Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng: Những dấu ấn, bài học kinh nghiệm ở vùng Đông Nam Bộ

TCCS - Tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở các nước trên thế giới cho thấy, muốn tăng trưởng nhanh, bền vững việc lựa chọn mô hình tăng trưởng đúng xu thế là yếu tố quan trọng. Tại vùng Đông Nam Bộ (ĐNB)(1), thời gian qua, một số tỉnh, thành phố chủ động lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST) làm động lực tăng trưởng chủ yếu, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật là bài học quý để các địa phương khác tham khảo.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản27/05/2025

Vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) diễn ra nhanh chóng, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, một số động lực tăng trưởng cũ đã “tới hạn” hoặc không còn phù hợp với xu thế, nhiều mô hình phát triển mới trên thế giới xuất hiện và được các nước vận dụng đã mang lại những thành tựu quan trọng. Trong đó, nổi bật là mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu đã trở thành xu thế mang tính khách quan, tất yếu đối với sự phát triển kinh tế, quản trị xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Bởi vì, KH-CN và ĐMST được xem là chìa khóa quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, là nền tảng của kinh tế tri thức và kinh tế số - xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu hiện nay. Theo Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2018: “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1). “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỷ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2). “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa” (khoản 16).

Như vậy, KH-CN và ĐMST không chỉ là tài nguyên vô tận, có không gian phát triển vô hạn, mà còn là phương tiện để một quốc gia tối ưu hóa quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khắc phục được sự đứt gãy của các chuỗi sản xuất, nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị xã hội, là điều kiện vượt qua bẫy thu nhập trung bình khi xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng xu thế phát triển mới, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn và ngày càng khan hiếm. Thực tiễn đã chứng minh rằng, thời gian qua, các quốc gia trên thế giới có chiến lược vận dụng tốt mô hình này làm động lực chủ yếu đều có sự phát triển kinh tế rất ấn tượng, phương thức quản trị quốc gia, quản trị xã hội ngày càng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) Thành phố Hồ Chí Minh tại Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức, ngày 25-9-2024_Nguồn: thanhnien.vn

Đối với nước ta, khi hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nhất là sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, cách đây hơn 10 năm, trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Nghị quyết số 20), Đảng ta đã xác định: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Tiếp đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”(2). Để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11-5-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” yêu cầu: “Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đặc biệt, để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, với quan điểm chỉ đạo: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.

Những dấu ấn nổi bật đáng ghi nhận

Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, một số tỉnh, thành phố của vùng đã tiên phong lựa chọn, vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu vào thực tiễn và bước đầu mang lại những dấu ấn nổi bật, điển hình:

Là địa phương luôn thể hiện tư duy phát triển năng động, sáng tạo, tiên phong, đi đầu trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, cách đây 25 năm, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã lấy công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức, động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Từ năm 2000, TP. HCM đã xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung, khi đi vào vận hành đã nhanh chóng trở thành mô hình kiểu mẫu của cả nước về thu hút, đầu tư hạ tầng phần mềm, dịch vụ CNTT và phát triển KH-CN; lan tỏa đến các tỉnh, thành phố phía Nam trong việc vận dụng KH-CN vào công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Dấu mốc quan trọng là Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ TP. HCM, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra chủ trương: “Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức”. Với tinh thần đó, cơ chế, chính sách về KH-CN và ĐMST của Thành phố ngày càng được hoàn thiện, bám sát sự đòi hỏi từ thực tiễn(3), góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Cùng với đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển KH-CN và ĐMST, Thành phố kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất; đồng thời, hỗ trợ đào tạo, tư vấn quản trị tài sản trí tuệ, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ĐMST, miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực KH-CN và ĐMST giúp doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ngày càng thuận lợi, khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.

