Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chú trọng sở hữu trí tuệ trong thời đại số

Sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp (DN) trong sản xuất hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, những quy định khắt khe từ các hiệp định thương mại, chính sách bảo hộ của từng thị trường đòi hỏi DN trong nước phải thay đổi nhận thức về SHTT để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai14/05/2025

Nhiều doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gốm Biên Hòa. Trong ảnh: Khu vực trưng bày sản phẩm của Công ty CP Gốm Việt Thành (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.Phương

Song song đó, khi khoa học và công nghệ, thương mại điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… ngày càng phát triển, yếu tố về SHTT lại càng đóng vai trò quan trọng để tạo tiền đề cho DN Việt Nam phát triển bền vững.

Nhiều thách thức khi thương mại điện tử, công nghệ AI phát triển

Sự phát triển của thương mại điện tử là xu hướng chung trên toàn cầu. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều đối tượng cũng lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh của DN.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) Phan Minh Nhựt cho rằng, các chủ thể quyền SHTT phải nâng cao và tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ và thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử ngày càng phát triển như hiện nay.

Theo ông Phan Minh Nhựt, hàng hóa “made in Vietnam” đang là thương hiệu có uy tín, mang lại giá trị lớn đối với các DN ở Việt Nam. Do vậy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu này sẽ gây tác động lớn đến uy tín thương hiệu cũng như xuất xứ của sản phẩm trên thị trường, nhất là khi có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Tháng 4-2025, Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội nghị Sản phẩm AI và SHTT: Cơ hội khám phá và các vấn đề pháp lý liên quan. Tại hội nghị, trước sự phát triển của công nghệ, ứng dụng AI, các chuyên gia cho rằng, các DN, địa phương không thể đứng ngoài xu thế đó, nhất là khi các chính sách phát triển AI, hệ thống pháp lý vẫn chưa thật sự rõ ràng. Cơ quan chức năng cần hướng đến việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật liên quan đến AI như: quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, SHTT, quan hệ lao động, bồi thường thiệt hại.

Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Thành phố Hồ Chí Minh Trần Giang Khuê nhận định, các hình thức xâm phạm quyền SHTT phát sinh trên môi trường số, các hành vi xâm phạm quyền SHTT xuyên biên giới… đặt ra nhiều vấn đề pháp lý về SHTT cho các chủ thể, DN và địa phương trong kỷ nguyên AI. Có thể kể đến những vấn đề liên quan đến tác giả, đồng tác giả; bảo hộ các “tài sản trí tuệ” do AI tạo ra; công tác quản lý và thực thi, khai thác quyền SHTT, xử lý, phòng tránh những vi phạm liên quan đến hàng giả…

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong quý I-2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 30,6 ngàn vụ vi phạm; trong đó có khoảng 1,1 ngàn vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm SHTT…

Tăng cường các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận diện thương hiệu luôn là vấn đề mà nhiều DN quan tâm trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Ngoài giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, các DN ngày càng phát triển bản sắc và truyền tải giá trị cốt lõi thương hiệu của DN. Qua đó, vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa hạn chế những rủi ro liên quan đến SHTT…

DN khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến SHTT, phát triển thương hiệu, bộ nhận diện cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… SHTT được xem là một tài sản lớn, hữu ích của DN. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Quyền SHTT, đặc biệt là nhãn hiệu, tên thương mại ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong chiến lược phát triển thương hiệu DN, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử, công nghệ số ngày càng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Đào, chủ Cơ sở Mật ong Minh Đào (ở xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh), cho biết sản phẩm mật ong của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, đã được đăng ký SHTT. Điều này tạo điều kiện để cơ sở tập trung đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chủ lực mật ong hoa chôm chôm Long Khánh, cũng như mở rộng phát triển thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh; sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; phấn đấu số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các DN trên địa bàn tỉnh tăng trung bình 8-10%/năm.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và giống cây trồng mới trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương. Đồng thời, tăng cường năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT, thúc đẩy công tác bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số…

Lam Phương

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/chu-trong-so-huu-tri-tue-trong-thoi-dai-so-e5c5989/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm