, về vấn đề này.
- Ông cho biết, ngành Y tế tỉnh đã có những điều chỉnh gì để thích ứng với mô hình mới, nhất là với hệ thống y tế cơ sở? + Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về tổ chức, trong đó hệ thống y tế cơ sở là một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và sâu sắc nhất. Ở Quảng Ninh, y tế cơ sở bao gồm trạm y tế (TYT) tuyến xã và trung tâm y tế (TTYT) các địa phương. Đây là tuyến gần dân nhất, giữ vai trò nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, dân số, y tế trường học... Trước yêu cầu đó, Sở Y tế đã chủ động xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế phù hợp với mô hình mới. Theo đó, hệ thống TYT được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo phủ kín địa bàn, thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ. Cụ thể, từ 171 TYT, sau sắp xếp còn 60 TYT và 90 điểm trạm, trong đó 8 TYT thuộc 2 đặc khu. Việc sáp nhập được thực hiện trên nguyên tắc khoa học, trên cơ sở tính toán, cân nhắc các yếu tố như dân số, địa lý, giao thông, thực trạng cơ sở vật chất, đặc biệt là khả năng đáp ứng của đội ngũ y tế. Các TTYT được rà soát, sắp xếp lại thành các TTYT theo khu vực, phù hợp với quy mô, tính chất địa bàn, bảo đảm đồng bộ với hệ thống hành chính mới. Đồng thời đảm bảo hỗ trợ tối đa về chuyên môn, kỹ thuật cho các TYT, cung cấp dịch vụ y tế thuận lợi cho người dân trong khu vực. |
- Ông có thể đánh giá rõ hơn những khó khăn của hệ thống y tế cơ sở hiện nay, những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trong chuyển đổi mô hình quản lý?
+ Hệ thống y tế cơ sở thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, thực tế vận hành cho thấy còn nhiều bất cập cả ở TYT và TTYT.
Những năm gần đây mặc dù ngành rất quan tâm, cố gắng bố trí để các TYT đều có bác sĩ làm việc, nhưng nhân lực chủ yếu vẫn là các y sĩ, điều dưỡng. Hiện phần lớn mỗi trạm chỉ có 5-7 người. Trong khi đó, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, như phòng chống dịch bệnh; tiêm chủng cần mở rộng; quản lý bệnh không lây nhiễm; y tế học đường; dân số; quản lý sức khoẻ toàn dân... ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, hiệu quả. Đây là thách thức rất lớn với toàn ngành cũng như hệ thống y tế cơ sở. Ngoài ra, trong điều kiện giao thông rất thuận tiện, người dân thường “bỏ qua” tuyến xã, trực tiếp lên tuyến trên, khiến cho việc thực hiện chức năng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân tại các TYT trở nên mờ nhạt, chủ yếu làm công tác dự phòng.
Mỗi TTYT hiện vừa phải thực hiện KCB như một bệnh viện, vừa quản lý hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn, vừa thực hiện y tế dự phòng, dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe… Sự “ôm đồm” này khiến bộ máy quá tải, thiếu chiều sâu chuyên môn, cán bộ quản lý bị phân tán, không thể chuyên sâu vào từng lĩnh vực.
Các thách thức bất cập nêu trên nếu không sớm tái cấu trúc kịp thời hệ thống y tế cơ sở sẽ có nguy cơ “đứt gãy” các dịch vụ cơ bản, nhất là phòng chống dịch, dân số, y tế học đường; gánh nặng cung ứng dịch vụ y tế sẽ dồn lên tuyến tỉnh, tạo áp lực quá tải lên hệ thống y tế nói chung.
- Ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị nguồn lực ra sao và đặt ra mục tiêu gì để hệ thống y tế cơ sở vận hành hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới?
+ Trong bối cảnh chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ngành Y tế tỉnh xác định rõ, tái cấu trúc hệ thống y tế cơ sở không chỉ là bài toán tổ chức bộ máy, mà là quá trình đổi mới tư duy quản lý, cải thiện chất lượng phục vụ và đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Về nhân lực, chúng tôi đã rà soát kỹ toàn bộ đội ngũ tại các TYT, bố trí lại phù hợp với mô hình mới. Các trạm chính, điểm trạm đảm bảo có bác sĩ trực tiếp hoặc tăng cường từ TTYT. Việc lựa chọn trạm trưởng, trạm phó được cân nhắc trên cơ sở năng lực chuyên môn và thực tế công tác. Đối với những cán bộ không được bố trí lại vị trí tương đương, ngành sẽ áp dụng đầy đủ chính sách theo quy định.
Về cơ sở vật chất, chúng tôi ưu tiên tận dụng những cơ sở hiện có còn tốt, vị trí phù hợp để làm trạm chính, đồng thời nâng cấp điểm trạm phục vụ các khu vực dân cư xa trung tâm. Giai đoạn 2026-2027 tiếp tục đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa TYT theo đúng tiêu chí của Bộ Y tế. Các TTYT vẫn sử dụng và sắp xếp lại các trụ sở hiện có cho phù hợp công năng và yêu cầu thực tiễn, đảm bảo ổn định chuyên môn trong thời gian đầu chuyển đổi; từng bước đề xuất tăng cường đầu tư theo thực tế phát triển của ngành.
Về tài chính, toàn bộ hệ thống TYT tiếp tục được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Các TTYT sẽ vận hành theo cơ chế tự chủ từng phần hoặc toàn phần tùy theo năng lực thực tiễn. Đồng thời ngành tăng cường chuyển đổi số, kết nối dữ liệu giữa TYT, TTYT, các bệnh viện với Sở Y tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giám sát chất lượng dịch vụ.
Với phương châm “Y tế gần dân, sát dân và đáp ứng thuận lợi, kịp thời, đầy đủ nhất cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân”, ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, hiện đại, làm tốt nhiệm vụ quản lý sức khoẻ toàn diện, liên tục cho mỗi người dân. TYT sẽ là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, là nơi người dân tin tưởng tìm đến đầu tiên khi cần dịch vụ y tế. TTYT giữ vai trò điều phối, chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho TYT, cung cấp các dịch vụ KCB cơ bản cho người dân trong khu vực; đồng thời đảm nhận nhiệm vụ kết nối với các cơ sở y tế chuyên sâu để phục vụ nhanh chóng, hiệu quả cho nhu cầu KCB có chất lượng cao tại địa bàn.
Tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng tinh thần đổi mới và quyết tâm từ ngành Y tế, chúng tôi sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó, để y tế cơ sở Quảng Ninh tiếp tục là điểm sáng trong hệ thống y tế cả nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tung-buoc-xay-dung-he-thong-y-te-co-so-vung-manh-hien-dai-3365506.html
Bình luận (0)