Để hình thành trung tâm động lực tăng trưởng trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Thành phố triển khai đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025”, trong đó, điểm nhấn là hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức) dựa trên các trụ cột chính (gồm Đại học quốc gia TP. HCM, Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm), trong đó, Khu Công nghệ cao đã thu hút được nhiều dự án từ các tập đoàn KH-CN nổi tiếng trên thế giới như Intel, Jabil (Mỹ), Nidec, Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia). Vào tháng 10-2024, TP. HCM đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo nhằm tập hợp, kết nối các nguồn lực hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong và ngoài nước; nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về khởi nghiệp ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tổ chức, phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tìm kiếm, tuyển chọn, ươm tạo, hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh… cho các dự án khởi nghiệp ĐMST thuộc các lĩnh vực TP. HCM ưu tiên phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2025, TP. HCM tập trung triển khai 6 chương trình nghiên cứu KH-CN và ĐMST(4) mang lại một số kết quả nổi bật, đó là, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP. HCM đứng thứ 111 trên thế giới (theo xếp hạng của Startupblink năm 2023), hiện đang nỗ lực tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu; đã có mặt trong Top 100 thành phố toàn cầu về bốn lĩnh vực: Fintech (thứ 54), Edtech (thứ 62), thương mại điện tử & bán lẻ (thứ 71) và giao thông vận tải (thứ 87). Ở góc độ so sánh với khu vực, TP. HCM đang đứng thứ ba tại Đông Nam Á về giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp sau Singapore và Jakarta; cùng với Hà Nội đứng đầu trong Top 10 địa phương đạt chỉ số ĐMST cấp địa phương cao nhất cả nước… Những yếu tố trên đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp từ yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ của TP. HCM vào GRDP giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt trên 50%.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, tỉnh Bình Dương phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp gia công đã đến điểm giới hạn; đồng thời, tỉnh cũng nhận thấy được tầm quan trọng của KH-CN đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự chuyển mình mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2015 khi CMCN 4.0 bùng nổ, cũng là giai đoạn tỉnh Bình Dương đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút các nhà đầu tư ít thâm dụng lao động với nhiều cơ hội, thách thức mới. Tỉnh đã phân tích, đánh giá đúng xu thế phát triển, đề ra các chương trình đột phá chiến lược, cùng với nêu cao quyết tâm chính trị trong lựa chọn vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu gắn với hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu là triển khai thực hiện đề án thành phố thông minh. Trong giai đoạn này, KH-CN và ĐMST được tỉnh Bình Dương nâng tầm thành vai trò then chốt, là động lực để chuyển từ sản xuất truyền thống tiến lên nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, thâm dụng tri thức, xây dựng đô thị xanh thông minh, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Đại dịch COVID-19 để lại hậu quả rất lớn, nhưng cũng là chất xúc tác thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi mạng lưới cung ứng, sản xuất gần nhau hơn, số hóa sâu rộng hơn; cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN đã giúp tối ưu hóa sản xuất, chi phí và giảm thiểu rủi ro… Những yếu tố đó đã tác động đến chiến lược phát triển của tỉnh Bình Dương, với nhiều giải pháp sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để KH-CN và ĐMST đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững hơn và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Trong quá trình vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu, tỉnh Bình Dương đã lồng ghép KH-CN và ĐMST vào các chương trình chung, gắn chặt với hoạt động các ngành, lĩnh vực khác để hỗ trợ nhau phát triển hiệu quả hơn. Năm 2016, đề án “Thành phố thông minh - Bình Dương” ra đời như một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, trở thành động lực đột phá, phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 với chương trình hành động thông qua bốn lĩnh vực (con người, công nghệ, kinh doanh, yếu tố nền tảng), trong đó chú trọng phát triển KH-CN và ĐMST để bứt phá toàn diện, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Để tiếp tục xây dựng “Thành phố thông minh - Bình Dương” phát triển lên một nấc thang mới, năm 2020, tỉnh Bình Dương thực hiện chủ đề “Triển khai nền tảng thông minh để đột phá sang thời kỳ mới 4.0”, triển khai mô hình hợp tác “ba nhà”(5) và tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, thành phố thông minh, đô thị sáng tạo KH-CN trên thế giới để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN đối với tất cả các ngành, các cấp; thúc đẩy ĐMST trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng, logistics thông minh, thương mại điện tử xuyên biên giới; thu hút các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước có thế mạnh về lĩnh vực KH-CN, sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, cải cách hành chính, dịch vụ công để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là sự ra đời khu công nghiệp KH-CN là mô hình tích hợp các chức năng khu công nghiệp, khu KH-CN và cụm trường đại học kết hợp với đô thị thông minh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy kiến tạo ý tưởng mới. Việc thành lập Văn phòng Block71 Saigon (chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-2020) theo mô hình của Singapore, được đầu tư bởi Tổng công ty Becamex và Đại học Quốc gia Singapore, đặt tại TP.HCM đã giúp gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của hai địa phương, tạo tiền đề kết nối với các hệ sinh thái trên toàn cầu. Quá trình xây dựng “Thành phố thông minh - Bình Dương” còn là động lực cho các địa phương của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là thành phố Thủ Dầu Một vươn lên đô thị loại một, thị xã Dĩ An, Thuận An và Tân Uyên lần lượt được công nhận lên thành phố; huyện Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, để đột phá mạnh mẽ và cụ thể hơn, tỉnh Bình Dương cho ra đời dự án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” - nội dung trọng tâm của đề án “Thành phố thông minh - Bình Dương”, đây là mô hình mới, hình thành trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng sự thành công của các vùng ĐMST trên thế giới như Deajeon - Daedeok Innopolis (Hàn Quốc) và Brainport Eindhoven (Hà Lan). “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” phát triển dựa trên quy hoạch tích hợp, bao gồm chiến lược phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối với TP. HCM và tỉnh Đồng Nai nhằm kích thích sự ĐMST xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp KH-CN và tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Những việc làm này đã tạo điều kiện cho tỉnh Bình Dương hợp tác, thu hút được sự đầu tư của những tập đoàn hàng đầu thế giới về KH-CN và ĐMST trên thế giới là: tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA… và các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng như: Đại học Portland (Mỹ), Đại học quốc gia Singapore NUS, Viện nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia Chungnam Hàn Quốc, Đại học Quốc gia TP. HCM, Viện Cơ học và tin học ứng dụng - Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam… Đó là những nguồn lực quan trọng để tỉnh Bình Dương xây dựng các trung tâm nghiên cứu KH-CN và ĐMST ngày càng hoàn thiện, phát triển bền vững hơn. Tỉnh Bình Dương có nhiều chương trình ứng dụng KH-CN và ĐMST vào đời sống đang đi đầu cả nước, như Trung tâm hành chính tập trung hiện đại, hệ thống thông tin địa lý (GIS) với dữ liệu số hóa bản đồ quy hoạch trên toàn tỉnh, hệ thống quan trắc môi trường tự động, kiểm soát nguồn chất thải tất cả khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ; phương pháp giáo dục hiện đại STEM/STEAM, phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, FabLab, vườn ươm doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore tại tỉnh Bình Dương vào tháng 3-2023 với cấu phần là các trung tâm khởi nghiệp và sản xuất tiên tiến, công nghiệp 4.0, tự động hóa-robot, an ninh mạng, sản xuất thông minh… từng bước thực hiện kết nối, tạo môi trường nghiên cứu KH-CN và ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh đáp ứng xu thế CMCN 4.0, thúc đẩy tỉnh Bình Dương phát triển trước yêu cầu mới.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan Nhà máy bán dẫn CT Semiconductor, thành viên của Tập đoàn CT Group tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương)_Ảnh: baobinhduong.vn

Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Xuất phát từ thực tiễn, với những dấu ấn nổi bật đạt được trong quá trình vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu tại các tỉnh, thành phố của vùng đã đúc rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 20, Nghị quyết số 57 và nhận định đúng xu thế phát triển, các cấp ủy, chính quyền xem phát triển KH-CN và ĐMST là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn các mục tiêu, phát triển của từng ngành, từng địa phương. Để triển khai hiệu quả cao, các địa phương luôn quan tâm việc tổ chức học tập kinh nghiệm, nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý, khai thác tiên tiến, hiệu quả trên thế giới về KH-CN và ĐMST; phát huy trí tuệ tập thể trong thảo luận, thống nhất nội dung để xây dựng các chương trình đột phá chiến lược, giải pháp sát hợp nhằm chuyển đổi trạng thái khi vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính; đổi mới hệ thống tổ chức, thu hút nguồn nhân lực KH-CN và ĐMST; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Tăng cường kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng KH-CN và ĐMST, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; phát triển các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ba là, quan tâm việc tạo lập môi trường, cơ chế, chính sách thông thoáng, chủ động nguồn lực ban đầu để kích hoạt sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh về KH-CN và ĐMST để xây dựng chương trình nghiên cứu, dự án bảo đảm phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, có sức lan tỏa. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan để nhận diện, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách đối với các lĩnh vực trọng tâm như đầu tư công, tài chính, ngân hàng… để giải phóng các nguồn lực cho phát triển.

Bốn là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ luôn thể hiện tầm nhìn, quyết tâm chính trị, liên tục đổi mới, sáng tạo để có bước đi phù hợp; phát huy tối đa những lợi thế so sánh đi đôi với tranh thủ, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư, phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chủ động bám sát thực tiễn, đánh giá đúng khó khăn, vướng mắc để đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp tối ưu, phù hợp, kịp thời nhằm khơi dậy khát vọng cho các doanh nghiệp về KH-CN và ĐMST vươn lên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm là, quá trình vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu luôn xem yếu tố con người là then chốt, hạ tầng là trọng tâm - đó chính là bước đột phá để phát triển; làm tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội một cách bài bản, khoa học. Đồng thời, những thành quả mà KH-CN và ĐMST mang lại phải hướng đến mục tiêu vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp bằng cách giải quyết tốt các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thụ hưởng một cách tốt nhất.

Như vậy, sự chủ động, sáng tạo trong quá trình vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã để lại những dấu ấn, bài học kinh nghiệm quý, phù hợp với đòi hỏi khách quan và xu thế phát triển mới trong bối cảnh, nhất là khi cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Đặc biệt, việc tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và sáp nhập các tỉnh, thành phố theo tinh thần của Bộ Chính trị(6) không chỉ tạo ra không gian phát triển mới; mà còn là điều kiện cho các địa phương có điều kiện thuận lợi vận dụng mô hình tăng trưởng lấy KH-CN và ĐMST làm động lực chủ yếu để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, tạo nên cơ hội nổi trội, lợi thế canh tranh để góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới./.

---------------------------

(1) Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó, vùng Đông Nam Bộ gồm: TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 226
(3) Như: Quyết định số 672/QĐ-UBND, ngày 1-3-2021, của Ủy ban nhân dân TP. HCM, “về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST TP. HCM giai đoạn 2021-2025”; các văn bản của Hội đồng nhân dân TP. HCM: Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND, ngày 11-11-2023, “Ban hành quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, được hưởng tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH-CN công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ KH-CN”; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, ngày 11-11-2023, “Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. HCM”
(4) Đó là: 1. Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng. dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số; 2. Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp; 3. Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ; 4. Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 5. Chương trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị; 6. Chương trình vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ
(5) Nhà nước: Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; nhà doanh nghiệp: các tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp và khởi nghiệp trong vùng; nhà trường: trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục - đào tạo khác
(6) Theo: Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14-2-2025, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, “về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 và Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28-2-2025, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, “về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/1089102/lay-khoa-hoc---cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-lam-dong-luc-tang-truong--nhung-dau-an%2C-bai-hoc-kinh-nghiem-o-vung-dong-nam-bo.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm