Bộ Tài chính dồn lực cải cách, điều hành ngân sách hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Với nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các mặt công tác, từ quản lý ngân sách, xây dựng chính sách đến cải cách doanh nghiệp, đầu tư công, thị trường tài chính và thu hút FDI, Bộ Tài chính đã thể hiện rõ vai trò "trụ cột" trong thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh trong nửa đầu năm 2025.
Báo Chính Phủ•10/07/2025
Tính đến hết tháng 6/2025, tổng thu ngân sách đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2024...
Chủ động xây dựng thể chế
Trong báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 6/2025 và 6 tháng đầu năm 2025 của Bộ Tài chính phát đi chiều ngày 10/7, Bộ Tài chính cho biết: Ngay từ đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai chương trình xây dựng pháp luật theo Nghị quyết 01/NQ-CP và chương trình của Chính phủ.
Kết quả, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 dự án luật, nghị quyết. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng và trình bổ sung 11 dự án luật khác, trong đó có các dự án lớn như Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Tiết kiệm, chống lãng phí.
Lũy kế đến hết tháng 6/2025, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 45 nghị định, 1 nghị quyết, 2 quyết định và ban hành 61 thông tư theo thẩm quyền. Riêng trong tháng 6, đã có 15 nghị định, 1 nghị quyết và 25 thông tư được ban hành. Hiện vẫn còn 20 nghị định, 1 nghị quyết, 2 quyết định và 11 thông tư đang trong quá trình hoàn thiện.
Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 31/5/2025, cập nhật các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kết luận 123-KL/TW và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Cùng với đó, Bộ cũng hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng theo tháng, quý và rà soát tính khả thi của từng ngành, địa phương.
Một loạt đề án lớn cũng được Bộ trình các cấp có thẩm quyền, như cơ chế đặc thù cho TP Hải Phòng và Vân Đồn (Quảng Ninh), phân định thẩm quyền giữa hai cấp chính quyền địa phương, hay chuyển tiếp cơ chế đặc thù sau sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Tính đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2024...
Bộ Tài chính đã thành lập 7 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ sở dữ liệu các dự án khó khăn, đề xuất mở rộng cơ chế đặc thù để xử lý. Kết quả, riêng tháng 6, tiến độ giải ngân tăng vượt bậc, đạt trên 268,1 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Về cổ phần hóa và xử lý doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã trình Quốc hội dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sửa đổi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước. Nhiều đề án lớn như tái cơ cấu Vietnam Airlines, SBIC, EVN, TKV, các dự án lọc hóa dầu, giao thông, nông lâm nghiệp... đang được phối hợp xử lý tài chính, tháo gỡ vướng mắc.
Bộ đã trình ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và các nghị quyết triển khai thực hiện. Nhờ vậy, trong 6 tháng, có gần 91.200 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 60,5%), hơn 61.500 doanh nghiệp quay lại hoạt động (tăng 57,2%) và trên 124.300 hộ kinh doanh mới chỉ riêng tháng 6 (tăng 118,4%).
Về thị trường tài chính,chỉ số VNIndex tăng 8,6% so với cuối năm 2024, HNX-Index giữ ổn định. Giao dịch chứng khoán duy trì bình quân 21.300 tỷ đồng/phiên. Trái phiếu chính phủ đã phát hành 201,4 nghìn tỷ đồng; trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt gần 196 nghìn tỷ đồng.
Ngành bảo hiểm tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu 114,8 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 41,47 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ.
Đến ngày 30/6, 98,2% quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh đã được phê duyệt. Công tác thống kê phục vụ tốt cho hoạch định chính sách và tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 đang được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 44% lực lượng lao động (tăng 2,5 triệu người); bảo hiểm y tế đạt 95,2% dân số; bảo hiểm thất nghiệp đạt 34,8%. Tổng thu từ 3 loại bảo hiểm đạt gần 293,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Hệ thống bảo hiểm đã giải quyết chế độ mới cho hơn 61.600 người, trợ cấp thất nghiệp cho 337.000 người (giảm 22%) và hỗ trợ học nghề cho hơn 8.100 người.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD (tăng 32,6%), cao nhất từ năm 2009. Vốn thực hiện đạt hơn 11,7 tỷ USD. Ngành chế biến chế tạo và bất động sản dẫn đầu cả về vốn và số lượng dự án. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn nước ngoài trong nửa đầu năm.
Bình luận (0)