Thiết bị dù tắt, vẫn tiêu thụ điện
Trên thực tế, nhiều người đến nay vẫn có thói quen để các thiết bị điện tử như TV, điều hòa, máy tính hay sạc điện thoại cắm điện thường xuyên, kể cả khi đã tắt hoặc không sử dụng.
Không ít ý kiến cho rằng điều này gây lãng phí điện năng và làm tăng chi phí sinh hoạt hàng tháng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia năng lượng, các thiết bị cắm điện chờ thực chất chỉ tiêu thụ một lượng điện rất nhỏ, chủ yếu để duy trì hoạt động của mạch điều khiển.
Việc hiểu đúng bản chất của điện năng chờ sẽ giúp người dùng tránh những lo lắng không cần thiết, đồng thời tối ưu cách sử dụng điện trong gia đình.

Đa số thiết bị gia dụng ngày nay chỉ ngừng tiêu thụ điện khi ngắt điện khỏi ổ cắm (Ảnh: Getty).
Trong trạng thái tắt bằng điều khiển từ xa, hầu hết các thiết bị điện không thực sự ngắt nguồn hoàn toàn mà chuyển sang chế độ chờ, còn gọi là "standby".
Trong chế độ này, các vi mạch điều khiển, cảm biến tín hiệu, đồng hồ thời gian thực hoặc bộ nhận tín hiệu từ xa vẫn tiếp tục hoạt động. Đây là lý do khiến thiết bị vẫn có thể phản hồi nhanh khi người dùng bật lại.
Theo các nghiên cứu kỹ thuật, công suất tiêu thụ điện ở chế độ này thường dao động từ 0,5 đến 3 watt, tùy thuộc vào từng loại thiết bị và thế hệ sản phẩm.
Cụ thể, một chiếc TV LCD đời mới thường chỉ tiêu thụ khoảng 1 đến 2 watt khi ở chế độ chờ. Bộ sạc điện thoại để không nhưng vẫn cắm vào ổ điện tiêu thụ khoảng 0,1 đến 0,3 watt. Các thiết bị như đầu thu truyền hình số, router Wi-Fi hoặc máy in có thể tiêu thụ từ 3 đến 8 watt, do cần duy trì kết nối hoặc bộ nhớ tạm.
Cũng cần lưu ý, một số thiết bị như máy in hoặc laptop có thể tiêu thụ điện cao hơn ở chế độ "ngủ" hoặc "chờ tạm thời" (idle), không phải standby thực sự. Ở chế độ Standby, điện năng có thể tiêu thụ ≤1–2watt; trong khi ở chế độ Idle, điện năng có thể tiêu thụ 10–20watt.
Bộ sạc laptop, loa kéo, lò vi sóng có màn hình LED luôn sáng... có thể ngốn điện dù không sử dụng.
Mặc dù những con số này đều rất nhỏ nếu tính riêng lẻ, nhưng nếu cộng dồn lại thì lượng điện đó có đáng kể hay không?
Tổng lượng điện tiêu thụ không quá lớn, nhưng không nên chủ quan

Một thiết bị ở chế độ chờ sẽ không tiêu tốn đáng kể. Nhưng nếu cộng dồn 10 đến 15 thiết bị, chi phí tiêu hao có thể chiếm từ 5 đến 10% hóa đơn điện (Ảnh: Getty).
Một phân tích dựa trên các thiết bị phổ biến trong hộ gia đình cho thấy tổng mức điện năng tiêu thụ ở chế độ chờ của 10 đến 15 thiết bị có thể lên tới 300 đến 350 kWh mỗi năm (300 đến 350 số điện).
Thí dụ, hai chiếc TV tiêu thụ khoảng 35 kWh, hai đầu thu truyền hình số ngốn hơn 80 kWh, một router Wi-Fi tiêu tốn khoảng 70 kWh, trong khi điều hòa, loa Bluetooth, máy tính để bàn, sạc điện thoại, laptop... có thể góp thêm gần 150 kWh mỗi năm.
Với giá điện sinh hoạt trung bình hiện nay khoảng 2.380 đồng mỗi kWh (áp dụng từ bậc 3), tổng chi phí điện cho phần tiêu hao chờ này vào khoảng 765.000 đồng mỗi năm cho một gia đình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hóa đơn điện tăng cao. Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), điện năng chờ thường chiếm từ 5 đến 10% tổng lượng điện tiêu thụ trong hộ gia đình.
Trong khi đó, các thiết bị sử dụng nhiều điện nhất vẫn là điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh, máy giặt, bếp từ hoặc thiết bị giải trí hoạt động thường xuyên. Vì vậy, điện năng chờ dù có thật, nhưng mức độ ảnh hưởng là không quá lớn nếu người dùng biết kiểm soát hợp lý.
Giải pháp nào để tiết kiệm điện hợp lý?

Các thiết bị điện tử có chứng nhận tiết kiệm năng lượng giúp hạn chế mức tiêu thụ điện ở chế độ chờ (Ảnh: Getty).
Dù điện năng chờ không phải là nguyên nhân chính làm tăng hóa đơn điện, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng nên chủ động kiểm soát để tránh lãng phí không cần thiết.
Trước hết, nên tắt hoàn toàn nguồn điện đối với các thiết bị không sử dụng thường xuyên như TV ở phòng khách, loa Bluetooth hoặc máy in. Việc sử dụng ổ cắm có công tắc bật tắt riêng cũng là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả, giúp người dùng ngắt hoàn toàn nguồn điện mà không cần rút phích cắm thủ công.
Bên cạnh đó, nên ưu tiên chọn mua các thiết bị điện tử có chứng nhận tiết kiệm năng lượng như Energy Star, vốn được thiết kế để hạn chế mức tiêu thụ điện ở chế độ chờ theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Với những thiết bị cần hoạt động liên tục như modem Wi-Fi, đèn ngủ hoặc loa thông minh, người dùng có thể cài đặt bộ hẹn giờ hoặc sử dụng ổ cắm thông minh để tự động tắt vào ban đêm.
Riêng với các thiết bị quan trọng như router mạng, máy chủ NAS hoặc thiết bị lưu trữ, nên lựa chọn loại tiết kiệm điện và kích hoạt các chế độ tiết kiệm năng lượng như “ngủ sâu” (deep sleep) để hạn chế tiêu hao khi không hoạt động.
Trong các tình huống như đi xa dài ngày, trời mưa giông hoặc khu vực hay bị sét đánh, người dùng nên rút hẳn phích cắm khỏi ổ điện, không chỉ để tiết kiệm điện mà quan trọng hơn là để đảm bảo an toàn cho thiết bị và phòng tránh rủi ro chập cháy.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/cam-dien-thiet-bi-o-che-do-cho-ca-ngay-gay-ton-dien-ra-sao-20250710102619856.htm
Bình luận (0)