Đây là một nội dung mới trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục mà Bộ GD-ĐT đưa ra để lấy ý kiến đóng góp.
TRUNG HỌC NGHỀ LÀ CẤP HỌC TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
Cụ thể, dự thảo nêu rõ giáo dục nghề nghiệp nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, gồm trung học nghề và CĐ, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ.
Dự thảo bỏ khái niệm trường trung cấp, chuyển thành trung học nghề và bổ sung trung học nghề là cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức nghề và kiến thức chương trình THPT.
Nếu dự thảo sửa đổi luật Giáo dục được ban hành, HS tốt nghiệp THCS sẽ có 2 hướng là học THPT và trung học nghề
ẢNH: MỸ QUYÊN
Học hết lớp 9, học sinh (HS) sẽ có 3 lựa chọn: vào THPT, trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp.
Theo Bộ GD-ĐT, việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau THCS, học liên thông…; đồng thời phù hợp với cách tiếp cận hệ thống của UNESCO.
CHUẨN HÓA HỆ THỐNG, MINH BẠCH LỘ TRÌNH HỌC TẬP
Nhận định về sự thay đổi này trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho hay: "Việc loại bỏ khái niệm trường trung cấp và thuật ngữ "trình độ trung cấp" không đơn thuần là hành động kỹ thuật, mà là bước đi mang tính chiến lược cải cách hệ thống giáo dục. Nó thể hiện sự nghiêm túc trong việc chuẩn hóa hệ thống, minh bạch hóa lộ trình học tập, và hiện đại hóa khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế".
Theo tiến sĩ Vinh, khung phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 của UNESCO không có cấp học nào mang tên trung cấp. ISCED là cơ sở để các quốc gia quy chuẩn hệ thống giáo dục, phục vụ cho việc công nhận lẫn nhau văn bằng, chứng chỉ. Trong khung này, các trình độ được chia mạch lạc từ giáo dục tiểu học (level 1), THCS (level 2), THPT (level 3), cho đến các bậc sau phổ thông (level 4 đến level 8). "Việc VN duy trì một khái niệm không có trong ISCED khiến hệ thống giáo dục của ta khó được đối sánh quốc tế và gây cản trở trong công nhận văn bằng, trao đổi lao động và hợp tác đào tạo. Một hệ thống giáo dục mạnh không chấp nhận sự tồn tại của một cấp học không được quốc tế công nhận, không rõ vị trí trong hệ thống quốc dân, và không có giá trị pháp lý nhất quán. Hệ thống giáo dục quốc dân cần một danh xưng thống nhất, đó là trung học nghề để đảm bảo tính mạch lạc, minh bạch và dễ quản lý", ông Vinh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vinh cũng cho rằng cơ sở pháp lý trong nước cũng chưa bao giờ xác lập trình độ trung cấp. Ông viện dẫn Nghị định 90 của Chính phủ năm 1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo định hướng rõ ràng cho phân luồng sau THCS, gồm 2 hướng đi là trung học nghề và trung học chuyên nghiệp, không có bậc học trung cấp.
"Điều này cho thấy sự tồn tại của thuật ngữ trung cấp này là hệ quả mang tính hành chính, chứ không phải một chủ đích có định hướng khoa học. Chính vì thế dẫn đến hàng loạt chương trình đào tạo không rõ vị trí: không thuộc phổ thông, không hẳn sau phổ thông, và càng không tương đương CĐ. Không chỉ bỏ khái niệm trường trung cấp, mà nên loại bỏ cả thuật ngữ "trình độ trung cấp" khỏi luật Giáo dục, luật Giáo dục nghề nghiệp và Khung trình độ quốc gia để tiến tới xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, dễ hiểu, dễ đối sánh và minh bạch", tiến sĩ Vinh nên quan điểm.
XÓA BỎ SỰ PHÂN BIỆT GIỮA THPT VÀ TRUNG HỌC NGHỀ
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, ủng hộ điểm sửa đổi này trong dự thảo luật. Ông cho biết ở nhiều quốc gia, giáo dục trung học bậc cao (upper secondary education) có 2 luồng là THPT (general secondary education) và trung học nghề (vocational secondary education). Bằng trung học nghề và bằng tốt nghiệp THPT hoàn toàn bình đẳng, tương đương với nhau và đều cùng đạt cấp độ 3 về học vấn.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng đánh giá làm như vậy sẽ xóa bỏ sự phân biệt giữa THPT và trung học nghề, nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp để người tốt nghiệp trường trung học nghề và HS trường THPT cùng trình độ có quyền bình đẳng về cơ hội học tập nâng cao, việc làm và phát triển nghề nghiệp. Như vậy người học mới không ngại ngần khi lựa chọn và giảm áp lực của việc thi vào lớp 10 công lập, thực hiện phân luồng khi không còn sự phân biệt THPT và trung học nghề. Đó chính là điểm đột phá mà sửa đổi luật Giáo dục và luật Giáo dục nghề nghiệp cũng nên nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đưa trung học nghề thành cấp học thay cho trung cấp để giải bài toán phân luồng
ảnh: Mỹ Quyên
Theo tiến sĩ Khuyến, VN cần tổ chức lại hệ thống giáo dục các trường THPT, trung cấp, các cơ sở dạy nghề ở địa phương để hình thành nên 2 loại trường cơ bản là THPT và trung học nghề. Luồng THPT chủ yếu cung cấp nguồn tuyển cho CĐ và ĐH. Luồng trung học nghề chủ yếu cung cấp nhân lực tham gia thị trường lao động, một bộ phận không nhỏ cũng sẽ là nguồn tuyển cho CĐ thực hành và tiếp sau đó là ĐH ứng dụng.
"Trong nhiều năm qua, việc không phân luồng triệt để HS sau THCS dẫn đến hậu quả VN chỉ có được nguồn nhân lực quá thấp về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT), hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp), hoặc mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo luật Giáo dục nghề nghiệp), hoặc ở mức vượt quá trình độ công nghệ hiện tại của đất nước (như ở hệ CĐ). Kết quả đánh giá tổng hợp nguồn nhân lực của Tổ chức BERI (Business Environment Risk Intelligence) từ lâu cũng đã xếp VN vào nhóm nước cuối cùng, có kỹ năng nghề nghiệp ở dưới mức tiêu chuẩn", tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định.
Vì thế, ông Khuyến cho rằng việc đưa trung học nghề thành cấp học thay cho trung cấp là một trong những công việc mà ngành giáo dục cần làm ngay để giải bài toán phân luồng, liên thông và đảm bảo cơ cấu nhân lực hợp lý.
Không chỉ là vấn đề tên gọi
Nếu dự thảo luật trở thành luật, trường trung cấp sẽ thành trường trung học nghề, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chỉ là vấn đề thay đổi tên gọi nhằm chuẩn hóa, phù hợp với quốc tế và có tính thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân.
"Chương trình trung học nghề là học kiến thức văn hóa tích hợp với kiến thức, kỹ năng nghề. Trong khi đó, chương trình đào tạo mà trường trung cấp đang thực hiện đối với HS tốt nghiệp THCS hiện nay cũng là đào tạo nghề kết hợp với văn hóa. Theo quy định hiện hành thì người tốt nghiệp THCS có bằng trung cấp và học đủ khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định, đều được thi để xét tuyển ĐH và được liên thông ĐH. Vậy làm sao để sau khi đổi thành trung học nghề, HS sẵn sàng chủ động lựa chọn trung học nghề chứ không lặp lại tình trạng khó tuyển như trường trung cấp?", Giáo sư Thuyết nêu.
Theo ông Thuyết, lúc đó các cơ quan nhà nước cần bỏ quy định tuyển dụng phải có bằng tốt nghiệp THPT như thời gian qua. Đồng thời nhà nước phải có chính sách riêng cho HS tốt nghiệp THCS chọn hướng học trung học nghề.
Một chuyên gia về đào tạo nghề trăn trở, khi trung học nghề là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân, nó không phải là vấn đề tên gọi nữa, mà chúng ta phải xác định được: trung học nghề đào tạo cái gì, đào tạo cho ai, đào tạo để ra thị trường lao động hay để liên thông lên CĐ, ĐH? "Muốn xác định rõ các vấn đề trên, phải có quá trình nghiên cứu, khảo sát... để hiểu được vai trò, bản chất, có căn cứ, đưa ra những minh chứng về tính khả thi, ưu việt của nó. Tránh tình trạng biến HS trở thành những công cụ thí điểm rồi được một thời gian lại thay đổi", vị chuyên gia nhận định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-khai-niem-truong-trung-cap-bang-trung-hoc-nghe-binh-dang-voi-thpt-185250515162100902.htm
Bình luận (0)