Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị chính sách

TCCS - Logistics giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực logistics trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều rào cản cần được tháo gỡ.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản28/05/2025

Thực trạng thu hút FDI vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam thời gian qua

Với vị trí địa lý thuận lợi, quy mô khoảng 42 - 43 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định khoảng 14 - 16%/năm, thị trường logistics Việt Nam đang trở thành mảnh đất hấp dẫn thu hút các nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ khi bắt đầu tiếp nhận dự án FDI đầu tiên năm 1991, số lượng dự án nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2019 thu hút được 388 dự án, chững lại ở giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tiếp tục tăng mạnh trong hai năm 2023, 2024 với tương ứng 122 và 115 dự án - cao nhất trong lịch sử thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực logistics của Việt Nam (Hình 1). Tính đến hết năm 2024, đã có luỹ kế 1.238 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam, thu hút 63.515 lao động; trong đó có gần 30 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới.

Hình 1: Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam theo thời gian_Nguồn: Minh họa của tác giả dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, năm 2025

Theo quốc gia chủ đầu tư, tính lũy kế đến hết năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 55 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực logistics. Trong đó, 5 quốc gia có số dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam lớn nhất bao gồm: Hàn Quốc và Singapore đều đầu tư 221 dự án, cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17,9%; Hồng Kông (Trung Quốc) với 177 dự án, chiếm 14,3%; Nhật bản và Trung Quốc đều đầu tư 140 dự án và cùng chiếm 11,3%; riêng Trung Quốc tăng trưởng mạnh số dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam với 37 dự án chỉ trong năm 2024 (Hình 2).

Hình 2: Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam theo quốc gia chủ đầu tư_Nguồn: Minh họa của tác giả dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, năm 2025

Theo hình thức đầu tư, trong tổng số 1.238 dự án được cấp phép lũy kế từ năm 1991 đến năm 2024 vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam, có 562 dự án đầu tư dưới hình thức liên doanh (chiếm 45,4% số dự án) và có 691 dự án đầu tư dưới hình thức 100% vốn nước ngoài (chiếm 55,8% số dự án). Một số ít dự án (chỉ chiếm 1,2%) các nhà đầu tư lựa chọn hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và đều là các dự án được cấp phép từ năm 2010 trở về trước.

Theo địa phương, thu hút được số dự án FDI trong lĩnh vực logistics nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với 667 trong tổng số 1.238 dự án (tương ứng 53,9%) đầu tư tại Việt Nam lũy kế từ năm 1991 đến hết năm 2024 (Hình 3). Tiếp theo là thành phố Hà Nội với 210 dự án (chiếm 17%); Hải phòng với 75 dự án (chiếm 6,1%); Bình Dương với 51 dự án (chiếm 4,1%);…

Hình 3: Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics Việt Nam theo địa phương_Nguồn: Minh họa của tác giả dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, năm 2025

Theo thời gian đầu tư, số dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics nhiều nhất là 50 năm, với 497 dự án (tương ứng 40,1%) cho thấy, các nhà đầu tư FDI có chiến lược kinh doanh dịch vụ logistics lâu dài tại Việt Nam (Hình 4). Số dự án từ 30 năm đến dưới 50 năm chiếm 15,8% (tương ứng 196 dự án). Sau đó là các dự án 10 và 20 năm với tương ứng 200 và 209 dự án (tương ứng 16,2% và 16,9%).

Hình 4: Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam theo số năm đầu tư_Nguồn: Minh họa của tác giả dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, năm 2025

Theo quy mô vốn, phần lớn các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics có quy mô nhỏ và trung bình dưới 50 triệu USD, chiếm tới 96,7% số dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt cho đến hết năm 2024. Số còn lại 3,3% là các dự án lớn với quy mô vốn đầu tư trên 50 triệu USD trở lên, trong đó có 21 dự án với vốn đầu tư trên 100 triệu USD (Hình 5).

Hình 5: Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam theo quy mô vốn_Nguồn: Minh họa của tác giả dựa trên số liệu của Bộ Tài Chính, năm 2025

Dù Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thu hút FDI vào lĩnh vực logistics, tuy nhiên quá trình này vẫn đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức cần được tháo gỡ.

