Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài học kinh nghiệm từ công tác đào tạo cán bộ quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp

TCCS - Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu” không chỉ ghi dấu ấn như “một thiên sử vàng” đầy chói lọi của dân tộc, mà còn để lại nhiều bài học quý giá cho quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có bài học kinh nghiệm về đào tạo cán bộ quân đội - nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản26/05/2025

Công tác đào tạo cán bộ quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng ta

Ngay khi mới ra đời, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ quân sự. Nhiều cán bộ quân sự trung kiên của Đảng đã được đào tạo, huấn luyện ở các lớp quân chính đầu tiên vùng biên giới Cao Bằng, liên khu Cao - Bắc - Lạng. Công tác đào tạo cán bộ quân đội được đánh dấu bằng khóa đào tạo 82 cán bộ đầu tiên ở Trường Quân chính kháng Nhật tại Chiến khu Việt Bắc, ngày 25-6-1945. Mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng trong thời gian gần 2 tháng, đã có 234 cán bộ quân đội được đào tạo; nội dung, chương trình, mục tiêu đào tạo bám sát đường lối của Đảng, chính sách của Việt Minh và nhiệm vụ cách mạng; đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác đào tạo cán bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng quân đội sau này.

Ngày 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (trước đó là Trường Quân chính kháng Nhật) lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” tại Sơn Tây_Ảnh: Tư liệu

Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đòi hỏi đội ngũ cán bộ quân đội cần không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, cần được đào tạo đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Đảng ta hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi “vấn đề đào tạo cán bộ cho quân đội nhân dân là then chốt trong công cuộc xây dựng lực lượng cũng như trong tác chiến”(1). Từ tháng 9-1945, các cơ quan, đơn vị quân đội được thành lập, công tác đào tạo cán bộ quân đội được tổ chức thực hiện khẩn trương. Đảng chủ trương thành lập các trường trong quân đội, như: Quân chính Việt Nam (tháng 9-1945), Huấn luyện cán bộ Việt Nam (tháng 10-1945), Quân chính Khu 7 (tháng 12-1945), Quân chính Bắc Sơn (tháng 3-1946), Lục quân Trung học Quảng Ngãi (tháng 3-1946), Võ bị Trần Quốc Tuấn (tháng 4-1946), Huấn luyện cán bộ chính trị (tháng 7-1947), Thiếu sinh quân (tháng 11-1948), Quân y sĩ Việt Nam (tháng 3-1949), Trung cấp kỹ thuật công binh (tháng 6-1949), Lục quân Việt Nam (tháng 4-1950), đồng thời mở một số lớp bổ túc cho cán bộ.

Mục tiêu ban đầu nhằm đào tạo một số cán bộ trung đội và chính trị viên đủ năng lực chỉ huy trung đội. Nhiệm vụ đào tạo rất khó khăn, yêu cầu phải cấp tốc, những cán bộ đã được huấn luyện tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc), tôi luyện trong thực tiễn cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm chỉ huy trưởng, như đồng chí Hoàng Văn Thái, Nguyễn Tri Phương (bí danhThanh Phong), Trương Văn Lĩnh... Đội ngũ giáo viên của trường cũng chính là đội ngũ cán bộ khung, phụ trách lớp, biên soạn tài liệu giảng dạy, bảo đảm vật chất của trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lên lớp và biên soạn tài liệu giảng dạy về cách đánh du kích, chiến thuật du kích,... Thời gian đào tạo mỗi khóa khoảng một tháng, học viên được lựa chọn từ các đơn vị bộ đội, đoàn thể cứu quốc và các tổ chức cơ sở của Đảng, một bộ phận chọn từ sinh viên đại học các trường ngoài quân đội. Sau đào tạo, học viên được điều động về địa phương làm nòng cốt xây dựng các chi đội Vệ Quốc đoàn, một số ít được điều về cơ quan bộ, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ trong quân đội.

Bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo các trường quân sự cấp tốc đào tạo cán bộ, ngày 9-3-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Hòa để tiến”, trong đó nêu rõ: “Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ chính trị và cán bộ quân sự để lãnh đạo phong trào mới”(2). Quán triệt chủ trương đó, lớp đào tạo chính trị viên đại đội đầu tiên của quân đội được khai giảng vào tháng 3-1946 tại Hà Nội; lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp khai giảng vào tháng 7-1946 tại Sơn Tây. Nội dung chương trình huấn luyện (đại cương huấn luyện) của các trường được Bộ Tổng Tham mưu thông qua. Mặc dù mục tiêu là đào tạo cán bộ trung đội, nhưng đại cương đã đề ra yêu cầu cần thiết của đại đội. Ngoài ra, đại cương còn vạch đúng những điểm quan trọng của phương pháp giảng dạy. Việc xác định được đại cương huấn luyện là bước tiến đầu tiên của công tác nhà trường quân đội. Nhờ đó, công tác đào tạo cán bộ ở các trường được cải thiện; số lượng và chất lượng đều tăng, góp phần chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, đội ngũ cán bộ cấp trung đội, đại đội thiếu hụt lớn, đòi hỏi phải khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ biết về tác chiến tập trung, biết sử dụng binh chủng cho bộ đội chủ lực. Đảng xác định: “Phải nâng cao trình độ kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến cho bộ đội. Cải thiện việc huấn luyện bộ đội và đào tạo cán bộ quân sự theo những kinh nghiệm mới nhất ngoài mặt trận”(3). Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Phân hiệu Lục quân Nam Bộ (tháng 6-1949), Trung Bộ (tháng 8-1949) để chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ về tác chiến tập trung; mở lớp đào tạo một số cán bộ đại đội, bổ khuyết cho cán bộ dân tộc. Các liên khu cũng mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ. Sau cuộc vận động “Luyện quân, lập công”, các liên khu đã mở lớp quân chính cho cán bộ đại đội, đào tạo cán bộ trung đội.

Với quyết tâm xây dựng bộ đội chủ lực, đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành thế chủ động chiến lược, Đảng ta nhấn mạnh: “Vấn đề đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân là then chốt trong công cuộc xây dựng lực lượng cũng như trong tác chiến”(4). Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và nâng cao trình độ của cán bộ, tháng 1-1950, Trường Lục quân Việt Nam sáp nhập với Trường Thiếu sinh quân, một bộ phận Trường Dân quân Lê Bình và một số trường sơ cấp bổ túc cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn để đưa học viên sang Vân Nam (Trung Quốc) đào tạo.

Chiến thắng Biên giới năm 1950 đã chứng minh khả năng chiến đấu ngày càng cao của quân đội. Từ một tổ chức nhỏ bé ban đầu đến một lực lượng quân sự có biên chế tổ chức và cơ cấu dần hoàn thiện; các đại đoàn binh chủng đầu tiên của quân đội (như 308, 304, 312, 320, 351, 316, 325) lần lượt ra đời, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải được huấn luyện chu đáo về chính trị và kỹ thuật, chiến đấu. Vì vậy, hệ thống các trường quân đội được mở rộng, như: Trường Huấn luyện kỹ thuật mật mã (tháng 5-1951); Trung cấp Cung cấp (tháng 5-1951); Chính trị trung cấp (tháng 7-1951); Thông tin (tháng 11-1951)…

