Điểm bán hàng Việt do Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng tại Khu Đô thị Dệt may (thành phố Nam Định). |
Thích ứng với xu thế này, ngành Công Thương đã chủ động nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt. Sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp tranh thủ tối đa những ưu đãi về chính sách thuế của Nhà nước; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký chương trình khuyến mại; mở rộng chi nhánh; hoàn thiện hợp đồng mẫu… Đồng thời yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh tham gia vào các chương trình kích cầu, khuyến mại tập trung quốc gia và chủ động tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu thụ sản phẩm xuyên suốt và kéo dài trong cả năm… để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và tăng trưởng doanh thu. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại áp dụng theo từng ngành hàng khác nhau với hình thức hấp dẫn: giảm giá, tích điểm, tặng quà, phiếu mua hàng, bán hàng đồng giá, chính sách ưu đãi dành riêng cho khách hàng thành viên hoặc mua sắm qua kênh online… để kích thích tiêu dùng.
Tại siêu thị GO! Nam Định, từ đầu năm đến nay đã thực hiện hàng loạt đợt khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng như duy trì hoạt động khuyến mãi, giảm giá thường xuyên và luân phiên với hàng trăm sản phẩm, chủ yếu là ở nhóm hàng thiết yếu. Hiện tại, siêu thị đang triển khai chương trình “Chợ sớm giảm sung” giảm giá 10% (kể cả các mặt hàng đang khuyến mại) đối với toàn bộ sản phẩm tươi sống được mua trong khoảng thời gian từ 8-10 giờ sáng, áp dụng từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Ngoài ra, siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt như: giảm giá trực tiếp từ 10-49%, “mua là tặng”, “mua nhiều tiết kiệm nhiều” đối với các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm công nghệ, hàng bách hóa, thời trang… Hiện tại, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mại để đẩy mạnh sức mua của người dân trong những tháng cuối năm 2025.
Song song với việc kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương cũng làm tốt vai trò dẫn dắt người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt thông qua việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt, sản phẩm thế mạnh của địa phương; đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng các điểm nhận diện, bán hàng Việt... Từ đó, giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý nhất. Qua những chương trình này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa trong tỉnh đã sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau để tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm áp lực lên giá thành sản xuất và tạo cơ hội cho doanh nghiệp bạn cùng phát triển. Trong đó Công ty TNHH MTV Minh Dương liên kết với người dân các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh để xây dựng vùng nguyên liệu ngô, khoai tây… phục vụ sản xuất. Hợp tác xã thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản) sử dụng sản phẩm muối hầm của Công ty Cổ phần Chế biến và Kinh doanh thực phẩm Đông Nam Á (thành phố Nam Định) làm nguyên liệu chế biến mơ muối.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, góp phần mở rộng và khai thác hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa. Trong đó, ngành tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch thương mại, kết nối giao thương mang tính liên kết vùng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp của tỉnh có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa chất lượng của địa phương với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, xây dựng các chương trình giao thương trực tuyến trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế phát triển kênh phân phối hàng hóa thông qua nền tảng số…
Nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa đã góp phần ổn định tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh và giữ được đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm 2025 đạt 28.601 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 25.312 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng mức và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao: Lương thực, thực phẩm tăng 23,9%; hàng may mặc tăng 19,3%; đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình tăng 14,6%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 17,4%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,4%; xăng, dầu các loại tăng 6,2%; nhiên liệu khác tăng 0,2%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 30,8%; hàng hóa khác tăng 20,7%. Cùng với đó chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 216,09% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 51,90%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 40,79%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 34,76%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 4,74%.
Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng xanh, bền vững, mở rộng các chuỗi liên kết giá trị nội tỉnh và liên tỉnh, nhằm tạo ra hệ sinh thái tiêu dùng lành mạnh, ổn định và phát triển dài hạn.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/chu-dong-thuc-daytieu-dung-noi-dia-2c20ad5/
Bình luận (0)