Ý kiến trên được lãnh đạo các trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đưa ra tại tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Giữ hay bỏ hội đồng trường 2 cấp?” do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức chiều 10/7.
Nội dung góp ý trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo lần 2 của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó, ở Điều 13 quy định: Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Hội đồng trường (gồm hội đồng đại học, hội đồng trường đại học, hội đồng học viện); cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng không tổ chức hội đồng trường.
Cần xác định đúng vai trò của hội đồng trường
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa, chỉ ra mô hình hội đồng trường 2 cấp ở hệ thống đại học quốc gia có thể được hiểu cấp 1 là hội đồng đại học quyết định chiến lược tổng thể, tài chính, nhân sự cấp cao, liên kết ngành nghề chung.
Cấp 2 là hội đồng trường tại các trường thành viên, điều hành hoạt động thường nhật, quyết định các vấn đề quan trọng về đào tạo, khoa học công nghệ, các chiến lược phát triển riêng phù hợp.

GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa phát biểu tham luận (Ảnh: Khánh Ly).
Ông cho biết, từ năm 2020, Trường Đại học Bách khoa là trường đầu tiên trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội đồng trường đúng quy định của Luật Giáo dục đại học 2018.
Trường đã triển khai thành công mô hình tự chủ đại học giúp khẳng định năng lực tự chủ tài chính - học thuật - tổ chức, đạt nhiều bước tiến vững chắc về chất lượng và vị thế quốc tế.
Ông cho rằng kết quả trên đã chứng minh việc có Hội đồng trường không làm mất vai trò của Đại học Quốc gia mà còn tăng hiệu quả điều hành học thuật và phân quyền minh bạch.
Vị chủ tịch hội đồng trường thành viên đưa ra nhận định: “Tự chủ và hội đồng trường là mô hình cấu thành không thể tách rời trong quản trị giáo dục đại học hiện đại”.
Do đó, theo ông, việc không cho phép trường thành viên có hội đồng trường là một hình thức bất bình đẳng thể chế, triệt tiêu quyền tự do học thuật.
Theo PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, đây là hai thiết chế độc lập về mặt quản trị trong một thể chế đại học, cách gọi “2 cấp” là chưa chính xác, bởi mối quan hệ giữa 2 loại hội đồng này không phải quan hệ cấp trên - cấp dưới.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường và hội đồng đại học quốc gia (Ảnh: Khánh Ly).
Hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất tại mỗi trường thành viên, có quyền quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, tổ chức bộ máy, quy chế tài chính, tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… Còn theo bà, hội đồng đại học tập trung ở tầm chiến lược cấp hệ thống, không trực tiếp quản trị từng trường thành viên.
Mâu thuẫn với chủ trương tự chủ đại học
PGS.TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ thông tin, cho rằng tự chủ đại học không thể thiếu hội đồng trường.
Theo ông Lung, bất kỳ trường đại học nào dù là thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng hay là trường đại học độc lập nếu thực hiện tự chủ đều phải có hội đồng trường.
“Không nên có chuyện trường đại học thành viên của đại học quốc gia thì không có hội đồng trường, trong khi các trường khác lại có. Điều này là không nhất quán”, ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, xác định vai trò quản trị của hội đồng trường là cơ quan quyết định các chủ trương, chính sách trong hoạt động của nhà trường.
Nếu bỏ qua vai trò quan trọng này, có lẽ sẽ triệt tiêu năng lực tự chủ nội bộ, đồng thời đi ngược với xu hướng phát triển hệ thống đại học tiên tiến trên thế giới mà Việt Nam đang hướng tới.

Các đại biểu trao đổi bên lề toạ đàm (Ảnh: Ban tổ chức).
Theo các đại biểu dự toạ đàm, việc duy trì hội đồng trường tại mỗi trường thành viên giúp các trường chủ động trong đưa ra các quyết định, chiến lược quan trọng, mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào hội đồng đại học quốc gia.
