Dòng chảy đầu tư toàn cầu, bao gồm cả vào Việt Nam, được dự báo sẽ trở nên rõ nét hơn sau ngày 1/8/2025 là thời điểm chính sách thuế quan của Mỹ chính thức được ban hành.
Chờ chốt thuế, dòng vốn FDI “nín thở”
Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick phát biểu trên CBS News ngày 20/7, đây là “thời hạn cứng”, không gia hạn.
Khi thời điểm đó đến gần, câu hỏi được đặt ra là liệu chính sách thuế quan mới của Mỹ có làm chững lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam?
Phát biểu tại sự kiện “Kết nối công nghiệp Việt Nam” do Công ty IPA Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IPA Việt Nam dẫn chứng con số gần 9,3 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, như một biểu hiện rõ nét của sự chững lại.
“Dòng vốn chủ yếu đang đổ vào việc mở rộng các dự án hiện có. Dù số lượng dự án mới khá nhiều nhưng quy mô đầu tư nhỏ, cho thấy nhà đầu tư lớn vẫn chưa thực sự nhập cuộc. Chúng ta đang thiếu đại bàng, trong khi chỉ thấy chim sẻ, chim ri bay vào trước”, ông Nam nhận định.
Ông cho rằng, nhiều nhà đầu tư còn e dè vì các chính sách thuế của Mỹ chưa rõ ràng, trong khi xu hướng dịch chuyển đầu tư theo mô hình “Trung Quốc +1” cũng đang tiềm ẩn nhiều biến động. “Với đặc điểm là đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi cho đến khi bức tranh chính sách trở nên minh bạch hơn”, ông nói.
Chung quan điểm, ông Bok Dug Gyou, Trưởng ban Korea Desk tại Cục Xúc tiến thương mại, kiêm Phó giám đốc KOTRA Hà Nội cũng chỉ ra xu hướng chững lại của dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian gần đây. Theo ông, nguyên nhân một phần đến từ chính sách thuế quan của Mỹ.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện vẫn đang theo dõi sát các cuộc thảo luận về thuế giữa các bên và chờ đến đầu tháng 8 là thời điểm được cho là sẽ có kết luận rõ ràng. Không chỉ Hàn Quốc, tất cả các quốc gia đều đang chờ điều này”, ông nói.
Trong báo cáo tình hình thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2025, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) dù nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, nhưng cũng thừa nhận “một số yếu tố rủi ro địa chính trị và chính sách vẫn còn hiện hữu”.
Cục cũng cảnh báo rằng, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng các chính sách thuế đối ứng của Mỹ vẫn có thể tạo ra tâm lý thận trọng trong giới đầu tư quốc tế. Đây là một trong những yếu tố có thể khiến việc giải ngân FDI chậm lại, nhất là với các dự án quy mô lớn và có tầm nhìn dài hạn.
Vượt thách thức để bứt phá
Dù chính sách thuế quan mới của Mỹ đang tạo ra không ít sức ép cho nền kinh tế toàn cầu, ông Nguyễn Đình Nam vẫn giữ quan điểm lạc quan. Ông cho rằng, trong khi nhiều quốc gia phải đối mặt với khó khăn, Việt Nam nếu tận dụng tốt các kênh đối thoại và đàm phán hiệu quả với Mỹ hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội, nhất là trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
“Trong 6 tháng tới, tốc độ giải ngân FDI có thể chưa thực sự bứt phá, nhưng sang năm 2026, triển vọng sẽ tích cực hơn nhiều. Chính phủ đang rất nỗ lực xúc tiến đầu tư và khi bộ máy hành chính mới ổn định, hiệu quả thu hút vốn sẽ được cải thiện rõ rệt,” ông Nam nhận định. Ông cũng nhấn mạnh đến tín hiệu lạc quan khi cả Việt Nam và Mỹ đều đang chủ động thúc đẩy xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Một báo cáo từ VinaCapital đầu tháng 7/2025 cũng củng cố quan điểm này. Theo đó, nếu mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam không chênh quá 10% so với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn đủ sức duy trì lợi thế trong cuộc đua hút vốn FDI.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn khi quá trình sắp xếp đơn vị hành chính hoàn tất và phát huy hiệu quả. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là “đòn bẩy niềm tin” đối với nhà đầu tư. Đây sẽ là chất xúc tác thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ và tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, ông Bok Dug Gyou, đại diện phía Hàn Quốc khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh, có chính sách thu hút nhà đầu tư vừa và nhỏ, đồng thời phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, đi đôi với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật tay nghề cao.
“Muốn thu hút được chuỗi giá trị toàn cầu, cần vẽ ra bản đồ chuỗi cung ứng một cách cụ thể để nhận diện điểm yếu và lấp đầy các khoảng trống,” ông Bok Dug Gyou nhấn mạnh. Ông cũng cho biết nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhân lực kỹ thuật chất lượng và chuỗi cung ứng nội địa tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Nam, việc minh bạch hóa tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và xây dựng chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hỗ trợ là những bước đi chiến lược, không chỉ giúp nâng cao tính tự chủ cho nền sản xuất trong nước, mà còn là “lá chắn” để Việt Nam giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế quan bất ổn của Mỹ trong tương lai.
Nguồn: https://baolamdong.vn/von-ngoai-cho-thao-nut-that-thue-quan-de-giai-ngan-manh-me-383421.html
Bình luận (0)