Một là, nhóm chính sách về luật và thủ tục hành chính.

Theo quy định pháp luật của Việt Nam, logistics là “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, đồng nghĩa với việc FDI vào lĩnh vực logistics phải đáp ứng một số ràng buộc nhất định. Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 3, Điều 4 của Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics không quá 49% đối với công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam, dịch vụ đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa đường sắt; không quá 50% đối với dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; không quá 51% đối với dịch vụ vận tải đường bộ. Không những thế, quy định thành lập các công ty mới cũng phải tuân theo các điều kiện về quyền sở hữu và dịch vụ; do đó, với việc phân loại dịch vụ logistics thành 17 loại riêng biệt như trong Nghị định số 163/2017/NĐ-CP hiện nay sẽ làm kéo dài thủ tục giấy tờ cho các nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu trở thành một nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng đầu cuối và giải pháp logistics tích hợp.

Hai là, nhóm chính sách về tài chính.

Năm 2024 được xem là dấu mốc quan trọng trong quản trị thuế quốc tế khi hơn 140 quốc gia bắt đầu thực hiện cam kết thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó yêu cầu các doanh nghiệp lớn (thuộc tập đoàn toàn cầu doanh thu trên 750 triệu euro) phải nộp ít nhất 15% thuế thu nhập doanh nghiệp bất kể hoạt động ở quốc gia nào. Trước khi thuế tối thiểu toàn cầu được đề cập, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống ưu đãi thuế đa dạng nhằm thu hút các dự án FDI, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, chẳng hạn: 1- Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn đến 15 năm (hoặc 20% trong 10 năm) cho dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích; 2- Miễn thuế đến 4 năm, giảm 50% trong 5 - 9 năm tiếp theo; 3- Cho phép chuyển lỗ sang các năm sau tối đa 5 năm; 4- Miễn thuế đối với lợi nhuận chuyển ra nước ngoài; 5- Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp  đối với phần lợi nhuận tái đầu tư; 6- Áp dụng khấu hao nhanh tài sản cố định; cùng nhiều ưu đãi thuế khác, như giảm tiền thuê đất, tín dụng thuế... Nhờ các ưu đãi này, mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế mà nhiều doanh nghiệp FDI phải nộp thấp hơn nhiều so với thuế suất phổ thông 20%. Như vậy, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được xem là công cụ rất quan trọng giúp Việt Nam tạo dựng lợi thế cạnh tranh để thu hút FDI trong những thập niên qua. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ tạo ra thách thức chưa từng có tiền lệ đối với thu hút FDI của Việt Nam. Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nước nơi công ty mẹ đặt trụ sở có quyền thu phần chênh lệch thuế này, dẫn tới thất thu ngân sách cho Việt Nam và làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi hiện hành. Do đó, lợi thế cạnh tranh dựa vào ưu đãi thuế của Việt Nam trong thu hút FDI sẽ bị suy giảm đáng kể. Thách thức đặt ra là làm sao tiếp tục thu hút các dự án trọng điểm trong các ngành chiến lược, trong đó có ngành logistics khi lợi thế về thuế giảm đi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Richard W.Smith, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn FedEx Express (Hoa Kỳ) - hãng vận chuyển quốc tế và kho vận hàng đầu thế giới, đang đẩy mạnh đầu tư logistics tại Việt Nam _Ảnh: baochinhphu.vn  

Ba là, nhóm chính sách về đất đai.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định trước kia, kể từ Luật Đất đai 2013 đến nay là Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) đã quy định theo hướng mở rộng hơn những hình thức tiếp cận đất đai của doanh nghiệp FDI. Trong đó, ngoài hình thức tiếp cận đất đai từ Nhà nước thông qua giao đất hoặc cho thuê đất, doanh nghiệp FDI có thể tiếp cận đất đai từ thị trường thông qua hình thức nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Những quy định này về cơ bản đã thiết lập sự bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI sử dụng đất ổn định, lâu dài để thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai năm 2024 vẫn chưa có quy cụ thể về việc quy hoạch quỹ đất cho hạ tầng logistics nên các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ đất đã được quy hoạch tại địa phương dành cho hạ tầng logistics.

