Nông dân Hồ Sỹ Đại bên Cơ sở Sản xuất viên nén gỗ Đại Phát (đóng tại phường Bảo Vinh) của gia đình. |
Đây là sản phẩm sạch với nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên và được dùng làm chất đốt an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa góp phần giải quyết số lượng lớn phế phẩm từ vỏ cây tràm. Cơ sở Sản xuất viên nén gỗ Đại Phát của ông Đại (đóng tại phường Bảo Vinh) đã đi vào hoạt động ổn định khoảng 2 năm nay và sản xuất ra sản phẩm với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhạy bén chuyển đổi mô hình phù hợp
Một ngày đầu tháng 7-2025, chúng tôi đến tham quan Cơ sở Sản xuất viên nén gỗ Đại Phát rộng khoảng 7 ngàn m2 của ông Đại. Cơ sở đang hoạt động ổn định và đem lại nguồn thu khấm khá cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 12 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 15 triệu đồng/người/tháng.
Kể về con đường khởi nghiệp, ông Đại cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông theo gia đình vào vùng đất Đồng Nai (chỗ ở hiện nay) sinh sống, lập nghiệp ổn định từ nhiều năm nay. Gia đình ông trước đây gắn bó với nghề làm nấm nhưng rồi thị trường tiêu thụ bấp bênh, dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ đó, ông sớm có ý định chuyển đổi nghề với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn.
Qua tìm hiểu biết được phế liệu vỏ cây tràm tại các vựa cây thường bị bỏ đi với số lượng rất lớn vì người dân chưa biết khai thác giá trị của nó, ông Đại đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị từ vỏ cây tràm mang lại. Đồng thời, ông được người thân, bạn bè giới thiệu đến tham quan các cơ sở sản xuất viên nén từ phụ phẩm của ngành gỗ để học hỏi kinh nghiệm về quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, nông dân Hồ Sỹ Đại cho biết, ông vẫn tiếp tục duy trì ổn định quy mô sản xuất với khoảng 800-1.000 tấn viên nén/tháng. Ngoài ra, ông sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc mua sắm thêm các thiết bị, máy móc hiện đại vào phục vụ quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng. |
“Qua tìm hiểu thấy nghề này đang phát triển mạnh và có nhiều triển vọng, mô hình lại phù hợp với điều kiện gia đình nên tôi quyết định thử sức” - ông Đại bộc bạch.
Nghĩ là làm, ông Đại quyết định đầu tư tiền tỷ để mua sắm các thiết bị, máy móc (máy nghiền nguyên liệu, máy nén thành viên sản phẩm…) rồi đưa Cơ sở Sản xuất viên nén gỗ Đại Phát đi vào hoạt động chính thức vào năm 2023. “Vạn sự khởi đầu nan”, ông Đại gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu vì mô hình hoàn toàn mới mẻ, trong khi ông chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Điều đó đã khiến sản phẩm làm ra thường không đạt yêu cầu về kích thước, mẫu mã, chất lượng mà thị trường đặt ra. Thế nhưng, chính những lần thất bại đã giúp ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý giá để dần hoàn thiện sản phẩm.
“Trong quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm, tôi đã gặp nhiều khó khăn ở công đoạn nghiền nát vỏ tràm thành nguyên liệu trước khi đưa vào máy nén tạo thành viên. Tôi đã mất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cho việc chỉnh sửa máy nghiền. Sự nỗ lực đã được đền đáp, cuối cùng tôi cũng hoàn thiện được kích cỡ nguyên liệu để sản xuất ra viên nén đúng chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Đại tâm sự.
Đến nay, trung bình mỗi tháng, gia đình ông Đại đã thu mua khoảng 2 ngàn tấn vỏ tràm từ các chủ vựa cây ở tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận để sản xuất ra khoảng 800-1.000 tấn viên nén. Hiện mô hình sản xuất viên nén gỗ của ông hoạt động ổn định, sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc… với số lượng lớn. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá và có điều kiện chăm lo con ăn học.
Tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường
Khi đề cập đến quy trình sản xuất viên nén gỗ, ông Đại chia sẻ kinh nghiệm, nguyên liệu (vỏ tràm) sau khi mua về phải được nghiền nhỏ 2 lần bằng máy (nghiền lần 1 để tạo ra bột thô và nghiền lần thứ 2 để tạo ra bột mịn hơn). Sau đó, đem nguyên liệu đi sấy bằng máy hoặc phơi nắng cho khô rồi mới đưa vào dây chuyền máy ép thành sản phẩm.
Cũng theo ông Đại, việc ông chọn vỏ cây tràm dùng làm nguyên liệu sản xuất ra viên nén vì loại phụ phẩm này rất phổ biến ở tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận (cũ), việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu rất thuận lợi, giảm chi phí đầu tư sản xuất. Đồng thời, ông muốn mua loại phế liệu này nhằm nâng giá trị kinh tế cho cây tràm, vừa giúp bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập.
Ông Lê Viết Long, cán bộ Hội Nông dân phường Bảo Vinh, nhận xét ông Hồ Sỹ Đại là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu, gương sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Thời gian qua, ông đã không ngại khó khăn, sẵn sàng đi đến các địa phương trong nước để tìm tòi, học tập kinh nghiệm về quy trình sản xuất, tạo ra viên nén từ nguyên liệu vỏ cây tràm rồi về áp dụng vào mô hình tại địa phương thành công. Ông Đại là người tiên phong làm mô hình mới này và đã mang lại nhiều kết quả khả quan, giúp cho kinh tế gia đình ngày càng phát triển và giúp nhiều lao động tại địa phương có việc làm ổn định.
“Điều đáng quý là ông Đại đã tạo ra sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường, giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn. Cho nên, trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều hình thức quảng bá mô hình mới, sản phẩm sạch nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng” - ông Long chia sẻ.
An Nhơn - Minh Anh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/bien-rac-tram-thanh-tien-bien-rac-tram-thanh-tien-f77316d/
Bình luận (0)