Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xã Đoàn Kết phát triển từ mô hình sinh kế bền vững

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến xã Đoàn Kết (Đà Bắc), bầu không khí trong lành giữa những vạt rừng đại ngàn như xua đi phần nào cái khắc nghiệt của vùng đất quanh năm gian khó. Ở xóm Lọng - một trong những xóm khó khăn nhất xã, chị Lò Thị Tằm tất bật chăm sóc con trâu cái vừa sinh sản lứa thứ hai. Trên gương mặt sạm nắng là nụ cười rạng rỡ của người phụ nữ vừa cùng gia đình bước qua ngưỡng "hộ nghèo”...

Báo Hòa BìnhBáo Hòa Bình29/06/2025

Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo nông thôn - miền núi của xã Đoàn Kết có nhiều đổi thay tích cực.

Nơi khó khăn đang chuyển mình mạnh mẽ

Chị Lò Thị Tằm nhớ lại: Trước kia, nhà tôi không có đất, không có vốn, không có cả sức lao động vì bố mẹ già yếu, lại thêm mấy đứa con nhỏ. Cả gia đình chỉ biết sống nhờ vào lâm sản phụ và ít ruộng cấy lúa. Nhưng mấy năm liền thiên tai, ruộng bị đất đá vùi lấp, cuộc sống túng thiếu càng thêm bấp bênh...

Thế rồi, năm 2023, gia đình chị Tằm được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Chỉ sau 1 năm, con trâu đã sinh sản được 2 lứa. Nhờ chăm sóc tốt, gia đình chị có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế và thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành hộ cận nghèo của xã.

Cũng từ chương trình này, đầu năm 2024, anh Xa Văn Đức ở xóm Cang và chị Hà Thị Quyết ở xóm Lăm được hỗ trợ mỗi hộ 3 con dê sinh sản. Đến nay, đàn dê của các gia đình phát triển lên 8 - 9 con. Không chỉ cải thiện thu nhập, việc chăn nuôi còn mở ra hướng đi bền vững cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã.

Chị Hà Thị Quyết chia sẻ: Trước kia gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong xã chỉ trông chờ vào rừng, khai thác lâm sản phụ từ rừng để duy trì cuộc sống. Giờ có dê, có trâu rồi thì lại muốn học thêm cách chăm sóc, nhân giống để nâng cao đời sống, từng bước, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Theo đồng chí Lường Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã, Đoàn Kết là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện. Xã nằm cách trung tâm huyện khoảng 50 km, địa hình chia cắt bởi núi cao, đồi dốc. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 4.120 ha, trong đó, đất nông nghiệp chỉ chiếm 13,26%, còn lại phần lớn là đất rừng phòng hộ, độ dốc lớn, khó canh tác. Toàn xã có 728 hộ với 3.256 nhân khẩu, sinh sống tại 6 xóm, gồm: Khem, Cang, Lăm, Lọng, Kẹn, Thầm Luông. Dân tộc Tày chiếm 78%, còn lại là người Dao (18,9%), Kinh (2,1%) và Mường (1%). Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Do vậy, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới hơn 70%. Trong đó có 347 hộ nghèo, 248 hộ cận nghèo.

Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia

Xuất phát từ điều kiện khó khăn đó, nhiều năm qua, chính quyền xã Đoàn Kết tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. UBND xã chủ động rà soát nhu cầu từng xóm, từng hộ, nhất là các khu vực đặc biệt khó khăn để lựa chọn các mô hình, hình thức đầu tư phù hợp. "Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến mô hình sinh kế hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, bởi đó là con đường ngắn nhất giúp người dân có thể tự vươn lên thoát nghèo bền vững” - đồng chí Lường Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết.

Từ nguồn vốn được phân bổ, năm 2023, xã đã hỗ trợ 33 con trâu sinh sản cho 33 hộ dân, cấp 200 con dê sinh sản cho 100 hộ. Sau hơn 1 năm, phần lớn các hộ được hỗ trợ đã vươn lên, trong đó nhiều hộ đã thoát nghèo. Tiếp nối kết quả đó, năm 2024, xã đề xuất và được cấp kinh phí để hỗ trợ thêm 54 con bò sinh sản cho 54 hộ dân và 220 con dê cho 74 hộ khác. Ngoài hỗ trợ vật nuôi, các hộ được hưởng lợi từ chương trình, dự án còn được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh và nhân giống. Một trong những chuyển biến rõ rệt nhất là tư duy phát triển kinh tế của người dân đã thay đổi. Từ chỗ chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã muốn vươn lên bằng chính sức của mình. Nhiều người còn tự vay vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Không chỉ hỗ trợ vật nuôi, Chương trình còn đầu tư hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như cứng hóa tuyến đường khu sản xuất Bưa Pẹt ở xóm Khem, đường trục chính ở xóm Lọng, đường nội thôn xóm Cang... Bên cạnh đó, 218 hộ nghèo, cận nghèo ở cả 6 xóm của xã cũng được hỗ trợ téc nước sinh hoạt, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường, đảm bảo đời sống tối thiểu. Đặc biệt, dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu” cũng được triển khai, hứa hẹn mở thêm hướng đi mới cho người dân ở Đoàn Kết với trọng tâm gắn kết sinh kế người dân với sản xuất hàng hóa.

Nhìn lại hành trình đã qua, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 2/3, đến nay Đoàn Kết đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ các mô hình sinh kế hiệu quả. Những đàn trâu, đàn dê lớn lên mỗi ngày như minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực "không để ai bị bỏ lại phía sau” của cấp ủy, chính quyền địa phương và ý thức, nỗ lực tự vươn lên từ trong gian khó của mỗi người dân.  


M.H

Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/12/202502/Xa-Doan-Ket-phat-trientu-mo-hinh-sinh-ke-ben-vung.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm