Chiều 10-5, trong khuôn khổ hội nghị triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhấn mạnh vai trò của công nghệ viễn thám như một công cụ quan trọng trong quản lý tài nguyên, phát triển nông nghiệp hiện đại và bảo vệ môi trường trong thời kỳ chuyển đổi số.
PGS-TS Phạm Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, cho biết Việt Nam hiện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia với gần 100.000 ảnh vệ tinh, thu từ 16 nguồn khác nhau như VNREDSat-1, SPOT6, Worldview, Landsat… Các ảnh có độ phân giải từ 0,55m đến 30m, thời gian lặp từ 2,5 đến 5 ngày, phủ trùm toàn bộ lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Khối lượng dữ liệu này tăng trưởng đều đặn khoảng 20% mỗi năm, phục vụ đa ngành từ nông nghiệp, môi trường đến quốc phòng và an ninh.

Hiện nay, công nghệ viễn thám đã được ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như cảnh báo thiên tai, theo dõi biến động rừng, giám sát sụt lún, kiểm kê đất đai và quan trắc phát thải khí nhà kính. Điển hình, trong cơn bão Yagi (tháng 9-2024), hệ thống Sentinel Asia đã kịp thời cung cấp dữ liệu phục vụ công tác cứu hộ và chỉ đạo ứng phó khẩn cấp.
Tuy nhiên, ngành viễn thám vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xử lý ảnh viễn thám và trí tuệ nhân tạo; cơ sở dữ liệu chưa đạt chuẩn bảo mật cấp độ 3; việc khai thác còn phân tán, thiếu đồng bộ; chi phí đầu tư từ sản xuất vệ tinh đến xử lý dữ liệu vẫn ở mức cao.
Để khắc phục các hạn chế và khai thác hiệu quả tiềm năng, Cục Viễn thám quốc gia đã trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng hệ thống giám sát một số lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Theo đó, từ năm 2026, hệ thống giám sát sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật và điện toán đám mây. Mục tiêu là nâng cao năng lực ra quyết định, chỉ đạo điều hành một cách nhanh chóng, chính xác, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/viet-nam-day-manh-giam-sat-nong-nghiep-va-moi-truong-bang-vien-tham-tu-nam-2026-post794658.html
Bình luận (0)