Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo đảm an ninh năng lượng - nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

TCCS - Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức an ninh phi truyền thống đối với nước ta, trong đó có vấn đề an ninh năng lượng. Bảo đảm an ninh năng lượng là yêu cầu cấp thiết hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản27/07/2025

1- Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia trên thế giới ở nhiều lĩnh vực, như dòng vốn đầu tư, hàng hóa, công nghệ và lực lượng lao động…, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại, tạo điều kiện cho việc mở rộng, giao lưu hợp tác quốc tế và giải quyết một số vấn đề chung của toàn cầu. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế giúp tranh thủ vốn, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý… mở ra cơ hội phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Lắp đặt cánh quạt điện gió tại khu công nghiệp DEEP, thành phố Hải Phòng_Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, trong đó có thách thức đến từ các vấn đề an ninh phi truyền thống, như vấn đề an ninh con người, dân số và sức khỏe cộng đồng, sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu, đe dọa đến an ninh năng lượng, đe đọa quốc phòng - an ninh của mỗi quốc gia, tác động sâu sắc đến an ninh khu vực và thế giới. Do đó, không một quốc gia nào có thể tránh được những tác động này và càng không thể tự giải quyết.

Trên thực tiễn, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống do con người tạo ra vô tình hoặc cố ý, rồi đến lượt nó gây ra mối đe dọa đối với an ninh con người, an ninh cộng đồng, an ninh quốc gia và an ninh nhân loại. Như việc con người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên theo kiểu “tận diệt”, triển khai những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng để chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, “bất chấp tương lai”, gây ra những hậu quả cho môi trường sinh thái, dẫn tới biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu... Những hệ lụy từ biến đổi khí hậu đã và đang trở thành vấn nạn của các quốc gia trên thế giới, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại.

Việt Nam tham gia toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với xuất phát điểm của một nền kinh tế chậm phát triển, tiềm lực chưa mạnh, năng lực cạnh tranh thấp, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, nên việc thích ứng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài những tác động tích cực, nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (bên cạnh các mối đe dọa an ninh truyền thống) nảy sinh do mặt trái của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, của việc lạm dụng khoa học - công nghệ không đúng mục đích… Thời gian gần đây, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, trong đó có những thách thức về an ninh con người và an ninh năng lượng gắn chặt với các vấn đề về môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Việc bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển sản xuất và đời sống có ý nghĩa lớn đối với sự ổn định chính trị - xã hội và an sinh xã hội, cũng như việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của bất kỳ quốc gia nào và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

2- Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được những mục tiêu cụ thể, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể; ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Tuy nhiên, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng; nhiều dự án điện triển khai chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội. Nước ta hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo báo cáo, năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm của nước ta hiện đang cao hơn khoảng 1,3 đến 1,6 lần với các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển(1). Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu chỉ đạt được từ 28% đến 36% (thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%); tổng nhu cầu năng lượng trong giai đoạn 2001 - 2010 tăng trung bình 10%, tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019; phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải của Việt Nam năm 2010, dự kiến chiếm khoảng 73% vào năm 2030 và 80% vào năm 2045(2). Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ khó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào than và dầu khí. Mức tiêu thụ than chiếm khoảng hơn 30%, tương ứng với mức tiêu thụ dầu và khí, còn lại dựa vào các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo. Có thể thấy, nhiệt điện vẫn là nguồn cung năng lượng chủ yếu của nước ta. Hiện, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước tiêu thụ than đá cho sản xuất điện lớn trên thế giới, trong khi tài nguyên khoáng sản than đá nước ta ngày càng cạn kiệt, dẫn đến sự phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu (mức trung bình 10 triệu tấn/năm), gây ra gánh nặng tài chính, thất thoát nguồn ngoại tệ cùng sức ép lên kết cấu hạ tầng, ô nhiễm môi trường và nguy cơ ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Việt Nam là quốc gia có một phần lãnh thổ nằm ở hạ nguồn sông Mêkong, phải chịu tác động của việc xây dựng thủy điện thiếu bền vững trên thượng nguồn. Việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mêkong với tốc độ nhanh chóng gây ra nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài, như suy giảm nghiêm trọng lượng trầm tích giàu dinh dưỡng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực cũng như an ninh năng lượng. Điều này đặt nước ta trước thách thức trong phát triển năng lượng, trong xây dựng quy hoạch, chính sách, phát triển năng lượng tái tạo cũng như ứng phó các nguy cơ bất ổn về kinh tế - xã hội và môi trường để phát triển bền vững. Mặt khác, hiện tượng biến đổi khí hậu với những diễn biến bất thường gây ra sự thay đổi lượng mưa, tạo nhiều trận lũ quét, bão, nạn hạn hán và xâm nhập mặn bất thường đến mức báo động…, làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các ngành điện, than và dầu khí; gây thiệt hại đến một số kết cấu hạ tầng, làm gia tăng chi phí trong đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp thiết bị trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng; gây mất ổn định nguồn cung năng lượng ở nước ta, tác động lớn đến việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để chủ động phòng, chống và đưa ra các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…), Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Với hơn 3.260km đường bờ biển (chưa kể các đảo), điều kiện gió rất thuận lợi, phù hợp cho việc lắp đặt nhiều trạm gió ngoài khơi có quy mô lớn để bảo đảm an ninh năng lượng cũng như đạt được mục tiêu giảm khí thải carbon năm 2030. Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm nên có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Ngoài ra, các nguồn năng lượng tái tạo từ biển như sóng, thủy triều và dòng chảy ở Việt Nam rất phong phú. Nguồn năng lượng sinh khối khá dồi dào do ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua phát triển. Các sản phẩm và phế thải từ ngành nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi rất đa dạng, dồi dào, là tiềm năng cho phát triển nguồn năng lượng sinh khối. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm gia tăng khối lượng rác thải hữu cơ, đòi hỏi cần có quy trình xử lý khoa học, tận dụng nguồn nhiệt năng từ nguồn rác thải hữu cơ này.

Thực tế cho thấy, đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã được thực hiện, song quy mô còn hạn chế. Số lượng dự án “điện sạch” được triển khai chưa nhiều (đáng kể nhất là các dự án điện gió ở tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ), Cà Mau; điện mặt trời ở tỉnh Khánh Hòa (Ninh Thuận cũ), Đắk Lắk). Việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo về giá cả, thị trường, kết cấu hạ tầng, điều kiện kỹ thuật… chưa đáp ứng yêu cầu.

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới (Kiểm tra hệ thống thiết bị tại Nhà máy điện mặt trời Đa Mi, tỉnh Lâm Đồng)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

3- Để thực hiện thành công mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước ta chủ trương ngành năng lượng phải đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ, phát triển theo hướng thị trường, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định và an toàn cho nhim vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quyết định số 893/QĐ-TTg, ngày 26-7-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã đề ra mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050; tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 - 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050; tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp là 15 - 20% vào năm 2030 và khoảng 80 - 85% vào năm 2050; tiết kiệm năng lượng khoảng 8 - 10% vào năm 2030 và khoảng 15 - 20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực; hình thành và phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế. Phấn đấu đến năm 2030, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch; phát triển sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất sản xuất hydro xanh khoảng 100 - 200 nghìn tấn/năm; định hướng đến năm 2050, quy mô công suất sản xuất hydro xanh khoảng 10-20 triệu tấn/năm.

Để thực hiện hiu quả những định hướng và mục tiêu trên, trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cấp chính quyền, nhân dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò của năng lượng cũng như vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Nâng cao ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng. Đẩy mạnh việc thực hiện “Chương trình quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng”. Khuyến khích các hộ gia đình và các doanh nghiệp lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời, gió hoặc các nguồn năng lượng tái tạo, thiết bị ít ô nhiễm khác để giảm áp lực lên nguồn điện quốc gia. Áp dụng các quy chuẩn bắt buộc về “sử dụng hiệu quả năng lượng” đối với các ngành sản xuất và các sản phẩm tiêu thụ năng lượng có nguy cơ lãng phí cao.

Thứ hai, hoàn thiện khung chính sách để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo, như điện mặt trời và điện gió phù hợp với xu thế chung của thị trường năng lượng thế giới. Khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước; giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu; xuất, nhập khẩu than hợp lý; kết hợp an ninh năng lượng với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; tiếp tục đề ra các chính sách giá năng lượng phù hợp cùng các chính sách đầu tư cho phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân. Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn năng lượng; thu hút vốn từ các nhà đầu tư, các ngân hàng, các định chế tài chính vào sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Có chính sách bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng. Tăng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo.

Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; đào tạo bổ sung, đón đầu những ngành còn thiếu, còn yếu, nhất là các ngành năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, lọc hóa dầu,... Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí, than; sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo theo hướng vừa tập trung, vừa chuyên sâu; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió, điện mặt trời.

Thứ tư, thực hiện cơ cấu lại ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Xây dựng chiến lược về chuyển đổi cơ cấu năng lượng phù hợp với điều kiện mới của nước ta cũng như bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường đầu tư nghiên cứu các sản phẩm công nghệ mới, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm giảm nhập khẩu máy móc, thiết bị năng lượng, đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ ở lĩnh vực năng lượng trong nước. Hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam theo hướng tập đoàn công nghiệp - thương mại - tài chính, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế, giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển năng lượng.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên năng lượng hợp lý; tránh khai thác nhanh dẫn đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên; kết hợp giữa khai thác nguồn tài nguyên trong nước với nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài với tỷ lệ hợp lý. Giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải gây ô nhiễm môi trường và có chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm. Nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ,...) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng, tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.

Thứ sáu, chủ động hợp tác quốc tế trong phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh năng lượng; trong việc chia sẻ thành tựu khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực và huy động nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh năng lượng; phòng, chống dịch bệnh lây lan nhanh ở người và động vật; chia sẻ công nghệ trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng như trong xây dựng kết cấu hạ tầng năng lượng… Thúc đẩy các hoạt động cùng hợp tác đấu tranh chống độc quyền trong nguồn cung năng lượng; tiến tới xây dựng các thỏa ước và định chế quốc tế cùng nhau ổn định nguồn cung năng lượng, bảo đảm lợi ích của các nhà xuất khẩu, thuận lợi hóa thương mại cho các nhà nhập khẩu năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và quốc tế./.

------------------------------------

(1), (2) Văn Nam: “Tiêu hao năng lượng ngành công nghiệp Việt Nam đang cao gấp 1,6 lần khu vực”, Thời báo Tài chính Việt Nam, ngày 17-9-2022, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tieu-hao-nang-luong-nganh-cong-nghiep-viet-nam-cao-gap-16-lan-khu-vuc-112906.html

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1110902/bao-dam-an-ninh-nang-luong---nhiem-vu-quan-trong-gop-phan-bao-dam-an-ninh-quoc-gia-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm