
Năm 2025 được coi là năm “tăng tốc và bứt phá” để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031.
Để đạt mục tiêu này, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, năng lượng điện là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như “đầu vào” của mọi "đầu vào" nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước. Vì vậy, nhu cầu về năng lượng và điện tất yếu sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Theo ông Phan Đức Hiếu, nhu cầu năng lượng không chỉ tăng về sản lượng hoặc mức tiêu thụ, mà nền kinh tế còn đòi hỏi cao hơn về chất lượng của nguồn năng lượng.
“Với 2 thách thức đặt ra với ngành năng lượng, gồm bảo đảm an ninh năng lượng, đủ điện cho nền kinh tế và chất lượng nguồn điện, giá điện sẽ phải được điều hành khác đi”, ông Phan Đức Hiếu phân tích.
Để đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng khoảng 12% theo các kịch bản Bộ Công Thương đặt ra để điều hành.

Trên cơ sở kịch bản điều hành như vậy, ngay từ đầu năm 2025, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện đáp ứng cung ứng điện. Trong số các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, việc tăng cường tiết kiệm điện là một giải pháp quan trọng.
Thời gian qua, ngành điện luôn nỗ lực nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về điện đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm cung cấp điện bền vững, ngành điện cần vượt qua các “rào cản”, trong đó lớn nhất là những điểm bất hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện. Giá điện hiện vẫn đang trên lộ trình tiến tới "tính đúng, tính đủ" trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào của ngành liên tục biến động.

Chia sẻ về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng có 3 bất cập lớn về giá điện hiện nay. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là giá điện chưa được thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Cùng với đó, chúng ta chưa tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện; tình trạng "mua cao, bán thấp" kéo dài nhiều năm qua cũng chưa được giải quyết triệt để.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng cần điều hành giá điện theo cơ chế thị trường; điều chỉnh biểu giá điện hiện hành để khắc phục những bất cập, tồn tại; chấm dứt cơ chế bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thay vào đó, xây dựng chính sách giá điện hợp lý, có tính đến sự khác biệt giữa các vùng, miền.

Từ góc độ doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện cao, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho biết, hướng tới mục tiêu của Chính phủ về Net Zero đến năm 2050, doanh nghiệp đang có phương án chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện và tăng tính tự chủ sử dụng điện của doanh nghiệp.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/bao-dam-nhu-cau-dien-la-yeu-cau-cap-thiet-de-dat-tang-truong-gdp-8-701462.html
Bình luận (0)