Để nhanh chóng đưa công cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) xác định: Đảng và Chính phủ phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích…, đề cao việc học tập lý luận quân sự kết hợp với kinh nghiệm thực tế của chiến trường Việt Nam, tổ chức việc đào tạo và bổ túc cho cán bộ trong các trường huấn luyện(5). Quán triệt tinh thần đó, Tổng Quân ủy đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ. Một số cán bộ cấp đại đoàn, trung đoàn, đại đội ở miền Nam được điều động ra học tập. Tháng 7-1951, Trường Chính trị trung cấp được thành lập nhằm đào tạo cán bộ chính trị cấp trung, cao cấp trong quân đội. Thời gian đào tạo 4 tháng, nội dung các khóa có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Kết thúc mỗi khóa đều có tổng kết nội dung, biên soạn thành tài liệu cho khóa sau và làm tài liệu học tập chính trị của toàn quân. Học viên tốt nghiệp được điều động tham gia các chiến dịch, tiến hành trực tiếp công tác chính trị ngoài mặt trận.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đông xuân năm 1951 - 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhu cầu lớn về cán bộ quân sự và chính trị, bộ binh và binh chủng; từ bộ đội địa phương đến cán bộ các tỉnh đội. Tổng Quân ủy chỉ thị cho Trường Lục quân Việt Nam: “Nhanh chóng đào tạo cán bộ cho chiến trường, tổ chức bổ túc cán bộ sơ cấp và trung cấp, tăng cường cán bộ binh chủng để đáp ứng nhu cầu quân đội ta ngày càng phát triển và tiến lên(6). Chấp hành chỉ thị này, một khóa học có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ (với 4.000 học viên) được tổ chức tại Trường Lục quân Việt Nam. Nội dung đào tạo cán bộ quân sự được chú trọng đổi mới phù hợp với thực tiễn chiến đấu ngoài mặt trận; nội dung đào tạo cán bộ chính trị được chú trọng “lý luận liên hệ với thực tế, đả thông tư tưởng, giải quyết thắc mắc, phát huy tinh thần tự giác, tích cực đến cao độ, chỉ tiến không lui của người dạy và người học, cả trong học và rèn”(7).

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết định, Tổng Quân ủy chỉ đạo chú trọng đào tạo bổ sung cho những liên khu (nhất là Liên khu 5) và các đơn vị thiếu cán bộ. Theo đó, tháng 11-1953, Trường Quân chính Liên khu 5 thành lập nhằm đào tạo, bổ túc cán bộ cho Liên khu và cả Nam Bộ; đồng thời “lấy Trường Lục quân làm trung tâm đào tạo cán bộ, mỗi khóa 2.500 người, chia làm lớp bộ binh và bộ binh cao cấp… Thời gian ấn định là 6 tháng(8). Công tác đào tạo cán bộ quân đội được thực hiện khắp cả nước. Ở Bắc Bộ, các tổng cục mở lớp huấn luyện nghiệp vụ ngắn kỳ. Cấp đại đoàn có lớp đào tạo, bổ túc cán bộ trung đội; trung đoàn có lớp đào tạo và bổ túc cán bộ tiểu đội và kỹ thuật. Ở địa phương, đào tạo và bổ túc cán bộ đại đội và huyện đội. Ở khu có lớp đào tạo và bổ túc cán bộ trung đội (xã đội). Cấp tỉnh có lớp đào tạo và bổ túc cán bộ tiểu đội. “Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị có nhiệm vụ biên soạn tài liệu giáo dục thống nhất cho toàn quân. Quy định chương trình và kế hoạch giáo dục các nơi tiến hành được thống nhất, kịp thời, tránh lãng phí thì giờ và tránh học tập quá nhiều”(9). Bước sang năm 1954, Tổng Quân ủy chỉ đạo đào tạo cán bộ quân đội với quy mô ngày càng lớn.

