Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình xem và nghe giới thiệu về các văn kiện đã ký kết giữa hai nước nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 4/2025. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng nhận thức chính trị sâu sắc và sự tin cậy chiến lược được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, dày công vun trồng trong hơn 75 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950).
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán ưu tiên hàng đầu, quyết tâm cùng Trung Quốc phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của toàn nhân loại”.
Trung Quốc coi Việt Nam là “phương hướng ưu tiên trong chính sách láng giềng”, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đề xuất "4 kiên trì" kim chỉ nam cho quan hệ với Việt Nam: (i) kiên trì làm bạn dựa trên tinh thần tin cậy, (ii) kiên trì gắn kết dựa trên lợi ích, (iii) kiên trì thắt chặt dựa trên tình hữu nghị, (iv) kiên trì ứng xử với nhau dựa trên sự chân thành.
Tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước sẽ đưa quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới.
Tạo nền tảng cho nhận thức xã hội
Nhận thức chính trị và sự tin cậy chiến lược Việt - Trung đã trở thành di sản quý báu của hai Đảng, hai nước, hai dân tộc và trở thành tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tầm nhìn này được phản ánh rõ và xuyên suốt qua các chuyến viếng thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 8/2024), chặng dừng chân đầu tiên tại cái nôi của cách mạng Việt Nam ở Quảng Đông cũng là thể hiện sự coi trọng đối với tình hữu nghị truyền thống trong quan hệ Việt-Trung.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có 4 lần thăm Việt Nam kể từ khi lên nắm quyền, trong đó hai lần trong cùng một nhiệm kỳ, cũng là điều chưa từng có tiền lệ trong quan hệ hai nước.
Phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt”, khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung được ký kết năm 2008, và gần đây là “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược" (2023) đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, cũng như quyết tâm của hai Đảng, hai chính phủ nhằm tạo ra một khuôn khổ vững chắc toàn diện cho quan hệ song phương.
Sức mạnh của nhận thức chính trị, sự tin cậy và tầm nhìn chiến lược Việt-Trung được bồi đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo cấp cao giúp tạo nền tảng vững chắc cho nhận thức xã hội hai nước. Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025 đã trở thành "chất xúc tác" quan trọng, chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ” tháng 3/2025 đã thể hiện rõ sự lan tỏa của nhận thức chính trị từ cấp cao xuống cơ sở, tạo nên "sứ giả văn hóa trẻ" kế thừa truyền thống hữu nghị và đóng vai trò nòng cốt trong quan hệ tương lai.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Lý luận lần thứ 19 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Hoàn thiện thể chế phát triển: Kinh nghiệm Việt Nam, Kinh nghiệm Trung Quốc” ngày 6/12/2024. |
Tạo đà cho phát triển thực chất
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc có thể giúp tạo đà cho sự phát triển đột phá trong các lĩnh vực có tính chiến lược, mở, cân bằng, bao trùm và bền vững, phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi nước trong giai đoạn mới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung cam kết xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược" trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc tháng 12/2023. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 4/2025, hai bên đã ký kết 45 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực từ kết nối hạ tầng, thương mại nông sản, quốc phòng, khoa học công nghệ đến giáo dục và hợp tác địa phương.
Sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đã tạo nên “không khí hợp tác sôi động, thiết thực”, làm cơ sở vững chắc cho hai bên cùng giải quyết những vấn đề tồn tại.
Về thương mại, hai bên cam kết giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại (Việt Nam nhập siêu 60 tỷ USD) thông qua việc mở rộng xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như hàng nông sản, thủy sản Việt Nam, thúc đẩy hợp tác công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.
Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung ứng ở khu vực. Việt Nam ưu tiên nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, hoan nghênh Trung Quốc với kinh nghiệm hiện đại hóa và nguồn lực tài chính mạnh cam kết đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các cam kết triển khai hợp tác kết nối đường sắt liên vận và kết nối hạ tầng, bao gồm kết nối "Hai hành lang, Một vành đai" của Việt Nam với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc sẽ tạo ra động lực mới cho sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng của hai nước. Việc xây dựng cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu biên giới, bao gồm cửa khẩu Hữu Nghị và Móng Cái-Đông Hưng, sẽ tạo thuận lợi cho giao thương và du lịch. Dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn được coi là biểu tượng của hợp tác song phương trong thời đại mới. Hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về 3 tuyến đường sắt: Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.
Chuyển giao công nghệ và hợp tác ngành trong lĩnh vực mới, kinh tế số, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo được xác định là "điểm sáng mới", là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng lớn giữa hai nước Việt - Trung. Triển vọng hợp tác với Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu phát triển R&D với hơn 400 tỷ USD mỗi năm có thể giúp Việt Nam đạt các mục tiêu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh theo Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hơn 6 tỷ USD vào các dự án năng lượng mặt trời của Việt Nam. Đại sứ Hà Vĩ hy vọng Việt Nam và Trung Quốc sẽ có thể kết hợp những cơ hội khi Trung Quốc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới và Việt Nam phát triển lực lượng sản xuất mới, tạo điểm sáng mới trong hợp tác về AI, bán dẫn và hạt nhân sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ” tháng 3/2025 tạo nên "sứ giả văn hóa trẻ" kế thừa truyền thống hữu nghị và đóng vai trò nòng cốt trong quan hệ tương lai. (Ảnh: Thành Long) |
Tạo cơ hội cho ổn định hợp tác
Tầm nhìn chiến lược dài hạn, nhận thức và cam kết chính trị mạnh mẽ, tin cậy chiến lược có thể coi là "cái gốc" cho quan hệ hợp tác bền vững cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc mà hai bên cần tiếp tục nỗ lực vun đắp, tạo ra những động lực quan trọng thúc đẩy triển vọng hợp tác Việt-Trung lên tầm cao mới, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, tăng cường hợp tác theo định hướng "6 hơn", đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực và điểm sáng mới.
Quan hệ Việt-Trung trong giai đoạn mới cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Cần phải có lòng tin, sự tôn trọng và nhận thức về lợi ích chung để xây dựng được nền tảng vững chắc, giúp thu hẹp khác biệt và củng cố quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những tiến triển toàn diện, tích cực trong quan hệ song phương đã bước đầu phát huy được vai trò và tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát, xử lý bất đồng, tạo cơ hội thuận lợi để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, mở đường cho những giải pháp lâu dài.
Nỗ lực không ngừng với tinh thần “biến nguy thành cơ” của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân hai nước dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai Chính phủ chính là những động lực quan trọng giúp phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và ngày càng gắn bó chặt chẽ và đi vào chiều sâu thực chất giữa hai nước Việt-Trung.
*Bài viết chính thức của TS. Đinh Thị Hiền Lương tại ấn phẩm đặc san 75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc (trang số 21).
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-quoc-tam-nhin-chien-luoc-va-trien-vong-hop-tac-trong-giai-doan-moi-319674.html
Bình luận (0)