Đồng thời, cũng không đặt trách nhiệm, áp lực lớn lên các thành viên của hội đồng đại học quốc gia khi đưa ra quyết định cho các trường thành viên, trong khi mỗi trường đều có những đặc thù riêng.
“Nếu chúng ta chưa có sự tổng kết đánh giá nào về vận hành của mô hình này mà đã thay đổi liệu sẽ dẫn đến những bất ổn khi triển khai vào thực tế”, PGS.TS Điệp băn khoăn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học An Giang, cho rằng trước khi sửa đổi Điều 13 của dự thảo Luật Giáo dục đại học cần có quá trình tổng kết và đánh giá toàn diện.
Đang hoạt động tốt, sao lại bỏ?
PGS.TS Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - Luật, đánh giá tổ chức hội đồng trường tại các trường thành viên đang hoạt động tốt thì không lý do gì phải thay đổi.
Ông nhận định dù thực tế có nơi quản trị chưa tốt do vướng mắc trong điều hành, nhưng tại Đại học Quốc gia TPHCM, việc triển khai hội đồng trường đang vận hành hiệu quả, không phát sinh bất nhất.
Ông cho rằng nếu bỏ hội đồng trường, hệ thống có thể rơi vào tình trạng quá tải, cồng kềnh và kém linh hoạt trong xử lý các vấn đề cụ thể của từng trường thành viên. Từ đó, vị PGS kiến nghị cần tiếp tục duy trì hội đồng trường tại các trường thành viên, đồng thời bổ sung quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Ảnh minh hoạ: UEL).
TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó trưởng phụ trách Ban Pháp chế, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết trước đó đã lấy ý kiến một lần về cơ chế Hội đồng trường, kết quả có 8/8 trường đều ủng hộ giữ nguyên chế định hội đồng trường như các trường đại học khác.
Hiện nay, Ban Pháp chế, Đại học Quốc gia TPHCM vẫn tiếp tục lấy ý kiến của các trường đại học thành viên gửi về Vụ Giáo dục đại học, đầu mối Ban Soạn thảo, Bộ GD&ĐT.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng Luật Giáo dục Đại học năm 2018 là một bước ngoặt quan trọng đối với hội đồng trường, tạo ra sự thay đổi về bản chất hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy tự chủ đại học, trong đó phát huy vai trò của hội đồng trường để hội đồng này có thực quyền.
"Ở đâu có tự chủ đại học thì ở đó cần có hội đồng trường. Một trường đại học không có hội đồng trường thì không thể xem là có quyền tự chủ một cách đúng nguyên tắc. Trường đại học nào đủ năng lực để lớn mạnh thì phải được trao quyền tự chủ", TS Phụng nói.
Trước đó, trong một phiên thảo luận 15/5, khi bàn về mô hình này, đại diện Ban Soạn thảo cho biết đang cân nhắc 3 phương án: giữ nguyên hoặc giảm vai trò của một trong hai hội đồng trường.
Đến phiên góp ý hôm 2/7, Bộ GD&ĐT đã đề xuất bỏ hội đồng trường đại học thành viên của đại học quốc gia, vùng, song nhiều trường không đồng ý.
Lý giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết khi tổng kết tình hình thực hiện Luật giáo dục đại học, mô hình hội đồng trường 2 cấp ở đại học quốc gia, vùng là một trong nhiều vướng mắc, bất cập. Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Quốc hội đã đề nghị Bộ xem xét, sửa đổi luật về sự tồn tại song song của hội đồng trường đại học thành viên và hội đồng đại học quốc gia.
"Qua phân tích, cân nhắc thì ban soạn thảo đưa ra đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên. Vì giữ nguyên như hiện nay thì không giải quyết được bất cập trong thực tế", Thứ trưởng Sơn cho hay.
Khánh Ly
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-hoi-dong-truong-dai-hoc-thanh-vien-lo-qua-tai-cong-kenh-kem-linh-hoat-20250711112523693.htm
Bình luận (0)