Bốn là, chính sách về lao động.

Người lao động trong các doanh nghiệp FDI nói chung được bảo vệ và hưởng quyền lợi theo các quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm Bộ luật Lao động năm 2019, các văn bản hướng dẫn liên quan, và các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, các quyền lợi chính mà doanh nghiệp FDI cần bảo đảm cho người lao động tại Việt Nam bao gồm: Quyền ký kết hợp đồng lao động; tiền lương (phải bảo đảm ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng) và chế độ thưởng (các FDI thường có chế độ thưởng hấp dẫn hơn để thu hút nhân lực chất lượng cao); chế độ làm thêm giờ (lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% lương giờ bình thường) và nghỉ phép theo quy định; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quyền tham gia công đoàn và đình công; chế độ chấm dứt hợp đồng lao động và thôi việc (doanh nghiệp FDI phải báo trước 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn). Đồng thời, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 của Chính phủ Việt Nam có quy định người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi ký hợp đồng lao động xác định có thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. Như vậy, nhìn chung, các chính sách về lao động tại các doanh nghiệp FDI bảo đảm được quyền lợi của người lao động Việt Nam cũng như sự công bằng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài thông qua các quy định pháp luật chặt chẽ và rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở công tác tổ chức giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan quản lý chức năng đối với các doanh nghiệp FDI trong quá trình thực thi các chính sách về lao động theo quy định của pháp luật như: kéo dài thời gian đào tạo, thời gian làm việc trong ngày; không bảo đảm chế độ làm việc, chế độ lương, thưởng và phúc lợi, bảo hiểm xã hội; thiếu vai trò của các đoàn thể xã hội tại doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đặc biệt là tổ chức công đoàn.

Năm là, chính sách về xúc tiến đầu tư.

Trong những năm qua, công tác xúc tiến đầu tư luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm thu hút FDI vào Việt Nam trong tất cả ngành, nghề chiến lược, trong đó có lĩnh vực logistics. Hằng năm, Bộ Ngoại giao tổ chức khoảng 250 - 350 đoàn lãnh đạo trung ương và địa phương Việt Nam đi công tác nước ngoài, trong đó khoảng 75 - 80% các đoàn có nội dung về xúc tiến, thu hút FDI. Đồng thời mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với 94 đại sứ quán và tổng lãnh sự quán cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, các hoạt động xúc tiến và quảng bá để thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước sở tại. Không những thế, việc đăng cai tổ chức các sự kiện logistics quốc gia và quốc tế lớn tại Việt Nam trong những năm qua cũng được chú trọng để thu hút các nhà đầu tư cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam, chẳng hạn như: Triển lãm quốc tế về logistics lần đầu tiên được tổ chức năm 2023, sau hai năm đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; khởi động lại chương trình Hộ chiếu logistics thế giới; đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FIATA và kỳ họp giữa năm của AFFA; chính thức đăng cai FIATA World Congress 2025 tại Hà Nội vào tháng 10-2025 hứa hẹn quy tụ 1.500 đại biểu đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ… Tất cả những hoạt động xúc tiến này đã và đang mở đường cho hệ sinh thái logistics Việt Nam tham gia hệ sinh thái logistics toàn cầu; từ đó, tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn các hoạt động xúc tiến đầu tư này mới chỉ tập trung vào việc quảng bá hình ảnh và lợi thế sẵn có của ngành logistics Việt Nam mà chưa đi sâu vào chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư, dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư nước ngoài sau khi khảo sát đã chuyển sang đầu tư tại quốc gia khác; tỷ lệ các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh còn thấp; các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ chưa nhiều và quy mô đầu tư chưa lớn.

