Nếu được chứng minh an toàn, công nghệ này có thể mở ra cơ hội sinh con ruột cho mọi đối tượng, bất kể độ tuổi hay khả năng sinh sản. (Nguồn: Getty Images) |
Theo Giáo sư Katsuhiko Hayashi - chuyên gia di truyền phát triển tại Đại học Osaka (Nhật Bản), công nghệ sinh tinh và tạo trứng trong ống nghiệm (in-vitro gametogenesis – IVG) đang có những bước tiến thần tốc. Chỉ trong vài năm tới, thành tựu này có thể được ứng dụng thực tiễn.
IVG là quá trình biến tế bào da hoặc máu thành tế bào gốc, sau đó chuyển hóa thành tế bào mầm – tiền thân của tinh trùng và trứng. Các tế bào này được đưa vào các cơ quan sinh sản nhân tạo (organoid) để tiếp nhận tín hiệu sinh học giúp phát triển thành giao tử hoàn chỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội sinh sản và phôi học châu Âu (ESHRE) ở Paris, Giáo sư Hayashi chia sẻ rằng, phòng thí nghiệm của ông đã tạo được tinh nguyên bào trong mô tinh hoàn nhân tạo. Dù các tế bào chưa phát triển thành tinh trùng trưởng thành, nhóm nghiên cứu đang cải tiến hệ thống cấp oxy để đạt kết quả cao hơn. Ông dự đoán, chỉ cần thêm bảy năm nữa để có thể tạo ra tinh trùng người khả thi trong phòng thí nghiệm.
Tại Mỹ, startup Conception Biosciences cũng theo đuổi hướng đi này với sự ủng hộ từ các nhà đầu tư lớn như Sam Altman – sáng lập OpenAI. Giám đốc điều hành công ty Matt Krisiloff, khẳng định: “Trứng nhân tạo có thể là công cụ hiệu quả nhất để đảo ngược đà suy giảm dân số”. Ông tin rằng, công nghệ này mở rộng đáng kể “cửa sổ lập kế hoạch gia đình”, cho phép phụ nữ sinh con ở độ tuổi cao hơn nhiều so với hiện tại.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, IVG phải trải qua nhiều năm thử nghiệm để bảo đảm an toàn sinh học, tránh nguy cơ đột biến gene truyền sang các thế hệ sau. Một số chuột được sinh ra bằng trứng nhân tạo cho thấy tuổi thọ và khả năng sinh sản bình thường, nhưng điều đó chưa đủ để ứng dụng trên người.
Về mặt đạo đức, các nhà khoa học thận trọng trước những khả năng như sinh con từ hai người cha hoặc từ một cha/mẹ duy nhất. Giáo sư Hayashi chia sẻ: “Tôi đã tạo ra chuột con từ hai con đực, nhưng điều đó không tự nhiên. Khoa học mà tạo ra điều phi tự nhiên thì càng cần phải cẩn trọng”.
Bên cạnh đó, khả năng chỉnh sửa gene và sàng lọc hàng loạt phôi thai cũng được đặt ra như một hệ quả tiềm năng, đòi hỏi khung pháp lý nghiêm ngặt. Ở Anh, hiện luật pháp cấm sử dụng tế bào sinh sản nhân tạo trong điều trị hiếm muộn, và các cơ quan quản lý đang nỗ lực xây dựng quy chuẩn an toàn cho công nghệ mới này.
Dù còn nhiều rào cản về đạo đức và luật pháp, giới khoa học đồng thuận rằng IVG là hướng đi đầy hứa hẹn cho không chỉ với người hiếm muộn mà còn với các cặp đồng tính, người chuyển giới và những người từng mắc bệnh ung thư. Giáo sư Rod Mitchell từ Đại học Edinburgh nhận định: “Có thể trong năm đến 10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến tinh trùng hoặc trứng được tạo ra từ các tế bào chưa trưởng thành. Đây không còn là điều viển vông”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/buoc-ngoat-cong-nghe-ho-tro-sinh-san-320553.html
Bình luận (0)