Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Vựa vàng' nơi 'rốn phèn' - Câu chuyện của Đồng Tháp Mười: 'An cư' từ vùng đất chết (Bài 2)

Nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) xưa kia, những người lớn tuổi trong vùng nhớ đến hình ảnh vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. Những hình ảnh chân thật nhất của vùng ĐTM xưa được khắc họa qua bộ phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Ngày đó, không ai dám nghĩ vùng ĐTM của tỉnh lại có thể trở thành vựa lúa lớn. Vậy mà bây giờ, không chỉ có sản lượng lúa cao nhất tỉnh Long An, vùng đất chua phèn ngày nào đã “trở mình” là nơi bén rễ của cây ăn trái, góp phần mang lại thu nhập cao cho người dân, chất lượng cuộc sống không ngừng nâng lên.

Báo Long AnBáo Long An22/05/2025


Bài 2: “An cư” từ vùng đất chết

Trong những ngày đầu đặt chân đến “vùng đất chết” ĐTM, có lẽ ít ai dám hình dung về một cuộc gắn bó sâu nặng đến vậy! Thế nhưng, gần 4 thập kỷ trôi qua, những người đi mở đất năm xưa đã thực sự xem nơi này là quê hương thứ hai. Sự “an cư, lạc nghiệp” ấy thấm đượm nghĩa tình, là kết quả của những chính sách nhân văn, sự hỗ trợ thiết thực từ Đảng và nhà nước, từ đó, bao gia đình đã có được cuộc sống mới, ấm no, sung túc.

Từ những cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Năm 1996 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Trung ương chọn Gò Châu Mai (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) làm nơi thí điểm xây dựng cụm dân cư vượt lũ (CDCVL) với kỳ vọng nhân rộng mô hình này cho toàn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để hiện thực hóa chủ trương này, bộ đội đã không quản khó khăn, giúp dân tôn tạo 1.224 lô nền, đặt nền móng cho sự ra đời của CDCVL Gò Châu Mai - CDCVL đầu tiên trên vùng đất ĐTM. Đến năm 2000, trận lũ lớn nhấn chìm cả vùng ĐTM trong biển nước. Thế nhưng, CDCVL Gò Châu Mai vẫn “hiên ngang” giữa dòng lũ, trở thành nơi trú ngụ cho biết bao người dân phải chạy lũ.

Một góc chốt dân cư liền kề chốt dân quân biên giới

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Nguyễn Công Hiệp cho biết: “Năm 1991, xã Khánh Hưng được thành lập trên cơ sở được tách ra từ xã Hưng Điền A. Dân cư của xã chủ yếu là người dân từ các huyện phía Nam tỉnh Long An và tỉnh Hải Hưng đi xây dựng kinh tế mới, ban đầu là 2.090 nhân khẩu.

Toàn xã nằm trong “chảo phèn” ĐTM, mỗi năm 6 tháng “đồng khô cỏ cháy”, 6 tháng nước ngập trắng đồng. Những người dân đi kinh tế mới lúc đó đều nghèo, họ dựng lều, chòi ở tạm tại phần diện tích đất được cấp. Điều này khiến cuộc sống người dân càng khó khăn, vất vả hơn mỗi khi mùa nước về. Đến khi CDCVL Gò Châu Mai hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân bắt đầu “an cư””.

Từ hiệu quả của CDCVL Gò Châu Mai, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng các cụm, tuyến dân cư (CTDC) ở vùng ĐTM. Đến nay, có 165 CTDC, trong đó có hơn 100 cụm, hơn 60 tuyến, với 34.600 lô nền, kinh phí xây dựng hơn 988 tỉ đồng.

Với chị Nguyễn Thị Hồng Nga, được sống trên TDC Tân Lập, huyện Tân Thạnh là điều may mắn. “Chuyển lên TDC rồi, nhà cửa cao ráo, không còn lo nước ngập nữa. Có được chỗ ở ổn định mình mới yên tâm làm ăn, lo cho các con” - chị Nga chia sẻ.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Vĩnh Hưng chọn Chương trình Bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn huyện là chương trình đột phá. Theo đó, huyện Vĩnh Hưng quy hoạch, mở rộng 4 CTDC. Tại đây, những hộ sống cặp sông, chưa được cấp đất lần nào sẽ được tạo điều kiện mua nền trả chậm. Riêng đối với hộ nghèo, cận nghèo còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương.