Margrethe Maersk - tàu container lớn nhất thế giới dỡ hàng container tại cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu_Ảnh: danviet.vn

Một số khuyến nghị chính sách

Với định hướng phát triển dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao, hỗ trợ sự phát triển đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu và thương mại, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, lĩnh vực logistics có tốc độ tăng trưởng 8 - 12%; chi phí logistics tương đương 12 - 15% so với GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70 - 80%; xếp hạng chỉ số năng lực logistics LPI nhỏ hơn 40; 80% số doanh nghiệp logistics chuyển đổi số và 70% lao động tại các doanh nghiệp logistics được đào tạo chuyên môn. Để thực hiện được những mục tiêu này, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp logistics thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp logistics FDI. Do đó, việc hoàn thiện các chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam cần lưu ý một số nội dung sau:

Về nguyên tắc, trước hết cần nghiên cứu, rà soát một cách tổng thể các cam kết quốc tế và khu vực cũng như pháp luật trong nước về logistics hiện nay để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, nhất quán, minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các chính sách cần tập trung thu hút FDI cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu; bảo đảm phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp logistics trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng lưới logistics toàn cầu, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực logistics Việt Nam. Ngoài ra, các chính sách cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn, hạn chế việc thường xuyên thay đổi các chính sách ưu đãi làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với nhóm chính sách về luật và thủ tục hành chính, theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam nên bỏ logistics ra khỏi danh sách các ngành kinh doanh có điều kiện thông qua việc áp dụng các điều khoản đã được quy định trong pháp luật Việt Nam, cho phép Chính phủ xem xét các hoạt động đủ tiêu chuẩn là ngành kinh doanh có điều kiện, dựa trên các cân nhắc về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp; lắng nghe phản hồi, giải quyết kịp thời các vướng mắc và điều chỉnh chính sách linh hoạt để giữ chân các tập đoàn logistics lớn. Đặc biệt, cần lưu ý ban hành các quy định rõ ràng hơn về kinh doanh các dịch vụ logistics tích hợp và giải pháp chuỗi cung ứng đầu cuối, tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI khi đầu tư mở rộng dịch vụ phải tiến hành nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động.

Đối với nhóm chính sách về tài chính, cần rà soát tổng thể các chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế thu hút FDI đang được áp dụng, để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp. Cần ban hành các ưu đãi tài chính hợp lý nhằm thu hút các doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...; bảo đảm công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp FDI. Riêng đối với khung pháp lý về thuế tối thiểu toàn cầu, cần ban hướng dẫn rõ ràng về thuế suất bổ sung 15% để bảo đảm tính minh bạch và giúp doanh nghiệp FDI dễ dàng tuân thủ; đồng thời, chuyển đổi ưu đãi đầu tư từ thuế sang hỗ trợ phi thuế thông qua miễn, giảm tiền thuế đất, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) và trợ cấp đào tạo nhân lực; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư từ thuế tối thiểu toàn cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.

Đối với nhóm chính sách về đất đai, cần rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để bảo đảm tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước. Xác định rõ các tiêu chí nhằm xác định doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi về đất đai. Việc ưu đãi phải thực chất và chỉ nên thực hiện đối với các dự án đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng logistics, dự án giảm tác động của logistics đến môi trường, dự án phát triển logistics tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa khái niệm thị trường bất động sản logistics vào hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với bất động sản công nghiệp và bất động sản thương mại, từ đó mới tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics.

Đối với nhóm chính sách về lao động, vấn đề quan trọng hiện nay là bảo đảm công tác giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện các chính sách về lao động, đặc biệt là các vấn đề vi phạm về giờ làm việc, lương thưởng, thiếu an toàn lao động, chậm trễ trong đóng bảo hiểm xã hội, xung đột với công đoàn… Đồng thời, tăng cường chính sách giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận các phương thức quản lý tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh logistics để người học có thể tiếp cận với những công nghệ và giải pháp quản lý hàng đầu thế giới. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thu hút các nhà giáo dục, nhà khoa học nước ngoài tham gia quá trình đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực logistics.

Nhóm chính sách về xúc tiến đầu tư, cần ban hành chính sách và danh mục về các dự án ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics, các dự án logistics sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh và bền vững, dự án logistics có mức độ tự động hóa cao; tăng cường xúc tiến đầu tư đối với thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để phát triển tương xứng với tiềm năng. Đồng thời, nghiên cứu, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung một đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp FDI./.

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/1089502/thu-hut-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-linh-vuc-logistics-tai-viet-nam--thuc-trang-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm