Ổn định sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương và nỗ lực của địa phương, các công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn tỉnh An Giang đã được đầu tư xây dựng, từng bước khép kín toàn bộ hệ thống. Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm 4.035 cống, 6.314 tuyến kênh, với tổng chiều dài 18.343km, 33 hồ chứa, 2.802 trạm bơm, 3.128 bờ bao và đê bao, với chiều dài hơn 8.800km, cùng 234 công trình kè (biển và sông) dài 87,84km. Ngoài ra, An Giang còn có 133km đê biển ven biển Tây, 22,7km đê cấp III vùng đông kênh Bảy Xã, 32km đê bao Ô Môn - Xà No, 35,87km đê cửa sông, 128,63km đê sông và hàng trăm km đê chuyên dụng.
Cống Cái Lớn được đưa vào sử dụng, góp phần kiểm soát nguồn nước hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang.
Là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của cả nước, hệ thống thủy lợi và đê điều tại An Giang giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm ngàn hộ dân sống dọc các xã ven biển của tỉnh, như: Hòn Đất, Bình Giang, Bình Sơn, An Biên, An Minh, Kiên Lương… Các công trình thủy lợi như cống Cái Lớn - Cái Bé, hệ thống cống ven biển Tây, các tuyến đê bao vùng lũ cùng hàng trăm trạm bơm, cống điều tiết nội đồng đã được vận hành đồng bộ, góp phần kiểm soát mặn - ngọt linh hoạt, bảo vệ an toàn cho hàng trăm ngàn ha lúa, rau màu, cây ăn trái.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi cũng thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp nước ngọt sinh hoạt. Trong cao điểm mùa khô 2024 - 2025, An Giang cơ bản kiểm soát được nguồn nước, không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhờ hệ thống được vận hành hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền) chia sẻ: “Trước kia, bà con ở đây canh tác lúa rất khó khăn, vì mùa khô nước mặn từ kênh Rạch Giá - Hà Tiên đổ về, gây thiếu nước ngọt. Giờ tỉnh đã đầu tư đập tạm bằng cừ Larsen để ngăn mặn, giữ ngọt nên chúng tôi yên tâm sản xuất, không còn lo lúa bị nhiễm mặn nữa”.
Tối ưu hiệu quả vận hành công trình
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nguyễn Huỳnh Trung, hiện An Giang nằm trong 3 vùng sinh thái gồm vùng ngọt (thượng nguồn), ngọt - lợ (vùng giữa) và mặn - lợ (ven biển). Dựa trên điều kiện tự nhiên và quy hoạch sản xuất, hệ thống thủy lợi của tỉnh được phân thành các tiểu vùng, khu vực: Bắc Vàm Nao, Nam Vàm Nao, Tứ giác Long Xuyên, Châu Thành - Rạch Giá, ven sông Cái Lớn - Cái Bé, vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng, ven biển An Biên - An Minh, đê bao Ô Môn - Xà No, vùng cao Bảy Núi và khu vực hải đảo.
Cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (xã Châu Thành) vận hành kiểm soát mặn, đảm bảo nước sinh hoạt cho khu vực Rạch Giá và vùng lân cận.
Với hiện trạng công trình hiện nay, các mục tiêu được đặt ra là cung cấp đủ nước tưới tiêu cho sản xuất; giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và triều cường; đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở vùng núi, hải đảo; phòng, chống sụt lún, sạt lở; phục vụ giao thông thủy, bộ… Tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch vận hành công trình thủy lợi phù hợp với điều kiện tự nhiên, tình hình sản xuất và nhu cầu nước từng tiểu vùng, từng khu vực.
Trong giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, An Giang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình kiểm soát nguồn nước, chống xâm nhập mặn từ biển Tây và biển Đông; xây dựng các công trình chuyển, cấp và nhồi nước, nhất là vùng U Minh Thượng. Cùng với đó, tỉnh hoàn thiện hệ thống điện 3 pha phục vụ vận hành cống; phát triển thủy lợi nội đồng gắn với tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, từng bước hiện đại hóa việc vận hành cống bằng hệ thống SCADA và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủy lợi. |
THÙY TRANG
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-van-hanh-hieu-qua-he-thong-thuy-loi-a423892.html
Bình luận (0)