Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xã hội hóa đầu tư, khai thác di sản Mỹ Sơn: Bao giờ thành hiện thực?

Đề án xã hội hóa công tác, khai thác khu đền tháp Mỹ Sơn đã được Chính phủ đưa vào Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa biết bao giờ hiện thực!

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam14/05/2025

1(1).jpg
Du khách tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Có sức hút nhưng chưa đủ sức giữ chân du khách

Người xe máy, kẻ bước xuống từ những chiếc xe du lịch đỗ đầy trên khoảng đất rộng trước quầy bán vé có đủ các gian phòng chờ.

Hướng dẫn viên du lịch An Phú - Nguyễn Quốc Dũng đưa khách đến Mỹ Sơn ngày 7/5/2025 nói, di sản vẫn hấp dẫn du khách nước ngoài.

Không kể nắng, mưa, đều có khách từ các nơi chọn Mỹ Sơn làm điểm đến trong lịch trình đến Quảng Nam. Các nhân viên soát vé của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết mỗi ngày có cả nghìn khách tham quan.

Mỹ Sơn nay có khá nhiều điểm mới. Nâng cấp đường vào di sản, cải tạo không gian du lịch bên ngoài khe Thẻ gắn kết nối liên hoàn hạ tầng, cảnh quan như nhà chờ khách, khu trung chuyển, bãi xe.

Mở kiốt cho thuê, chợ ẩm thực, mở dịch vụ bán hàng đa dạng sản phẩm địa phương vùng miền di sản, hàng lưu niệm đặc trưng mang hình ảnh văn hóa Chăm, các sản phẩm OCOP địa phương, thuyết minh đa ngôn ngữ, tham quan thực tế ảo Mỹ Sơn trên nền tảng 360, tăng tần suất biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm...

4.jpg
Lượng khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn ngày càng gia tăng. Ảnh TRỊNH DŨNG

Số lượng khách du lịch theo thống kê tăng nhiều từng năm. Năm 2022 khoảng 110.366 lượt khách (khách ngoại quốc 66.879 lượt); năm 2023 khoảng 378.778 lượt (khách ngoại quốc 334.416 lượt); năm 2024 đã tăng lên 457.378 lượt (khách ngoại quốc 416.908 lượt). Chỉ trong quý I/2025, tổng lượt khách đến Mỹ Sơn đã đạt 149.712 lượt (khách ngoại quốc 139.677 lượt).

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân gia tăng mỗi năm là con số ấn tượng, cho thấy sức hút của di sản. Theo tính toán, chỉ cần 10% lượng khách đến nghỉ lại Mỹ Sơn hoặc những người sống ven di sản có thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương... chắc sẽ có đời sống khá hơn.

Ban quản lý khu di sản này đã mở thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ..., nhưng không khách ở lại, nên nhiều năm qua Mỹ Sơn vẫn không có gì lạ. Ngay cả “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” diễn ra hàng tháng vào đêm 16 âm lịch từ tháng 5/2022 đã phải bị buộc dừng vì không đủ chi phí để duy trì.

Giá trị cốt lõi kinh tế của khu di sản này vẫn là chuyện bán vé, thu tiền. Nhiều dự án đầu tư cũ cả nghìn tỷ đồng ở ngoại vi tháp cổ đã cạn kiệt sức sống. Các dự án mới chỉ nằm trong dự định. Chuyện bảo tồn di sản trước thời gian hoang phế phải nhờ vào sự tài trợ và hỗ trợ của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế.

Xã hội hóa đầu tư: Vẫn còn dài lâu?

Đề xuất không xin tiền, chỉ xin cơ chế, chính sách để phát huy và bảo tồn di sản của Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho xã hội hóa đầu tư (Kết luận số 135 ngày 6/5/2022).

3(1).jpg
Hạ tầng phục vụ du lịch di sản đã được đầu tư Ảnh TRỊNH DŨNG

Công việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp cho xã hội hóa đầu tư di sản đã được tiến hành. Chuyến học tập kinh nghiệm các mô hình xã hội hóa quản lý di sản Angkor Wat (Campuchia) đã xác lập.

UBND huyện Duy Xuyên hợp đồng với đơn vị tư vấn, nghiên cứu, đề xuất cơ chế xã hội hóa quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn (vùng lõi và vùng đệm).

Chính quyền Quảng Nam xác nhận giá trị di sản Mỹ Sơn vẫn chưa khai thác đúng tầm. Chủ trương phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ là cơ hội, có lộ trình cụ thể, sẽ nâng tầm quản lý, bảo tồn di sản Mỹ Sơn là chuyện hiện hữu, không phải tương lai quá xa.

Tuy nhiên, không chỉ chính quyền địa phương mà ngay cả Trung ương cũng loay hoay, khó xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư Mỹ Sơn vì liên quan đến nhiều cơ chế và tầm nhìn lâu dài, rất khó để thực hiện.

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói, những quy định trước đây (còn hiệu lực) cản trở địa phương không thể lên kế hoạch phát triển. Nếu không gỡ được khó khăn của các quy định cũ thì dù có xây dựng đề án cũng không thể làm được gì.

Khó khăn đầu tiên tính đến là quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2022 đã hết hiệu lực. Quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiện đang được Viện Bảo tổn, tu bổ di tích (thuộc Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL) lập.

2(2).jpg
Các hàng quán trong khu di sản Mỹ Sơn vẫn thiếu khách Ảnh TRỊNH DŨNG

Quảng Nam chưa đủ cơ sở để triển khai thực hiện việc xây dựng đề án xã hội hóa vì chưa xác định được vùng đệm, vùng lõi, vùng được bảo vệ nghiêm ngặt, vùng được khai thác, phát huy, các di tích cần được ưu tiên trùng tu, bảo quản để làm căn cứ xây dựng phương án xã hội hóa phù hợp. Dự kiến quý II/2025 mới hoàn thành đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 2/4/2025, UBND tỉnh công bố đã hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, theo góp ý hồi ngày 13/3/2025 của Bộ VH-TT &DL.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: UBND tỉnh đang rà soát, trình Bộ VH-TT&DL. Bộ sẽ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Khu đền tháp Mỹ Sơn giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Có quyết định này thì địa phương mới có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, tính đến chuyện hoàn chỉnh đề án xã hội hóa đầu tư di sản, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó có nhiều nội dung cụ thể, như: Xác định rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; phân định quyền sở hữu các khu tháp thuộc về nhà nước; quyền, mức độ tư nhân được quản lý, khai thác di tích; công tác giám sát của cơ quan nhà nước; tỷ lệ phân chia nguồn thu để phục vụ quản lý, khai thác và trùng tu, tôn tạo di tích...

Kế hoạch tháng 8/2022 sẽ phải hoàn thành đề án để gửi các bộ, ngành Trung ương góp ý trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2022 đã không thể thực hiện được.

Đề án này đã được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2024, nhưng cho đến giờ vẫn mới dừng ở chuyện thẩm định và phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch. Sự chậm trễ này, không biết đến bao giờ khát vọng xã hội hóa đầu tư di sản Mỹ Sơn thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để quản lý, khai thác, bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di tích mới trở thành hiện thực!

Nguồn: https://baoquangnam.vn/xa-hoi-hoa-dau-tu-khai-thac-di-san-my-son-bao-gio-thanh-hien-thuc-3154692.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm