thuần tuý, để những ai sắp nản lòng trước nanh vuốt sắc nhọn của đời sống có thêm động lực mà đi tiếp.
Nhà văn viết về người tốt là chăm bón cho cánh đồng nhân tính tốt tươi. Người chăm lo cho lúa tốt đáng phục hơn người vì mải nhổ cỏ dại mà để lúa bị bỏ đói. Bởi mỗi người tốt là một tia sáng, nhiều người tốt hợp thành một dải sáng. Và loài người đi trong ánh sáng đó.
Bản thân tôi nghĩ vậy, nhưng viết thì cực khó. Bằng cách nào đó, rồi câu chữ vẫn cứ dẫn về phía những bất trắc. Viết về người tốt cần lòng can đảm chính là ở chỗ đó. Can đảm để đủ sức bền bỉ đi với niềm tin của mình, niềm tin vào người tốt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/van-nghe-si-phai-dat-tay-nguoi-tot-tro-lai-van-hoc-nghe-thuat-20250703150918989.htm
Bình luận (0)