Ông Nguyễn Công Lực (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) bộc bạch: “Ở trên đất công và sống cặp sông, gia đình tôi luôn thấp thỏm, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện mua nền trả chậm, gia đình tôi đã thật sự sở hữu nhà, đất của riêng mình”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nga (tuyến dân cư Tân Lập, huyện Tân Thạnh) có cuộc sống ổn định nhờ Chương trình Cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Chương trình CTDC vượt lũ là chủ trương đúng đắn, không chỉ góp phần phát triển KT-XH mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp hàng ngàn người dân vùng lũ ĐTM khi đó có chỗ “an cư”.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, Chương trình CTDC vượt lũ còn nhiều tồn tại. Cụ thể, hạ tầng thiết yếu trong các cụm, tuyến chỉ đạt 136/165, đạt 82%; còn 29 cụm, tuyến đã có hạ tầng nhưng hiện xuống cấp, chưa bảo đảm hạ tầng thiết yếu.

Ngoài ra, tại một số CTDC, vì nhiều lý do như không thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất nên tỷ lệ người dân vào ở thấp, không ít trường hợp bỏ hoang, cũng có những trường hợp chủ nhà đóng cửa quanh năm và đi tìm việc làm ở nơi khác. Song song đó, một số CTDC không nằm ở vị trí thuận lợi trên các trục đường chính, không phát triển thương mại, dịch vụ nên không thu hút cư dân. Chính vì vậy, đến nay, người dân vào ở chỉ đạt hơn 59%.

Nhìn chung, CTDC vượt lũ phần nào giúp nhiều gia đình “an cư” để có thể “bám đất”, dựng xây hạnh phúc trên chính quê hương thứ hai, viết tiếp những trang đời bình yên giữa vùng đất từng oằn mình trong con nước.

An dân giữ đất biên cương

Giữa những cánh đồng trải dài ở biên giới, những mái nhà kiên cố được dựng nên không chỉ là mái ấm bình dị của những người dân mà còn là những “pháo đài sống” âm thầm góp phần bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ năm 2019, Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới do Quân khu 7 triển khai đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, tình người và ý chí giữ đất nơi tuyến đầu Long An.

Dọc theo gần 135km đường biên giới Long An - Campuchia, khoảng 350 hộ dân đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, gắn bó lâu dài với các điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng và chốt dân quân biên giới.

Đại tá Nguyễn Minh Tấn - Phụ trách Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, khẳng định: “Việc xây dựng điểm dân cư liền kề các chốt dân quân không chỉ tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống mà còn góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Sự hiện diện của mỗi người dân nơi đây chính là một “chiến sĩ” âm thầm giữ đất, giữ quê hương”.

Câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Tao (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) là một minh chứng. Nhờ sự hỗ trợ từ Đề án và sự đồng hành của chính quyền, từ cảnh sống tạm bợ, anh Tao đã có thể “an cư, lạc nghiệp”, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất biên cương.

Anh xúc động: “Có căn nhà mới, tôi đã có thể tự tay trồng rau, nuôi gà, ổn định cuộc sống, không còn chịu cảnh sốm tạm bợ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng giờ tôi đã có niềm tin để gắn bó và xây dựng tương lai lâu dài nơi đây”.

Không riêng gia đình anh Tao, hơn 20 hộ dân khác tại xã Thái Bình Trung đang gắn bó biên cương - cùng ăn, cùng ở, cùng sẻ chia gian khó với những người lính. Họ không chỉ là người dân mà còn là đồng đội, là hậu phương vững chắc. Mỗi mái nhà là một vọng gác, mỗi ánh mắt là một niềm tin và mỗi trái tim là một lời thề sắt son giữ gìn biên giới.

Chị Nguyễn Thị Sang, người dân nơi đây, tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống gần biên giới nhưng ở đây, tôi cảm nhận được sự quan tâm chân thành. Mấy chú bộ đội thân thiện, cán bộ địa phương nhiệt tình giúp đỡ. Chúng tôi tự hào khi được góp một phần nhỏ bé vào việc giữ gìn tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hành trình kiến tạo cuộc sống mới trên vùng đất ĐTM và nơi biên cương Long An là minh chứng cho sức mạnh của lòng dân, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Những mái nhà ấm áp, những nụ cười rạng rỡ đã viết nên một cái kết đầy cảm xúc cho bản hùng ca về sự hồi sinh và tinh thần đoàn kết. Nơi đây, đất nở hoa, người thêm gắn bó và tình yêu quê hương, đất nước càng thêm sâu đậm, bền chặt./.

'Vựa vàng' nơi 'rốn phèn' - câu chuyện của Đồng Tháp Mười: Từ cánh đồng hoang (Bài 1)

'Vựa vàng' nơi 'rốn phèn' - câu chuyện của Đồng Tháp Mười: Từ cánh đồng hoang (Bài 1) 

Nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười xưa kia, những người lớn tuổi trong vùng nhớ đến hình ảnh vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”.

(còn tiếp)

Lê Ngọc - Huỳnh Phong

Bài 3: Tỉ phú nông dân

Nguồn: https://baolongan.vn/vua-vang-noi-ron-phen-cau-chuyen-cua-dong-thap-muoi-an-cu-tu-vung-dat-chet-bai-2--a195710.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm