Thạc sĩ - bác sĩ Trần Vũ Hoàng Dương, Trưởng khoa Sọ não cột sống 2, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho biết, tình trạng đau của hệ cơ xương khớp nói chung, trong đó cột sống nói riêng có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Bên cạnh các yếu tố liên quan chấn thương thì nguyên nhân thường gặp còn lại là do tình trạng thoái hóa của khớp. Hiện nay, bên cạnh việc thăm khám xác định và giải quyết nguyên nhân nhằm mang lại hiệu quả lâu dài thì giảm đau sớm là một điều trị không thể thiếu để giúp người bệnh dễ chịu hơn, sớm quay lại sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có nhiều phương pháp để giảm đau đối với những trường hợp này, bao gồm thuốc đường uống, thuốc đường tiêm (tại chỗ hoặc toàn thân), và những liệu pháp can thiệp có xâm lấn khác (sóng cao tần RF). Tuy nhiên các chỉ định này phải được đưa ra sau khi bác sĩ thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh, kết hợp với quá trình theo dõi điều trị theo từng bậc.
Không nên lạm dụng hoặc tự ý tiêm giảm đau để điều trị các bệnh lý cột sống
ẢNH: AI
Các hệ lụy khi lạm dụng hoặc tự ý thuốc tiêm giảm đau
Theo bác sĩ Dương, việc lạm dụng hoặc tự ý tiêm giảm đau tại chỗ để điều trị các bệnh lý cột sống khi chưa được thăm khám đầy đủ hoặc thực hiện tại các cơ sở y tế không đủ điều kiện có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và thậm chí là biến chứng nghiêm trọng như:
Nhiễm trùng: Bao gồm nhiễm trùng tại vị trí tiêm, hoặc nặng hơn có thể nhiễm trùng sâu dẫn đến viêm tủy xương, áp xe ngoài màng cứng hoặc thậm chí nhiễm trùng huyết (biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tính mạng).
Tổn thương các cấu trúc quan trọng lân cận vùng tiêm, nhất là cấu trúc thần kinh: tủy sống, rễ thần kinh. Điều này có thể dẫn đến yếu liệt.
Chảy máu: Gây chèn ép tủy sống, nguy cơ này có thể gặp phải ở người rối loạn đông máu (mà không biết trước đó) hoặc có sử dụng các thuốc kháng đông.
Dị ứng thuốc - Sốc phản vệ: Bất kỳ loại thuốc nào sử dụng đều có nguy cơ này, tuy tỷ lệ thấp. Nhưng nếu xảy ra ngoài cơ sở y tế thì việc xử trí cấp cứu có thể sẽ không kịp thời nên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lệ thuộc thuốc: Một số thành phần thuốc khi tiêm giảm đau có chứa steroid và giảm đau mang tính hướng thần, nếu lạm dụng và không theo chỉ định phù hợp có thể phải đối mặt tác dụng phụ của thuốc và bị lệ thuộc
Để tiêm giảm đau tại chỗ, bên cạnh việc bác sĩ phải định chính xác tình trạng bệnh và chỉ định phù hợp thì đây được xem là thủ thuật dù nhỏ nhưng là xâm lấn. Nên đòi hỏi phải vô khuẩn tốt, từ dụng cụ cho đến quy trình thực hiện.
Đặc biệt đối với các trường hợp tiêm giảm đau liên quan bệnh lý thoái hóa cột sống thì nơi đây nằm gần những thành phần quan trọng khác (tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu...) nên thực hiện cần chính xác và có phương tiện kiểm tra (dưới hướng dẫn trực tiếp của siêu âm, hoặc X-quang liên tục).
"Khi bị đau cổ vai hoặc tê tay chân, bệnh nhân nên đến khám tại bệnh viện, cơ sở y tế có đầy đủ các phương tiện an toàn để thực hiện và theo dõi. Đồng thời, được các bác sĩ xác định chính xác tình trạng bệnh, và chỉ định tiêm giảm đau phù hợp tránh các biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Dương khuyến cáo.
Liệt hoàn toàn sau tiêm thuốc giảm đau tại phòng khám tư
Như Thanh Niên đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cho biết bệnh nhân 70 tuổi (ở Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, mất phản xạ, suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp. Dù còn tỉnh táo, bệnh nhân không thể tự thở hay cử động bất kỳ chi nào. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ nặng tại vị trí C2-C3 gây chèn ép tủy sống và dẫn đến viêm tủy cổ lan rộng. Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật giải ép cấp cứu. Đáng chú ý, bệnh nhân đồng thời có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Bệnh nhân từng điều trị lao phổi, hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương thần kinh trung ương.
Theo người nhà bệnh nhân, trước nhập viện, do đau mỏi cổ vai gáy kéo dài, bệnh nhân đến phòng khám tư ở địa phương và được tiêm thuốc giảm đau tại đây. Sau tiêm, tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng: yếu chi, mất cảm giác, khó thở, rồi liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-nguy-co-yeu-liet-khi-lam-dung-tu-tiem-thuoc-giam-dau-18525071620045359.htm
Bình luận (0)