Một xe máy gắn ô lưu thông trên đường Bắc Sơn, phường Phan Đình Phùng. |
Có thể dễ dàng bắt gặp vào mỗi buổi trưa hoặc chiều muộn, tại các tuyến phố tại khu vực trung tâm hành chính của tỉnh, như: Lương Ngọc Quyến, Bắc Sơn, Hoàng Văn Thụ, Cách mạng Tháng Tám và nhiều tuyến phố khác… những chiếc xe máy gắn ô len lỏi, lướt đi trong dòng phương tiện đông đúc.
Chủ phương tiện chủ yếu là người giao hàng công nghệ (shipper), người bán hàng rong, hoặc lao động tự do chở thuê. Với họ, chiếc ô là vật dụng “sống còn” trong điều kiện nắng, mưa thất thường. Nhưng điều đó lại vô tình biến phương tiện cá nhân thành mối đe dọa cho người tham gia giao thông.
Anh Lường Văn Hiệp (sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên), người thường xuyên lưu thông qua tuyến đường Lương Ngọc Quyến cho biết: Nhiều người giao hàng công nghệ chọn gắn ô để che nắng, che mưa, nhưng thực sự rất nguy hiểm. Có lần xe đi trước bị gió quật làm lệch cả hướng khiến tôi đi sau suýt tông phải… Sự tiện lợi của một cá nhân, song không ít trường hợp lại trở thành mối nguy với những người xung quanh.
Khi được hỏi về cảm nhận, nhiều người tỏ ra bất an trước hình ảnh những chiếc ô “lửng lơ” giữa dòng phương tiện, chị Nguyễn Thị Hiền, đang theo học tại Thái Nguyên thẳng thắn: Chạy xe kiếm sống nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho chính mình và những người cùng tham gia giao thông, gắn ô như vậy chẳng khác nào mang nguy hiểm ra đường. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng làm chặt, xử lý nghiêm, dứt điểm những trường hợp này…
Thực tế, những chiếc ô không nằm trong thiết kế kỹ thuật của xe máy, bởi vậy khi gắn ô vào xe dẫn đến tình trạng mất cân bằng, khuất tầm nhìn, đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện gió mạnh, hoặc đường đông. Hành vi gắn thêm ô là vi phạm quy định pháp luật, song hiện vẫn chưa được kiểm tra, xử lý thường xuyên.
Ông Nguyễn Trọng Hải, tổ dân phố 11, phường Phan Đình Phùng, nhận định: Việc gắn ô lên xe máy là vi phạm và cần được chấn chỉnh. Nếu cứ dễ dãi mãi, người vi phạm lại nghĩ đó là điều bình thường.
Việc gắn ô xuất phát từ nhu cầu mưu sinh là điều có thể chia sẻ. Nhưng hành vi ấy lại gây nguy hiểm cho cộng đồng thì cần phải xem xét dưới góc nhìn văn hóa giao thông - nơi mỗi hành động cá nhân đều có thể ảnh hưởng đến người khác.
Giao thông an toàn không chỉ đến từ sự thuận tiện tức thời, mà được xây dựng bằng ý thức tôn trọng và trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông. Khi những chiếc ô vẫn xuất hiện trên phố, cũng là lúc chúng ta cần nhìn lại khoảng trống trong hành vi của mọi người khi tham gia giao thông.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/xe-may-gan-o-tiem-an-mat-an-toan-giao-thong-15c1343/
Bình luận (0)