Cùng với đào tạo trong nước, công tác đào tạo cán bộ quân đội ở nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô) được Đảng chú trọng triển khai. Ngày 28-12-1950, khóa đào tạo cán bộ quân đội (2.000 học viên) ở nước ngoài đầu tiên của Việt Nam được khai giảng tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với phương châm đào tạo: “Dạy ít nhưng sâu, dạy những điều cần thiết. Lý thuyết thực hành đi đôi... Yêu cầu học phải nói được, làm được, dạy được, học vũ khí phải dụng được, bắn trúng địch”(10). Hình thức tổ chức theo đầu mối từng tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn xây dựng một cứ điểm làm thao trường, tập phân đoạn và tổng hợp. Bên cạnh đó, tháng 7-1951, Đảng đã cử 21 học viên tiêu biểu đầu tiên sang Liên Xô đào tạo về chính trị, bác sĩ, dược sĩ, kỹ nghệ, kiến trúc sư, chế tạo vũ khí, góp phần thiết thực vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã cho thấy công tác đào tạo cán bộ quân đội của Đảng đóng vai trò quyết định việc xây dựng, củng cố lực lượng và tổ chức biên chế của quân đội. Với nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với điều kiện, đặc điểm, hoàn cảnh của đất nước và quân đội ta, công tác này đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu cán bộ trong quân đội, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến (cuối năm 1945, cán bộ quân đội có 1.124 người, đến cuối năm 1950 có 4.569 người và đến năm 1954 có 43.000 người, gấp 38 lần(11)), đồng thời góp phần vào sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ quân đội và thắng lợi vẻ vang của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và làm việc với Học viện Lục quân, ngày 4-4-2025_Nguồn: baolamdong.vn

Bài học kinh nghiệm cho đào tạo cán bộ quân đội hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là vấn đề “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Do đó, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là “công việc gốc của Đảng”, là “chiến lược của mọi chiến lược”, là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay, khi dân tộc ta đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác đào tạo cán bộ quân đội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là thật sự sâu sắc, cần tiếp tục được bổ sung, vận dụng và phát triển nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quân đội của nước ta trong giai đoạn mới.

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương đối với công tác đào tạo cán bộ quân đội.

Kinh nghiệm thể hiện trong công tác đào tạo cán bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp luôn được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, khẩn trương, linh hoạt, sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ ở từng giai đoạn của kháng chiến, từng chiến dịch, chiến trường, mặt trận. Công tác đào tạo cần tiếp tục chủ động, sáng tạo trong tổ chức hình thức, phương pháp đào tạo để trực tiếp cụ thể hóa đường lối của Đảng, nhiệm vụ của quân đội; từ đó khắc phục mọi khó khăn, chủ động giáo dục, rèn luyện, xây dựng nên đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, kỹ thuật, chiến thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu về cán bộ cho các nhiệm vụ trong các giai đoạn lịch sử; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quân đội. Công tác đào tạo cán bộ quân đội hiện nay cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của Đảng và quân đội; nhạy bén, chủ động, sáng tạo, dự báo các tình huống, quy mô phát triển lực lượng, sự phát triển nhiệm vụ đào tạo có sự chuẩn bị, triển khai kế hoạch đào tạo với các hình thức, biện pháp phù hợp. Tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ-TW, ngày 24-11-2023, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”; đồng thời, đổi mới, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường quân đội hiện nay.

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 113 luyện tập đột nhập căn cứ địch_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, xây dựng nội dung, chương trình, phương thức đào tạo bảo đảm gắn nhà trường với chiến trường, thao trường với thực tiễn chiến đấu.

Kinh nghiệm thể hiện nét đặc sắc về cách thức tổ chức đào tạo cán bộ quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Yêu cầu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến ở mỗi giai đoạn khác nhau, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo tạo cán bộ quân đội đã bám sát mục tiêu, thực tiễn chiến đấu, cập nhật nội dung theo diễn biến thực tiễn chiến trường, góp phần củng cố, hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết của cán bộ, đáp ứng yêu cầu giành thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Nội dung chương trình đào tạo phong phú theo yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến, gồm kiến thức quân sự, chính trị, kỹ thuật chiến đấu và khả năng lãnh đạo, tổ chức; từ quân sự đơn thuần đến đa dạng cán bộ: pháo binh, công binh, thông tin liên lạc, chính trị, hậu cần, quân y, giáo viên…; được điều chỉnh linh hoạt dựa trên tình hình thực tế và kinh nghiệm từ chiến trường. Hình thức, phương thức đào tạo linh hoạt, vừa chiến đấu vừa đào tạo; đào tạo sát thực tiễn chiến đấu; đào tạo kết hợp với rèn luyện ngoài thực tế chiến trường, mặt trận. Nhiều đơn vị địa phương, liên khu, chiến khu phải tự tổ chức đào tạo, thành lập các lớp huấn luyện tại chỗ. Phát triển đa dạng loại hình (cả trong nước và nước ngoài). Gắn đào tạo với bố trí, sắp xếp cán bộ vào thực tiễn chiến đấu, xây dựng đơn vị.

Thực tiễn đã khẳng định, yêu cầu nhiệm vụ quân đội quyết định nội dung, chương trình, phương thức đào tạo cán bộ; chất lượng đào tạo của nhà trường thể hiện thông qua thực tiễn chiến đấu của cán bộ ngoài chiến trường. Chiến trường là trường học thực tiễn kiểm nghiệm chất lượng, nội dung, chương trình đào tạo. Đồng thời, nhu cầu sử dụng cán bộ trong cuộc kháng chiến là những yếu tố cơ bản quy định nội dung, chương trình, phương thức đào tạo cán bộ; đào tạo bám sát mục tiêu, yêu cầu thực tiễn và sử dụng cán bộ đúng nhiệm vụ, nhu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn kinh nghiệm này để tiếp tục hoàn thiện mục tiêu, đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cho từng đối tượng. Gắn đào tạo tại nhà trường với đơn vị, bảo đảm phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Gắn đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ, tránh gây lãng phí trong đào tạo cũng như tránh những tiêu cực trong bố trí, sử dụng cán bộ quân đội.

Thứ ba, thường xuyên xây dựng, củng cố, huy động nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho đào tạo cán bộ quân đội.

Nhìn lại lịch sử giai đoạn 1945 - 1954, nhờ thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, huy động nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho đào tạo cán bộ quân đội nên Đảng đã kịp thời chú trọng phát triển hệ thống nhà trường quân đội với quy mô, phương thức đào tạo ngày càng lớn, đa dạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến, yêu cầu xây dựng quân đội. Cơ sở vật chất, tài liệu huấn luyện ban đầu còn đơn sơ, thiếu thốn, chủ yếu dựa vào tài liệu nước ngoài, đã tiến lên tự biên soạn tài liệu huấn luyện, phù hợp với cách đánh của bộ đội ta. Trang thiết bị huấn luyện được tăng cường, bảo đảm cho dạy và học từng binh chủng. Kịp thời huy động các lực lượng tiêu biểu, tài năng tham gia quá trình quản lý và trực tiếp đào tạo cán bộ quân đội. Đồng thời, thúc đẩy quá trình “tự học, tự rèn”, tự nghiên cứu hoàn thiện nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ qua sách vở, tài liệu và kinh nghiệm thực tế từ đồng đội.

Hện nay, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm này để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tích cực huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất trang thiết bị huấn luyện, đào tạo; quy tụ được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Đặc biệt, tăng cường xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường quân đội có tư duy chiến lược, có uy tín cao,… tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng và toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu từng mong ước./.

-----------------------------

(1) Tổng cục Chính trị - Cục Cán bộ: Biên niên sự kiện (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 58
(2) Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2000), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 120 - 121
(3) Lịch sử Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 (1945 - 2010), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 74
(4), (5) Tổng cục Chính trị - Cục Cán bộ: Biên niên sự kiện (1945 - 1975), Sđd, tr. 58, 65
(6) Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 90
(7) Lịch sử Học viện Chính trị (1951 - 2011), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 33
(8), (9) Tổng cục Chính trị - Cục Cán bộ: Biên niên sự kiện (1945 - 1975), Sđd, tr. 91
(10) Lịch sử Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 (1945 - 2010), Sđd, tr. 102
(11) Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Cục Cán bộ và Ngành Công tác cán bộ quân đội (28/02/1947 - 28/02/2022), Hà Nội, 2022, tr. 3

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/1089602/bai-hoc-kinh-nghiem-tu-cong-tac-dao-tao-can-bo-quan-doi-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm