Trong hơn ba thập kỷ qua, kể từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong đó, công tác dân số đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm ngày dân số Thế giới 11/7/2025 với chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi," do Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam long trọng tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng của công tác dân số như: Tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát, Việt Nam đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng," góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư.
Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 74,7 tuổi (năm 2024), cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, tư vấn tiền hôn nhân, tầm soát dị tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi... ngày càng được củng cố, nâng cao về chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho hay, theo đánh giá 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đó là, tổng tỷ suất sinh giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Kết quả điều tra biến động dân số 01/4/2024: Năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ giảm xuống 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 con/phụ nữ năm 2024, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam. Cùng với đó quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam.
Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Kết quả điều tra biến động dân số 01/4/2024: Tỷ số giới tính khi sinh năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái và năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mang thai và sinh con ở phụ nữ tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng; tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở khu vực Tây Nguyên và Trung du Miền núi phía bắc vẫn còn rất cao (21,9%).

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 vừa được thông qua. Trong đó, quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện. Tinh thần này phù hợp với thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi.
Pháp luật Việt Nam quy định: Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng. Quy định này là một trong những nội dung thể hiện rất rõ việc trao quyền tự quyết về sinh sản.
Mong nhận được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế
Bà Lan cũng cho hay Bộ Y tế đang tích cực tập trung xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 với mục tiêu bảo đảm an sinh, sức khỏe, bình đẳng cho mọi người dân với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Ban, Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, phân bổ ngân sách cho công tác dân số, nhất là trong bối cảnh thay đổi chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh; đồng thời hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Luật Dân số.

Tại Lễ mít-tinh, Bà Pauline Fatima Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong việc: đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng; hỗ trợ thúc đẩy các chính sách dân số toàn diện; mở rộng giáo dục giới tính toàn diện phù hợp với độ tuổi và dịch vụ thân thiện với thanh niên; tăng cường hệ thống dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho công tác lập kế hoạch và đầu tư.
Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam thông qua bài trình bày tóm tắt về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự quyết sinh sản về cho mọi người.
Trưởng Đại diện UNFPA nhấn mạnh: "Không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi quyền tự quyết về sinh sản. Khi đảm bảo quyền được lựa chọn của mỗi người, chúng ta đang trao quyền cho các gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và mở ra tiềm năng của thay đổi dân số”./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-da-dat-duoc-nhieu-ket-qua-quan-trong-trong-cong-tac-dan-so-post1049157.vnp
Bình luận (0)