Tại NAACL 2025 - một trong 3 hội nghị hàng đầu thế giới về xử lý ngôn ngữ tự nhiên tổ chức tại Mỹ, Viettel AI đã giới thiệu VeGraph. Đây là phương pháp kiểm chứng thông tin mới giúp cải thiện độ chính xác từ 2%–5% so với các phương pháp hiện tại trên hai bộ dữ liệu kiểm chứng phổ biến là HoVer và FEVEROUS.
Sự lan rộng của Internet và mạng xã hội khiến tin giả, thông tin sai lệch ngày càng phổ biến, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như y tế, thiên tai, chính sách công. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng khi những thông tin sai lệch này trở thành dữ liệu đầu vào cho các hệ thống AI như chatbot hay trợ lý ảo. Nếu không được kiểm chứng, AI có thể vô tình lan truyền hoặc thậm chí tạo ra thông tin sai lệch.
VeGraph là phương pháp kiểm chứng thông tin do Viettel AI nghiên cứu, phát triển và trình bày tại hội nghị NAACL 2025
Kiểm chứng thông tin là quá trình xác minh tính đúng sai của một phát ngôn dựa trên các nguồn đáng tin cậy như báo chí, tài liệu khoa học hay cơ sở dữ liệu chính thức. Để thực hiện điều này, hệ thống AI cần khả năng hiểu ngôn ngữ, truy xuất dữ liệu và suy luận logic.
Ra đời từ đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo Viettel, VeGraph (Verify-in-the-Graph) phân tách yêu cầu kiểm chứng thành các mệnh đề nhỏ và đối chiếu với các nguồn chính thống như văn bản pháp luật, dữ liệu chính phủ, tài liệu chuyên ngành. Khác với nhiều phương pháp hiện nay chỉ dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), VeGraph tổ chức quá trình kiểm chứng thành từng bước rõ ràng, giúp tăng tính minh bạch, giảm hiện tượng "ảo giác" – khi AI tự tạo ra thông tin không có thật.
Ngoài hiệu quả trong kiểm chứng thông tin, VeGraph còn có tính ứng dụng cao. Công nghệ này có thể tích hợp vào các hệ thống AI nhằm nâng cao độ tin cậy hoặc triển khai độc lập trong các lĩnh vực như y tế, báo chí, pháp luật hay quản lý nhà nước. Người dân hoàn toàn có thể sử dụng để tự xác minh các thông tin quan trọng, yêu cầu độ chính thống cao như tin tức thời sự, thông tin thuốc, vắc-xin hay quy định pháp luật.
Trong tương lai, Viettel AI đặt mục tiêu phát triển VeGraph theo hướng xử lý đa định dạng dữ liệu như hình ảnh, video, âm thanh; đồng thời tăng khả năng hiểu các ngôn ngữ phức tạp như ẩn dụ, hàm ý và tích hợp đồ thị tri thức để nâng cao năng lực suy luận.
NAACL 2025 (Annual Conference of the Nations of the Americas Chapter of the Association for Computational Linguistics) là một diễn đàn khoa học uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ học tính toán.
Năm nay, hội nghị thu hút một số lượng bài nghiên cứu kỷ lục, lên đến hơn 3.000 bài, tỉ lệ chấp nhận cho các bài báo chính rất cạnh tranh (khoảng 22%), quy tụ những nghiên cứu đột phá nhất.
NAACL 2025 đặc biệt tập trung vào các tiến bộ vượt bậc trong phát triển mô hình ngôn ngữ lớn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên đa dạng văn hóa và đa ngôn ngữ, các khả năng suy luận mới nổi và AI có trách nhiệm.
Nguồn: https://nld.com.vn/ai-cua-nguoi-viet-biet-kiem-tra-thong-tin-biet-noi-su-that-196250517125935127.htm
Bình luận (0)