Hướng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối từ trung tâm đi đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise - Ảnh: Tập đoàn Vingroup
UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận việc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt đô thị kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, Tập đoàn Vingroup chịu trách nhiệm tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách TP. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận, nhà đầu tư chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.
Thành phố yêu cầu Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đảm bảo yêu cầu, chất lượng, nội dung, thành phần theo đúng quy định. Đồng thời hoàn thành hồ sơ đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền trong vòng 12 tháng kể từ ngày ban hành công văn này.
Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, hoặc quá thời hạn 12 tháng mà chưa hoàn thành thì công văn này hết hiệu lực thực hiện. Tập đoàn Vingroup tự chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.
Theo UBND TP, việc chấp thuận nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất không ràng buộc điều kiện chỉ định Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Sau khi hoàn thành thủ tục về chủ trương đầu tư, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
UBND TP giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở chuyên môn, các đơn vị và địa phương liên quan, kết hợp tham khảo, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt để hướng dẫn Tập đoàn Vingroup trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án.
Sở Tài chính tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án sau khi nhà đầu tư hoàn thành; tham mưu, đề xuất UBND TP về trình tự, thủ tục tổ chức thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư theo đúng quy định; đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của dự án.
Trường hợp dự án được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai theo đúng quy định.
Tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm đi Cần Giờ có chiều dài khoảng 48,7km. Dự án bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man, quận 7) - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác và điểm cuối nằm tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Đề xuất bổ sung tuyến đường sắt đi Cần Giờ áp dụng nghị quyết 188
Trong báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ngày 21-4, UBND TP.HCM cho hay trong danh mục dự án kèm theo nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội không bao gồm tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm nối huyện Cần Giờ.
Do đó UBND TP kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương bổ sung tuyến đường sắt đô thị này vào danh mục dự án kèm theo nghị quyết 188 để đẩy nhanh tiến trình đầu tư.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vingroup-chinh-thuc-duoc-tp-hcm-giao-lap-de-xuat-du-an-duong-sat-di-can-gio-20250506114124445.htm
Bình luận (0)