Lộ trình từng bước xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh, mở ra kỳ vọng về một cơ chế phân bổ vốn linh hoạt, phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại. Song hành cùng đó là việc ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN bước đi mang tính bản lề nhằm siết lại chuẩn an toàn vốn, hướng tín dụng vào lĩnh vực thiết yếu, hạn chế rủi ro hệ thống.
Tín dụng vẫn là “mạch máu” chính, cần dòng chảy hợp lý
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2025, tổng tín dụng toàn hệ thống tăng tới 19,4% so với cùng kỳ, trong khi cung tiền tăng xấp xỉ 17%, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ 2017. Theo đó, phản ánh một thực tế rằng trong bối cảnh thị trường vốn chưa thực sự phát triển, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù vậy, cơ cấu dòng chảy tín dụng vẫn còn bất cập. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ vận tải, kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực khác, trong khi công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao là những lĩnh vực và những ngành được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng bền vững thì tỉ lệ tăng trưởng tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng thấp.
Cho thấy một nghịch lý, vốn vẫn đang bị hút mạnh vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao thay vì chảy vào các ngành nền tảng có giá trị gia tăng lớn, khả năng lan tỏa mạnh. Như vậy, nếu không có một cơ chế phân bổ vốn linh hoạt và hiệu quả, nền kinh tế rất dễ rơi vào trạng thái lệch pha giữa cung – cầu vốn, giữa tăng trưởng nóng và bền vững.
Bởi vậy, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là rõ ràng, tiến tới xóa bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng, đồng thời nâng tiêu chuẩn an toàn vốn để kiểm soát dòng vốn hiệu quả hơn thay vì can thiệp hành chính.
Thông tư 14/2025/TT-NHNN - Bước đệm để “bỏ room” tín dụng
Trước việc hướng tới bỏ room tín dụng, một trong những bước đi mạnh mẽ nhất vừa được thực thi là ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2025. Văn bản này thay đổi sâu sắc cách tính, giám sát và điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn, tiệm cận chuẩn mực Basel III, đồng thời phù hợp với thực tiễn hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam. Thông tư này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các tỷ lệ an toàn vốn cụ thể là:
Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 ≥ 4,5%, Tỷ lệ vốn cấp 1 ≥ 6%, CAR tối thiểu ≥ 8%. Đặc biệt, lần đầu tiên Thông tư đưa vào bộ đệm vốn bắt buộc gồm: Bộ đệm bảo toàn vốn (Capital Conservation Buffer – CCB); Bộ đệm vốn phản chu kỳ (Counter-cyclical Capital Buffer – CCyB); Bộ đệm cho ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống (D-SIBs buffer).
Mức CAR để được chia lợi nhuận cũng được quy định chặt chẽ theo lộ trình tăng dần, từ 8,625% trong năm đầu tiên đến 10,5% vào năm thứ tư, tức 2033 hoặc sớm hơn nếu áp dụng sớm. Điều này đồng nghĩa, nếu muốn phân phối lợi nhuận bằng tiền mặt, các ngân hàng phải nâng cao năng lực vốn thực chất và khả năng chống chịu rủi ro.
Ngoài ra, Thông tư 14 còn phân loại chi tiết hơn về tài sản đảm bảo, mục đích khoản vay và nguồn trả nợ, áp hệ số rủi ro khác nhau cho từng loại bất động sản và tài sản thế chấp, từ đó giúp định lượng rủi ro tín dụng sát thực hơn, tránh tình trạng “vẽ đẹp” báo cáo như trước.
Đối với các khoản vay nông nghiệp, nông thôn, SME, Thông tư áp dụng hệ số rủi ro ưu đãi hơn, phù hợp với định hướng tăng cường tín dụng cho các lĩnh vực này. Trong khi đó, hệ số rủi ro đối với nợ xấu tăng mạnh, buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn trong phê duyệt và xử lý tín dụng.
Tái định hình năng lực vốn và phân loại ngân hàng
Thông tư 14 tạo ra một “cuộc thi sát hạch vốn” thực sự giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có bộ đệm vốn tốt, chất lượng tài sản cao, chiến lược tín dụng rõ ràng, ít phụ thuộc vào cho vay bất động sản, sẽ nhanh chóng vượt qua yêu cầu mới và chiếm lợi thế trong giai đoạn không còn hạn mức tín dụng.
Theo báo cáo từ Vietcap, các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, BIDV đang nổi bật nhờ: CAR hiện tại ở mức cao (trên 10%); Danh mục tài sản bảo đảm lành mạnh, chủ yếu là bất động sản đô thị đã có sổ đỏ; Chiến lược phát triển mạnh mảng bán lẻ và SME – hai lĩnh vực được ưu đãi về hệ số rủi ro.
Vietcap đánh giá rằng, các quy định mới về an toàn vốn không chỉ nâng tiêu chuẩn quản trị và kiểm soát rủi ro, mà còn góp phần giảm phụ thuộc vào công cụ hành chính như room tín dụng – một hình thức can thiệp “thô” nhưng đã duy trì suốt hơn một thập kỷ.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng từng nhận định: “Không có công cụ nào là mãi mãi. Việc bỏ room là cần thiết, nhưng phải đi kèm chuẩn mực vốn chặt chẽ để giữ an toàn hệ thống.”
Như vậy, Thông tư 14 là bước chuẩn bị cần thiết và quyết liệt, giúp “dọn đường” cho việc xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng từ năm 2026, thay vào đó là cơ chế thị trường dựa trên năng lực tài chính, xếp hạng tín dụng và chuẩn mực quản trị rủi ro.
Như vậy, việc bỏ hạn mức tín dụng không chỉ là thay đổi kỹ thuật quản lý, mà là chuyển đổi tư duy điều hành chính sách tiền tệ – tín dụng. Từ mô hình kiểm soát hành chính sang cơ chế thị trường có điều tiết thông minh.
Điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, buộc ngân hàng phải nâng chất lượng vốn, năng lực phân tích rủi ro và hiệu quả phân bổ nguồn lực. Đồng thời, hướng dòng vốn vào sản xuất – kinh doanh, đổi mới công nghệ, hạn chế đầu cơ tài sản.
Trên hết, xóa bỏ room tín dụng là điều kiện cần để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đầy tham vọng đến năm 2030 theo Nghị quyết 68 – với 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tỷ lệ 20 DN/1.000 dân.
Tuy nhiên, để việc “bỏ room” đạt hiệu quả, cần song hành các giải pháp như việc nâng cao năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước; Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn trung – dài hạn; Xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội địa chất lượng cao; Thúc đẩy số hóa trong cấp tín dụng, kiểm soát dòng tiền.
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lớn: tiếp tục duy trì can thiệp hành chính hay bứt phá sang cơ chế vận hành hiện đại. Thông tư 14 và lộ trình xóa bỏ room tín dụng là bước đi táo bạo, nhưng cần thiết, mở đường cho một hệ thống tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/bo-room-buoc-ngoat-tai-thiet-thi-truong-von-ngan-hang-383902.html
Bình luận (0)